Đổi thay ở vùng đất bãi ven sông

06:01, 01/01/2020

Hơn 30 năm xây dựng và phát triển kể từ khi tách khỏi xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình về xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), vùng đất Hồng Hà chuyển mình mạnh mẽ từ một làng nhỏ ven sông hiu quạnh thành xóm làng trù phú, là địa chỉ chuyên sản xuất các loại hoa, cây cảnh, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của xã Mỹ Tân nói riêng và cả huyện Mỹ Lộc nói chung. Xóm nhỏ ven sông ngày ấy nay quanh năm rực rỡ sắc hoa; tấp nập xe ô tô vào, ra mua bán.

Sản xuất giống hoa cúc truyền thống tại xóm Hồng Hà, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc).
Sản xuất giống hoa cúc truyền thống tại xóm Hồng Hà, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc).

Đồng chí Trần Ngọc Tiến, Bí thư Đảng bộ xã Mỹ Tân cho biết: Xưa kia, làng Hồng Hà là một bãi bồi nằm sát mép nước sông Hồng. Nằm bên hữu sông Hồng nhưng khi đó, làng Hồng Hà lại thuộc địa giới quản lý của xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Khi còn bến phà Tân Đệ, người dân Vũ Thư vẫn ngày ngày qua phà sang đất Hồng Hà khai khẩn làm ăn, tối lại qua phà trở về Thái Bình. Để tiện cho việc sản xuất, nhiều gia đình đã xin phép chính quyền xây dựng nhà ở, chuyển hẳn sang sinh cơ lập nghiệp ở vùng bãi. Một số hộ dân làm nghề chài lưới ven sông, qua đây, thấy đất đai rộng rãi, màu mỡ cũng chọn Hồng Hà làm điểm dừng chân cắm sào xây dựng cuộc sống mới. Làng xóm được hình thành nhưng còn rất nhiều khó khăn. Đồng bãi hoang vu, đường đi chưa có, đường điện cũng không. Người dân quanh năm vất vả nhưng cuộc sống vẫn không hết khó khăn, thiếu thốn. Năm 1994, xóm Hồng Hà chính thức được sáp nhập, trở thành đơn vị hành chính của xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc). Sau khi “nhập tịch” Mỹ Tân, người dân xóm Hồng Hà như được khai sinh lại. Được sự hỗ trợ, động viên kịp thời của chính quyền trong việc cải tạo đồng bãi, xây dựng hệ thống thuỷ lợi, mở đường; các đoàn thể chính trị hỗ trợ việc tổ chức lại sản xuất, tính toán trồng cây gì cho phù hợp với đặc thù đồng đất, mang lại hiệu quả kinh tế cao... Người dân thôn Hồng Hà năng động xoay chuyển từ trồng dâu nuôi tằm lại đến trồng đay, trồng ngô, rồi rau màu… Đặc biệt năm 2002, cầu Tân Đệ và Quốc lộ 10 qua 2 tỉnh được Nhà nước đầu tư xây mới và nâng cấp đã đánh dấu giai đoạn phát triển mới của làng Hồng Hà. Giao thông thuận lợi, sản phẩm rau, màu của làng được khách hàng ở nhiều nơi biết tới tìm đến tiêu thụ, đời sống người dân Hồng Hà nhờ vậy được cải thiện. Người dân Hồng Hà có điều kiện mở mang tiếp xúc giao thương nhiều hơn qua đó học hỏi, nắm bắt được nhu cầu của thị trường và nghề trồng hoa cũng có được một phần nhờ thay đổi lớn này. Vùng đất bãi xóm Hồng Hà quanh năm được phù sa sông Hồng bồi đắp, sau nhiều năm được bà con cải tạo ngày càng trở nên màu mỡ, phù hợp cho việc sản xuất các loại hoa, cây cảnh. Cây hoa cúc lác đác được đưa vào trồng thử nghiệm, đến năm 2010 khi hiệu quả kinh tế hơn hẳn của trồng hoa được thực tế khẳng định, hầu hết trong số 300 hộ dân ở Hồng Hà đã chuyển hẳn sang nghề trồng hoa. Theo tính toán của người dân vào thời điểm đó, một hộ nông dân trồng hoa trong làng, nếu gặp thời tiết thuận lợi, ít nhất một sào đất trồng hoa cũng cho thu nhập hơn 10 triệu đồng/năm; 1ha cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần mức thu nhập bình quân của người dân trong vùng. Nhiều hộ đã xây dựng được nhà ở khang trang, mua sắm được tiện nghi sinh hoạt đắt tiền nhờ hoa và có điều kiện đóng góp kinh phí xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và dân sinh. Đến nay, làng hoa Hồng Hà đã nhanh chóng mở rộng, đầu tư trồng hoa công nghệ cao và phát triển ra nhiều loại hoa quý như hoa ly, lay dơn, cát tường, hồng, loa kèn... Mức thu nhập 10 triệu đồng/sào/năm thời điểm khởi đầu trồng hoa của người dân Hồng Hà nay đã tăng lên gấp 10 lần. Không chỉ sản xuất nhỏ lẻ, người dân Hồng Hà liên kết sản xuất theo mô hình tổ hợp tác trồng hoa công nghệ cao, hình thành vùng sản xuất hoa chất lượng cao, tập trung có diện tích 5ha. Tham gia mô hình này, nhiều hội viên nông dân trồng hoa đã có mức thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng và giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Tiêu biểu như mô hình sản xuất và tiêu thụ giống hoa của gia đình anh Nguyễn Trọng Đại, xóm Hồng Hà 2, đạt doanh thu gần 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động tại địa phương. Ngoài ra, còn nhiều mô hình khác cũng đem lại nguồn thu không hề nhỏ, khoảng 200 triệu đồng/vụ trồng hoa Tết như: Gia đình anh Nguyễn Văn Sử ở thôn Hồng Hà 1, trồng khoảng 1ha hoa cát tường, ly, dơn, cúc; các hộ Trần Bá Dụng ở thôn Hồng Hà 1; Đỗ Văn Tùng, Trần Sách Lập, Nguyễn Xuân Lợi, thôn Hồng Hà 2 trồng cúc chậu, hồng chậu. Họ đều là những tấm gương làm ăn giỏi ở địa phương. Toàn xã Mỹ Tân có trên 600 hộ trồng hoa với tổng diện tích 94ha, thì làng Hồng Hà đã chiếm 80ha với khoảng 500 hộ, trở thành vùng mũi nhọn kinh tế của xã Mỹ Tân và là điểm đến học tập kinh nghiệm của nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Có lẽ đó là lý do xóm Hồng Hà được UBND tỉnh chọn làm điểm xây dựng 2 mô hình “Tuyến đê kiểu mẫu” và “Khu dân cư nhà vườn nông thôn mới kiểu mẫu”. Thôn Hồng Hà đã tập trung nhân lực, vật lực, đóng góp công sức, tiền của nâng cấp toàn bộ hệ thống giao thông, thuỷ lợi, điện chiếu sáng, đảm bảo vệ sinh môi trường, làm đẹp cảnh quan từ nhà ra ruộng đến các triền đê. Trong đó 20 hộ dân tiêu biểu xây dựng khu nhà vườn kiểu mẫu với quy hoạch kiến thiết lại đất vườn của gia đình mình thành một khuôn viên thu nhỏ đảm bảo cảnh quan môi trường, phù hợp với đặc thù làng nghề hoa, cây cảnh có thể kết hợp khai thác kinh tế vườn gắn với du lịch trải nghiệm sinh thái làng nghề. 

Thành công từ mô hình phát triển kinh tế gắn với du lịch sinh thái ở làng nghề hoa Hồng Hà là cơ sở để xã Mỹ Tân nhân rộng phát triển du lịch sinh thái làng nghề, khuyến khích người dân trong xã xây dựng các chương trình trải nghiệm thú vị cho du khách cùng tham gia lao động, sản xuất phấn đấu đưa xã Mỹ Tân trở thành một địa chỉ du lịch sinh thái làng nghề tiêu biểu của tỉnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com