Làm giàu từ mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc

05:08, 09/08/2019

Những năm gần đây, mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc xuất hiện nhiều và dần trở thành hướng phát triển kinh tế mới hiệu quả ở nhiều địa phương trong tỉnh. Nhận thấy dưa lê Hàn Quốc đem lại giá trị kinh tế cao bởi kỹ thuật chăm sóc đơn giản, không tốn nhiều chi phí, lại phù hợp với khí hậu địa phương, anh Vũ Văn Khá ở Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất ruộng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa lê. Đến nay, mô hình của anh đã cho thu nhập ổn định, trở thành mô hình điểm cho nhiều thanh niên địa phương đến tham quan, học tập.

Công nhân làm việc tại vườn dưa lê Hàn Quốc của anh Vũ Văn Khá, ở Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng).
Công nhân làm việc tại vườn dưa lê Hàn Quốc của anh Vũ Văn Khá, ở Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng).

Như nhiều thanh niên nông thôn khác, sau khi tốt nghiệp đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Vũ Văn Khá cố gắng bám trụ ở thành phố để mưu sinh và xin vào làm việc trong khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, sau nhiều năm làm việc, anh nhận thấy thành phố không là nơi để anh lập thân, lập nghiệp lâu dài. Sinh ra vốn quen với cây lúa, nên muốn ổn định cuộc sống, làm giàu chỉ có thể bắt đầu từ chính quê hương mình. Sau một thời gian, chàng kỹ sư trẻ quyết định xin nghỉ việc về quê lập nghiệp. Năm 2012, địa phương có nhu cầu tuyển dụng công chức công tác tại địa phương, Khá đã nộp hồ sơ ứng tuyển và được nhận vào công tác phụ trách mảng nông nghiệp của Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng). Nhận thấy quê hương có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp nhưng bà con ở đây chủ yếu vẫn canh tác theo kiểu truyền thống nên dễ bị ảnh hưởng của thời tiết, hiệu quả kinh tế không cao. Vốn có kinh nghiệm khi còn làm trong khu nông nghiệp công nghệ cao nên anh muốn mở ra hướng sản xuất nông nghiệp mới cho hiệu quả kinh tế cao, để nhân dân trong vùng áp dụng vào canh tác. Dám nghĩ, dám làm, anh quyết định đầu tư xây dựng mô hình nhà kính để trồng dưa lê Hàn Quốc, một hướng đi mới tại địa phương mà chưa có ai làm. Thời điểm bắt tay vào xây dựng mô hình, anh Khá gặp vô vàn khó khăn. Để có vốn xây dựng cơ sở nhà kính, anh đã vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bạn bè, người thân được 200 triệu đồng, rồi tìm đất thuê và tiến hành mua giống dưa lê Hàn Quốc về trồng thử trên diện tích 200m2. Với vụ dưa lê đầu tiên, thổ nhưỡng có sự thay đổi, cộng thêm địa hình, thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây dưa. Chưa kể, trong vườn xuất hiện một số bệnh nấm ảnh hưởng tới thân và lá của dưa, trong khi thuốc điều trị và chất dinh dưỡng kém cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cây trồng. Do đó, dưa lê của anh Khá không phát triển được, cây không đậu trái, có ra trái thì cho quả nhạt hoặc quả bị nứt vỏ. “Tôi đã rất lo lắng khi nhìn vườn dưa lê của mình, bởi bao nhiêu tiền của, công sức tôi đều đầu tư vào đây. Nếu trắng tay với cây dưa lê, tôi biết lấy tiền đâu trả nợ ngân hàng. Được sự động viên của những người thân trong gia đình, tôi đã trấn an bản thân, quyết tâm làm lại từ đầu...”, anh Khá chia sẻ. Xác định để gắn bó với cây dưa lâu dài, phải thật hiểu về cây trồng mới có hiệu quả, Khá đã quyết tâm học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc giống dưa lê Hàn Quốc. Trước hết là học từ các mô hình trồng dưa lê trên mạng, tham khảo ý kiến của người trồng dưa trên cả nước, sau đó là tìm đọc thêm các tài liệu trên sách, báo, xem các chương trình truyền hình phổ biến cách trồng dưa lê. Phương án mang tính quyết định nữa là tìm mọi cách cải tạo đất trồng, nguồn nước phù hợp với cây dưa. Ngoài ra, còn cần làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh cho cây... Để có mô hình trồng dưa lê sạch, Khá sử dụng phân hữu cơ sinh học, trồng dưa với tiêu chí không hóa chất, không thuốc tăng trưởng. Với những kinh nghiệm của bản thân và qua quá trình học hỏi, tìm tòi, mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc của anh dần phát triển ổn định, năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm đều tăng. Ngoài ra, anh còn đầu tư, nâng cấp hệ thống nhà lưới trồng dưa, với ưu điểm vượt trội giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động chế độ dinh dưỡng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên đảm bảo sản phẩm an toàn, giảm chi phí sản xuất. Đối với hệ thống tưới, anh dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel, nước được tưới nhỏ giọt tới từng gốc cây. Phân bón được hòa với nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Hệ thống tưới tự động, chính xác cho mỗi cây nên dưa phát triển đồng đều. Đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao mà nhiều nơi đang áp dụng. Chàng kỹ sư trẻ Vũ Văn Khá cho biết thêm: “Dưa lê Hàn Quốc sinh trưởng và phát triển nhanh, ít bị bệnh phấn trắng nên đỡ tốn công chăm sóc và tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Hơn nữa, hương vị ngọt thơm, phù hợp với thời tiết nắng nóng mùa hè nên được nhiều người ưa chuộng”. Hiện tại, mỗi cân dưa lê Hàn Quốc bán tại siêu thị có giá từ 50-60 nghìn đồng, tôi chỉ cần bán với giá từ 30 nghìn đồng/kg thì cũng đã đảm bảo có lãi và bù được chi phí ban đầu. Với khoảng thời gian 2-3 tháng/vụ, mỗi quả nặng trung bình trên 1kg, dưa lê Hàn Quốc có thể canh tác được 3 vụ/năm. Hiện tại, mô hình trồng dưa của anh Khá có tổng diện tích gần 1.000m2 trồng 3 vụ, sản lượng thu hoạch đạt bình quân 2-3 tấn/vụ, giá bán từ 40-45 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi hàng chục triệu đồng/vụ. Sản phẩm của gia đình anh được phân phối tại các cửa hàng rau sạch trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh, thành phố như Ninh Bình, Hà Nội...

Trước thực trạng nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều, thanh niên nông thôn đi làm ăn xa ngày càng tăng, mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc của anh Vũ Văn Khá đã giúp nhiều thanh niên trong địa phương tìm được hướng đi mới. Năng động, dám nghĩ, dám làm, anh Khá giờ đã là một triệu phú trẻ làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm mô hình xây dựng nhà lưới trồng dưa, là địa chỉ tin cậy cho nhiều người trẻ đến học hỏi, tham quan mô hình. Khởi nghiệp khó khăn, anh Khá hiểu rất rõ những vướng mắc mà nhiều thanh niên nông thôn đang gặp phải khi khởi nghiệp. Anh hy vọng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều bạn trẻ được tiếp cận các nguồn vốn vay, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, từ đó tạo động lực, niềm tin cho thanh niên trong cơ hội làm giàu, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com