Từ những bàn tay tài hoa

04:02, 15/02/2019

Ngoài cổng đình làng Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) hiện vẫn ghi đôi câu đối: “Tài thụ, chủng hoa, Tô tướng thủy. Nguyễn trang, Vỵ xã, hiệu chi tiên” (tạm dịch: Trồng cây, ươm hoa là nghề do tướng công họ Tô khởi đầu. Trang ấp họ Nguyễn ở thôn Vỵ là tên gọi thuở trước). Theo ngọc phả ở đình làng, nghề trồng hoa và cây cảnh nơi đây có từ thế kỷ XIII (1211) do vị quan nhà Lý là Tô Trung Tự truyền dạy. Từ bấy đến nay, nghề do vị quan họ Tô truyền cho dân làng đã tồn tại trên 800 năm. Từ nghề xưa, nhiều người trong làng ngoài xã nối nghiệp thành tài, phát triển vùng đất màu mỡ này thành một trong cái nôi cây cảnh nức tiếng xứ Việt.

Ông Nguyễn Văn Chiến, xóm 2, xã Điền Xá (Nam Trực) bên vườn cây cảnh của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Chiến, xóm 2, xã Điền Xá (Nam Trực) bên vườn cây cảnh của gia đình.

Mùa xuân này, xuôi dọc đê sông Hồng chúng tôi lại về với Điền Xá. Nằm bên cạnh dòng sông Hồng thơ mộng xanh như một dải lụa dưới trời xuân, xóm làng nơi đây như càng rực rỡ. Thấp thoáng trong những khu vườn được quy hoạch đẹp đẽ không khác gì một bức tranh vẽ với nhiều cây cảnh có tuổi ngót cả đời người. Soi bóng xuống dòng sông là những vườn hồng cổ, những vườn cúc, đào, quất rực rỡ. Sáng xuân ấm áp, trong mùi hương dịu nhẹ của những đóa hoa trà mới nở, chúng tôi có dịp ngồi trò chuyện với nghệ nhân Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Điền Xá. Ông đã có vài chục năm gắn bó với nghề am hiểu sâu sắc về nghề trồng hoa, cây cảnh ở địa phương. Ngót 10 tuổi, cậu bé nhỏ thó, loắt choắt đã biết cầm dao kéo theo ông rồi bố ra vườn. Ông Chiến bảo, “dân làng nghề ai cũng thế, không cứ mỗi tôi”. Cái thú chơi cây, say cây bắt đầu với ông từ đó. Mặc nhiên như… hơi thở. Rồi chiến tranh, rồi giặc dã, nghề trồng hoa cây cảnh của làng, của xã bị ảnh hưởng ít nhiều. Có những thời kỳ hưng thịnh nhưng cũng có những giai đoạn khó khăn. Ông Chiến chứng kiến hết. Cũng như nhiều trai làng những năm chiến tranh, ông có thời kỳ gác niềm đam mê lên đường nhập ngũ. Năm 1975, hòa bình lập lại, công cuộc tái thiết đất nước bắt đầu cũng là lúc nhiều nghề chơi, thú chơi được khôi phục. Nghề trồng hoa, cây cảnh của Điền Xá nhanh chóng bắt nhịp với nhu cầu thị trường. Đến khoảng những năm 1980, hoa và cây nơi đây đã trở thành hàng hóa. Cả làng cả xã ai ai cũng bắt tay vào làm cây cảnh. Đây cũng là lúc ông Chiến xác định hướng đi, chuyên tâm vào việc trồng, kinh doanh cây cảnh. Như nhiều người làng, thời gian đầu, ông tập trung trồng các loại đào, quất, mai, hải đường, một số loại hoa trà, mẫu đơn. Ngoài hoa, ông trồng thêm các loại sung, si, sanh… Bẵng đi vài chục năm, từ khu vườn xưa giản dị, ông Chiến dần mở rộng diện tích, chăm bẵm thêm được nhiều cây quý. Đến nay, vườn nhà ông đã rộng trên 1.000m2 với số đầu cây lên đến hàng nghìn. Trong số đó, theo nhẩm tính của ông có khoảng trên 10 cây cảnh cực quý, có tuổi đời trên 50 năm với giá trị kinh tế, nghệ thuật cao. Dẫn chúng tôi đi một vòng, ông Chiến tự hào giới thiệu 2 trong số những cây ông rất quý, được trưng bày trang trọng trong vườn trong đó có cây sanh trên 60 năm tuổi mang thế “quần thụ siêu phong”. Giải thích về thế cây, ông cho biết: “Xuất xứ của cây sanh này là một gốc cây nằm ở… bờ ao. Tôi thấy hay nên mang về nhà trồng. Trong một lần ra bờ sông đi làm, tôi có trông thấy mấy chiếc thuyền buồm nối nhau chạy về phía xa. Tôi nhìn theo mãi, nảy ra ý tưởng cho cây sanh trong vườn. Từ tưởng tượng về cánh thuyền buồm chạy căng trong gió tôi đã uốn, cắt, tỉa để cây sanh có thế thành quần thụ siêu phong”.

Cách ông Chiến khoảng vài tuổi, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Vũ, xóm 3, xã Điền Xá nổi tiếng trong xóm, ngoài làng bởi khả năng chơi, tạo các loại lan quý và hoa trà rất độc đáo, “mạnh tay”. Nối nghiệp ông bà từ những ngày còn chưa viết sõi hết chữ, ông Vũ bảo “đến giờ quen nhất vẫn là với cây kéo”. Ông Vũ là một trong những người đầu tiên trong xã đi tiên phong trong việc cắt ghép để tạo ra những cây hoa trà có chất lượng hơn. Trước đó, theo lời ông kể, các cụ thân sinh ra ông vốn rất mê chơi trà. “Tuy nhiên, các cụ thường cắt ươm cây hoa theo phương pháp cổ truyền, không tốt cho sự phát triển của cây. Tôi nhận thấy với cách này, trồng mười cây thì chỉ được vài cây, không khác gì may rủi”. Tháng 6, lựa ngày nắng nóng, ông Vũ ra vườn cắt ngọn cây trà vào ươm. Thời gian ươm khoảng 20 ngày. Mỗi ngày, ông Vũ đều ra vườn thăm cây, quan sát kỹ sắc thái ngọn. Nếu cây cho búp tươi, vết cắt khô thì biết việc cắt, ươm cây đã thành công. “Mát tay” với cây hoa trà, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, ông Vũ thường có khoảng 200 đến 300 gốc trà bán Tết. Trong đó có những loại trà quý như phấn bát diện, thâm bát diện, bạch nhật… Không chỉ khiến giới chơi cây nể phục ở khả năng ươm, cắt ghép hoa trà, ông Vũ còn khiến giới nghề nể phục ở việc “thuần” được các loại lan khó và quý. Trong đó, ông quan tâm đặc biệt đến các loại hoàng lan và mạc lan như: hoàng vũ, hoàng thanh, hoàng tần mộng, hoàng điểm, mạc kim biên, ngân biên… Mê lan nhưng hầu như ông Vũ không xuất bán ra ngoài mà chỉ để chơi trong nhà, tặng những người mà mình yêu mến. Ngoài vườn lan và hoa trà quý, ông Vũ cũng có khoảng chục cây sanh, si, tùng la hán hiếm, được định giá cao. Đây là những cây kết hợp được đầy đủ các yếu tố cổ, kỳ, mỹ, sắc nét và độc đáo. Làm cây, cũng theo ông Vũ, khó hơn nhiều so với làm hoa. Nếu làm hoa, yếu tố kinh nghiệm và chăm sóc quyết định thành bại thì làm cây đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn. Trong đó, ông Vũ đặc biệt đánh giá cao con mắt sáng tạo trong nghề. “Trồng cây, chơi cây cảnh thì cả nước có nhiều nơi trồng. Nhưng tại sao nghề trồng hoa, cây cảnh ở Điền Xá lại có sức sống lâu bền? Ấy không chỉ là cái lộc của tổ tiên mà quan trọng là bởi cái tâm của những người làm nghề, ý thức giữ gìn văn hóa, bản sắc truyền thống của các bậc tiền nhân để lại”, ông Vũ chia sẻ. Chơi cây, theo ông Vũ, bắt nhịp được xu hướng của thời đại, cách tân là điều rất tốt nhưng kết hợp được yếu tố hiện đại và giá trị truyền thống tốt hơn nhiều. Ví dụ, có những giai đoạn người ta thịnh những cây cảnh có các thế độc, lạ. Nhưng để chơi lâu bền hơn cả vẫn phải phát triển trên 4 trụ cột là thẳng, ngang, khúc khuỷu, nghiêng. Từ 4 trụ này, nghệ nhân bằng con mắt, sự sáng tạo, đam mê, đôi bàn tay khéo léo “chế” ra các thế khác. Có đến hàng trăm thế cây khác nhau thể hiện quan điểm, cách nhìn, khát vọng của người làm nghề cũng như người yêu và hiểu cây…

Mùa xuân đến, ấy là khi đất trời giao hòa, cỏ cây sinh sôi nảy nở. Mùa xuân đến, giăng giăng trong những làn mưa xuân mỏng nhẹ như khói như sương những vườn cây, vườn hoa ở Điền Xá càng thêm xanh, thơ mộng. Một năm cần mẫn trên những khu vườn, cánh đồng đưa lại nhiều “vị ngọt” cho người thợ làm vườn cần mẫn. Vài năm trở lại đây, nghề cây cảnh đã không còn được huy hoàng như xưa. Tuy nhiên, người dân làng nghề vui vẻ chấp nhận như quy luật hưng thịnh ở đời. Họ cố gắng tìm hướng đi mới giữa thời cây bão hòa, tìm hiểu thêm nhu cầu thị trường, nhập thêm những giống cây mới… Đồng thời, vẫn nâng niu, giữ gìn trong những góc vườn những cây quý, coi như “của để dành”, để ngắm nhìn mỗi ngày. Cái tinh thần lạc quan của người chơi, của người thợ làm vườn chất phác là ở chỗ đó. “Chúng tôi yêu mến, trân trọng những khu vườn của mình, nghề của tổ tông để lại. Dù thời gian bao nhiêu năm đi qua, tôi tin rằng nghề vẫn có thể sống được. Bởi nghề chơi này hướng đến cái đẹp của cuộc sống, là tâm tình của mỗi nghệ nhân gửi gắm với cuộc đời này”, ông Chiến nói./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com