Mùa Nấm

08:02, 13/02/2019

Mùa vụ trồng nấm quanh năm, nhưng với các loại nấm rơm, nấm mỡ thì phải từ tháng 10 âm lịch năm nay đến tháng 3 năm sau mới rộ. Đó là khi thời tiết chuyển rét, không khí, độ ẩm cao đảm bảo điều kiện cho cây nấm phát triển. Nghề trồng nấm ở các địa phương trong tỉnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Nhờ trồng nấm, hàng trăm hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, góp phần giải quyết lao động nông nhàn ở địa phương.

Cơ sở trồng nấm của anh Cao Văn Thế, xóm 5, xã Giao Tiến (Giao Thủy) tạo việc làm cho 15 lao động với mức thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.  Bài và ảnh: Thanh tuấn
Cơ sở trồng nấm của anh Cao Văn Thế, xóm 5, xã Giao Tiến (Giao Thủy) tạo việc làm cho 15 lao động với mức thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.

Đến thăm cơ sở trồng nấm của anh Cao Văn Thế, xóm 5, Quyết Thắng, xã Giao Tiến (Giao Thủy), chúng tôi bắt gặp không khí khẩn trương của những người lao động trong trang trại. Chia sẻ về cơ duyên khởi nghiệp với nghề trồng nấm, anh Cao Văn Thế cho biết, anh đã đam mê nghề trồng nấm cách đây hơn 10 năm. Thời điểm khởi nghiệp ban đầu gặp nhiều khó khăn vì thiếu vốn, thiếu nhân lực có kỹ thuật tới đầu ra sản phẩm cũng không ổn định. Đặc biệt, giống nấm phải đi mua lại từ đơn vị khác nhiều khi không đảm bảo nên tỷ lệ lên giống thành công không cao. Khi đọc được bài báo viết về hiệu quả trồng nấm mỡ, rơm, sò… ở các tỉnh phía Nam, như có lực hút, anh rất tò mò và thích thú tìm hiểu những loại nấm này. Khảo sát thực tế ở nhiều cơ sở, anh nhận thấy sản xuất các loại nấm cho hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nhiều việc làm lúc nông nhàn cho lao động nông thôn lại tận dụng các phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp và tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người dân. Vì thế, năm 2008, anh Thế quyết định chuyển sang đầu tư sản xuất các loại nấm ăn. Để cơ sở sản xuất phát triển, anh tập trung vốn mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất như máy băm rơm, máy trộn đảo nguyên liệu, máy đóng, đảo bịch, lò hấp và tu bổ, nâng cấp nhà xưởng. Số vốn đầu tư lớn trong khi vợ chồng anh mới chỉ nắm được kỹ thuật nuôi trồng các loại nấm trên lý thuyết, chưa có kinh nghiệm thực tế nên cũng không tránh khỏi lo lắng, băn khoăn. Từng bước, cơ sở vừa chuyển giao kỹ thuật, đào tạo, thu hút lao động, vừa mở rộng quy mô sản xuất nấm ăn như các loại mộc nhĩ, nấm mỡ, nấm sò, nấm rơm…, bình quân mỗi năm, cơ sở tiêu thụ hàng trăm tấn nguyên liệu từ phế phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, mùn cưa…, sản xuất hàng chục vạn bịch giống nấm ăn các loại cung cấp cho các hộ sản xuất nấm, bao tiêu hàng trăm tấn sản phẩm nấm các loại cho người trồng nấm trong và ngoài tỉnh.

Nghề trồng nấm tưởng như đơn giản nhưng lại là một nghề “đánh bạc với trời” bởi mỗi vụ có đạt hiệu quả cao không là còn phụ thuộc vào thời tiết. Nếu thời tiết không tốt, nấm sẽ phát sinh bệnh và hỏng. Về kinh nghiệm trồng nấm, anh Thế chia sẻ: “Trồng nấm không khó nhưng phải kiên trì và tận tâm với nó bởi nghề này như nuôi con mọn vậy. Phải trải qua rất nhiều quy trình mới ra được thành quả. Ví dụ, tưới nước cho nấm cũng phải lưu ý tưới đều, nếu tưới quá nhiều thì nấm sẽ bị úng và hỏng. Nhà sấy cũng phải khử trùng tuyệt đối để tránh tình trạng nấm bị mắc bệnh”. Trong năm vừa qua, gia đình anh Thế đã đầu tư 5 vạn bịch nấm mộc nhĩ, 3 vạn bịch nấm sò. Sản lượng nấm sò cho sản lượng 14 tấn/năm, giá bán trung bình 20-25 nghìn đồng/kg. Cơ sở trồng nấm của gia đình anh Thế cũng phát triển được thị trường bán nấm rộng rãi khắp trong và ngoài tỉnh. Thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình lên đến hàng trăm triệu đồng. Mô hình trồng nấm của gia đình anh Thế đã góp phần cung cấp cho thành phố một sản phẩm nông nghiệp sạch mang tính hàng hóa và được người tiêu dùng ưa chuộng. Anh Thế cho biết thêm, nghề trồng nấm chi phí thấp, đỡ vất vả hơn so với các nghề khác. Với 5 vạn bịch nấm rơm, mỗi ngày, cơ sở xuất bán ra thị trường từ 50-60kg nấm rơm, giá từ 40 đến 50 nghìn đồng/kg; vào các ngày lễ, ngày rằm, giá nấm tăng lên từ 70-100 nghìn đồng/kg; còn nấm mỡ, nấm sò giá bán từ 20-25 nghìn đồng/kg. Năm 2018, doanh thu của cơ sở đạt trên 2 tỷ đồng. 

Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế gia đình, anh Thế còn tích cực phổ biến và vận động người dân trong vùng tham gia trồng nấm với mong muốn tạo thêm thu nhập cho bà con. Khi bà con có nhu cầu trồng nấm, anh sẵn sàng phân công cán bộ hướng dẫn kỹ thuật tỉ mỉ, hỗ trợ từ 20-50% giá bịch nấm giống, có loại nấm hỗ trợ 100% giống nhằm khuyến khích người dân mạnh dạn trồng nấm. Cơ sở trồng nấm của gia đình anh có dịch vụ bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn, tạo thuận lợi cho người sản xuất. Anh bảo, nông dân trồng được cây nấm rất vất vả, vì vậy cơ sở luôn tạo điều kiện tốt nhất để người trồng có hiệu quả kinh tế cao, đặt lợi ích của bà con lên trên. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 50 cơ sở, tổ hợp tác, hợp tác xã trồng nấm rơm, nấm sò, nấm mỡ, nấm linh chi... Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân và các tổ chức tín dụng, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ hàng nghìn lượt hộ nông dân vay vốn phát triển trồng nấm; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng nấm cho người dân, hướng dẫn hội viên nông dân trồng nhiều loại nấm có hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân xây dựng thương hiệu; đồng thời tạo điều kiện gắn kết các hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở trồng nấm trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ nấm./.

Bài và ảnh: Thanh Tuấn

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com