Nghề chế tác tượng ở Xuân Trường

08:12, 07/12/2018

Bằng niềm đam mê và sự tài hoa, nhiều nghệ nhân trong các làng nghề sản xuất đồ mộc mỹ nghệ ở huyện Xuân Trường đã “thổi hồn” vào những vật liệu gỗ để tạo ra những sản phẩm tượng có giá trị nghệ thuật cao.

Về xã Xuân Phương chúng tôi cảm nhận được không khí lao động khẩn trương của những người thợ sản xuất đồ mộc mỹ nghệ. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Toàn xã có khoảng 15 cơ sở đục tượng, trong đó những xưởng chế tác tượng của các gia đình thuộc dòng họ Trần Văn nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh như: Trần Văn Hiệu, Trần Văn Đệ, Trần Văn Chẩn. Anh Trần Văn Hiệu (46 tuổi) ở xóm Bắc, sinh ra trong gia đình có truyền thống 3 đời làm nghề đục tượng gỗ cho biết: Nghề đục tượng ngoài năng khiếu còn cần sự kiên trì học hỏi. Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề, năm 1994, mặc dù tay nghề đã tương đối vững, nhưng anh Hiệu vẫn vào Nam để học hỏi thêm nghề đục tượng. Năm 2004, anh Hiệu về mở xưởng tại nhà. Ban đầu, hiệp thợ của anh chỉ có 10 người, sản phẩm tượng gỗ chủ yếu phục vụ nhu cầu khách hàng địa phương. Năm 2012 anh Hiệu xây dựng xưởng mới với diện tích 200m2 trên trục đường xóm Bắc và năm 2016 đã mở rộng xưởng lên 500m2. Hiện nay, số thợ làm việc thường xuyên tại xưởng đục tượng của anh Hiệu lên tới 45 người. Theo anh Hiệu, muốn tạc được bức tượng đẹp, đầu tiên người thợ phải hiểu chủ thể được tạc, đồng thời phải chú ý đến các tiểu tiết trên khuôn mặt tượng… Quy trình chế tác tượng bắt đầu từ việc chọn gỗ. Loại gỗ để chế tác tượng ở cơ sở của anh Hiệu là gỗ Pơmu có mùi thơm, vân gỗ đẹp và không bị mối mọt phá hoại. Sau khi chọn gỗ, từ hình mẫu, người đục đo thể tích để cắt gỗ: chiều cao, chiều ngang và bề dày, sau đó vẽ phác thảo cắt hình mẫu. Sau khi đục phá đến khâu chi tiết người thợ tiếp tục vẽ phác thảo rồi đục, tỉa theo đường vẽ. Theo anh Hiệu, hiện nay ở một số khâu xử lý phần thô đã có máy móc hỗ trợ giúp tiết kiệm 70% sức lao động nhưng từng chi tiết chạm đục để hoàn thiện sản phẩm vẫn là bàn tay và cảm xúc của người thợ. Các bức tượng Chúa Jesus, Đức Mẹ chịu nạn... với chiều cao lớn từ 1m-2m do anh Hiệu trực tiếp đục, chạm luôn có “hồn” trong mỗi đường nét.

Anh Trần Văn Hiệu (ngoài cùng bên phải) kiểm tra công đoạn đục thô tượng.
Anh Trần Văn Hiệu (ngoài cùng bên phải) kiểm tra công đoạn đục thô tượng.

Cũng xóm Bắc, xã Xuân Phương, căn nhà của anh Đinh Văn Thắng (41 tuổi) mặc dù không có biển quảng cáo, chỉ có các bức tượng do anh đắp trưng ở đầu hè nhưng vẫn tấp nập khách tới đặt hàng. Kể về “duyên” với nghề đắp tượng, anh Thắng cho biết: Năm 20 tuổi, từ niềm đam mê với các pho tượng, anh đã lên Hà Đông (Thành phố Hà Nội) để xin học đục tượng gỗ. Sau vài năm học đục tượng, anh định về quê mở xưởng tại nhà nhưng do khó khăn về kinh phí, anh chuyển hướng sang nghề đắp tượng. Chỉ với chiếc bay xây, dao tỉa và các vật liệu như cát, sỏi, xi măng, bột đá… là anh có thể thỏa sức đắp các pho tượng với đủ kích cỡ. Tiếng lành đồn xa, sau khi làm một số tượng, đơn đặt hàng với anh Thắng ngày càng nhiều. Anh đã hướng dẫn anh và em trai cùng làm. Quy trình đắp tượng mới nhìn tưởng đơn giản nhưng cũng lắm công phu. Ban đầu người thợ phải đắp “cốt” tượng trên bề mặt cát, phác thảo đầu, cổ, thân, tứ chi theo tỷ lệ cân đối; sau đó dùng hỗn hợp xi măng, cát, sỏi vừa đắp vừa đẽo gọt theo “cốt” đã định. Khi thành hình, người thợ đắp tượng tiếp tục tráng lớp bột đá và xi măng bên ngoài và tiếp tục tinh chỉnh các tiểu tiết để bức tượng sống động. Khi tượng khô, người thợ đánh giấy ráp và phủ lớp sơn trắng cho tượng. Để có bức tượng sống động, người thợ phải dồn toàn tâm vào các chi tiết ở khuôn mặt như mắt, mũi, miệng và đôi bàn tay... Các đơn đặt hàng tượng do anh Thắng làm thường có kích thước lớn từ 5-6m. Gần 20 năm trong nghề đắp tượng, anh Thắng và các anh em trai đã có tượng đặt ở nhiều công trình tôn giáo lớn như: Nhà thờ Phú Nhai (Xuân Trường), Nhà thờ Đại Đồng (Giao Thủy) và nhiều nhà thờ ở các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Thành phố Hồ Chí Minh... Tâm sự với chúng tôi, anh Thắng cho biết: Nghề đắp tượng cho thu nhập trung bình từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Dù thu nhập không thật cao nhưng anh Thắng luôn tâm niệm sẽ theo nghề đến cùng, bởi đó là tình yêu, niềm đam mê với nghề.

Ở xóm Đông Thành, xã Xuân Ninh, anh Phạm Xuân Trường (46 tuổi) nổi tiếng với nghề làm tượng thạch cao. Năm 1994, sau khi hoàn nghĩa vụ quân sự, anh Trường về quê. Trong một lần tình cờ đi qua cửa hàng tạp hóa bày bán những tượng thạch cao, anh vào xem, sau đó nảy ra ý định sẽ mua tượng về nghiên cứu và làm thử. Anh dồn toàn bộ số tiền tích cóp mua một lô tượng thạch cao về nghiên cứu, rồi tìm thêm các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật sản xuất tượng. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, nhiều mẻ tượng thạch cao của anh sản xuất không thành công. Với quyết tâm theo nghề, chỉ vài tháng sau anh tìm được công thức để cho ra lò những sản phẩm tượng thạch cao đạt chuẩn. Thời gian đầu do làm thủ công nên một ngày anh chỉ sản xuất được từ 5 đến 10 sản phẩm đạt chất lượng. Để tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm, anh đã đi các tỉnh: Thái Bình, Ninh Bình... ký gửi giới thiệu ở các cửa hàng. Anh dồn hết vốn liếng đầu tư mở rộng xưởng và mua thêm thiết bị, máy móc kết hợp với phương pháp làm thủ công để tăng năng suất. Hiện nay, xưởng điêu khắc của anh Trường tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động. Sản phẩm tượng thạch cao của anh Trường chủ yếu là các tượng vườn cổ tích mầm non. Những nhân vật trong truyện thần thoại, cổ tích như: Thánh Gióng, Tấm Cám, Thạch Sanh, nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn, các con vật như hươu, nai, trâu… được chế tác trong xưởng của anh Trường đều có độ tinh xảo và sống động. Các sản phẩm của anh có mặt ở trong tỉnh và các tỉnh lân cận như: Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam…

Ở huyện Xuân Trường còn nhiều gia đình nổi tiếng với nghề chế tác tượng, trong đó tiêu biểu là 10 gia đình của dòng họ Lương, xã Xuân Tiến duy trì nghề đục tượng qua nhiều đời; ông Trần Khuông, xóm 9, xã Xuân Bắc chuyên đục tượng gỗ; anh Bùi Văn Tuyền, xóm 13 và Nguyễn Văn Nam, xã Xuân Kiên chuyên đục tượng và đồ thờ ở các công trình văn hóa tâm linh… Với lòng yêu nghề, những nghệ nhân tài hoa ở Xuân Trường vẫn từng ngày sáng tạo những tác phẩm tượng đặc sắc, góp phần gìn giữ, phát triển nghề truyền thống./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com