Những người đam mê cổ vật thuần Việt

08:11, 23/11/2018

Đầu tháng 11, tiết trời cuối thu chớm đông vô cùng mát mẻ, trong mùi trầm ấm áp, thoang thoảng, chúng tôi có dịp ngồi trò chuyện cùng những nhà sưu tầm cổ vật thuần Việt mang trong lòng tình mến yêu, trân trọng giá trị văn hóa, lịch sử của ông cha xưa. Họ cho chúng tôi xem, “thuyết trình” mê say về những bộ sưu tập mà có khi phải mất gần phân nửa đời người mải miết tìm kiếm họ mới sưu tầm được. Đó là bộ sưu tập pháp lam đời Nguyễn của anh Trần Xuân Trường, thôn La Chợ, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) và bộ nghê đời Lê, Nguyễn của anh Vũ Văn Khánh, đường Tô Hiệu (TP Nam Định).

Anh Vũ Văn Khánh, đường Tô Hiệu (TP Nam Định) giới thiệu bộ sưu tập nghê thời Lê và thời Nguyễn.
Anh Vũ Văn Khánh, đường Tô Hiệu (TP Nam Định) giới thiệu bộ sưu tập nghê thời Lê và thời Nguyễn.

Bộ sưu tập pháp lam độc đáo

Anh Trần Xuân Trường bắt đầu chơi đồ cổ tính đến nay cũng ngót vài chục năm. “Cơ duyên” do đâu thì anh bảo, “bị tự đưa đẩy”. Nghĩa là cảm thấy thích, có sự đồng cảm với thú chơi thì đi tìm hiểu. Và càng tìm hiểu, càng cảm nhận được vẻ đẹp của cổ vật thì anh càng say mê, dấn thân. Lâu dần thì thành người chơi chuyên nghiệp. Đã từng chơi đa dạng các cổ vật, nhưng anh Trường bảo, thích nhất vẫn là các cổ vật thuần Việt. “Bởi trót yêu sự mộc mạc, dung dị, cái hồn cốt của con người Việt Nam thuần hậu trong những món đồ sinh hoạt rất dân dã, đời thường”. Ngoài bộ pháp lam mà anh mang giới thiệu cho chúng tôi, anh Trường còn có một vài bộ sưu tầm cổ vật thuần Việt khác được giới nghề đánh giá khá cao như các bộ gốm sứ Bát Tràng, gốm Vạn Linh. Tuy nhiên, cá nhân anh Trường vẫn tâm đắc hơn cả bộ pháp lam. Đó là bộ sưu tập đời Nguyễn dùng trong cung đình Huế xưa kia với các món: lu, lọ, hộp trang sức, ấm chén, khay… Tất cả đều là đồ dùng cho hoàng tộc được nghệ nhân xưa thiết kế tỉ mỉ, chính xác đến từng chi tiết. Đặc biệt là màu lam trên thân cổ vật pha sắc vô cùng tươi sáng, đẹp mắt. Trải qua năm tháng, qua thăng trầm, biến thiên không hề có dấu hiệu bị phai mòn. Anh Trường cho biết thêm, bộ sưu tập pháp lam của anh hiện có khoảng vài ba chục món. Quý giá hơn cả là những đồ dùng này chưa từng xuất hiện ở các triều đại trước đó mà mới được định hình từ thời nhà Nguyễn. Do đó, số lượng sản xuất cũng không nhiều và đại trà. Trong bộ pháp lam của anh Trường, món đồ mà anh dày công sưu tầm hơn cả là đôi lọ dáng đùi dế. Đôi lọ này anh phải mua từ nước ngoài với giá tiền không hề ít. Đôi lọ có thân làm từ cốt đồng, phủ men sống trang trí bên ngoài. Đặc biệt giữa các họa tiết hoa lá, chim muông đều được ngăn cách bằng các sợi đồng mảnh như sợi chỉ, uốn lượn mềm mại. Cũng theo anh Trường, quy trình để sản xuất một sản phẩm pháp lam đời Nguyễn hết sức “phức tạp”, công phu. Đầu tiên, nghệ nhân tạo cốt đồng cho sản phẩm. Sau đó cắt tỉa, cân chỉnh, gọt giũa để sản phẩm được hoàn thiện. Khâu cuối cùng họ phủ men sống lên cốt rồi mới đóng hộp cho vào lò nung nhằm tránh bụi, tạp chất. Nhưng có lẽ, kỳ công và tài hoa hơn cả đối với cổ vật pháp lam phải kể đến việc người nghệ nhân xưa không tiếc công sức để cắt những lá đồng mảnh làm đường viền trang trí cho các cổ vật. Để sau đó, mỗi sản phẩm ra lò với khuôn đúc vừa vặn, màu sắc hoa văn tươi sáng, rực rỡ. Ngắm nghía chiếc lọ “bách hoa” với trăm ngàn bông hoa đang đua nở, anh Trường cảm thán: “một trăm bông hoa nhưng kiểu dáng và mầu sắc đều khác nhau, hài hòa, tinh tế đến mức tuyệt đối, tươi sáng đến rạng rỡ. Không một bông hoa, cánh hoa nào bị lẫn mầu, “phục tài” các cụ”.

Đã đi gần như hết những miền đất tận cùng của đất nước để sưu tầm đồ pháp lam, anh Trường mất gần 20 năm sưu tập bộ pháp lam. Với mỗi một món đồ anh đều nhớ như in hoàn cảnh, xuất xứ của nó. Khi có bạn bè trong giới đến chơi, quý lắm anh mới mang ra giới thiệu một đôi món. “Bởi nếu bạn bè mở lời, “nể nang” nhau rất có thể tôi sẽ bán. Nhưng chỉ cần bán đi 1 món, sẽ xé lẻ cả bộ”, anh Trường nói. Vì thế, anh cất “rất kỹ”, chủ yếu cho các bảo tàng mượn trưng bày khi có dịp để cho nhiều người chơi được biết đến, thưởng lãm, để bạn bè xa gần biết rằng, ở Nam Định cũng có những người chơi yêu mến, hiểu biết, trân trọng các cổ vật thuần Việt, thuần văn hóa dân tộc.

Trao gửi tâm tình của người chơi cổ vật Việt

Tròn 20 năm sưu tầm cổ vật, anh Vũ Văn Khánh có rất nhiều kỷ niệm buồn vui với nghề. Sau ngần ấy thời gian, hiện anh có trong tay khoảng 2.000 món đồ cổ với đa dạng các bộ sưu tập. Chơi nhiều món là thế nhưng 2/3 số lượng cổ vật của anh là đồ cổ thuần Việt. Bắt đầu chơi cổ vật cũng là khi anh Khánh tìm kiếm, sưu tầm bộ nghê. Nghê, trong tiềm thức của người Việt là linh vật, đồ phong thủy xua đuổi tà khí, mang lại may mắn, vì thế thường được đặt trước cửa nhà, bàn làm việc trong gia đình và ở tư thế quay đầu ra. Khi chơi nghê, người ta hay chơi theo cặp. Tại sao anh Khánh lại đặc biệt chú ý đến nghê chính anh cũng không rõ. Chỉ biết đến nay, anh đã sưu tập được hơn 10 con và dù có được trả giá khá cao anh vẫn không thể nào đành lòng bán đi. “Bởi, không đơn giản là giá trị kinh tế mà còn là công sức, tâm huyết tôi bỏ ra sau mỗi lần đi tìm. Và trên hết, tôi ấp ủ một bộ sưu tầm “dày dặn” để anh em trong giới, những người quan tâm đến thú chơi này ở Thành Nam có dịp xem, trao đổi, luận bàn”. Bộ sưu tập nghê của anh Khánh tập trung ở các thời Lê và Nguyễn (trong đó chủ yếu là những cổ vật thuộc thời nhà Nguyễn). Kích thước mỗi con cao khoảng 30cm đổ về. Về đặc điểm, nghê được làm từ các phôi gốm, qua bàn tay nhào nặn, gọt giũa của nghệ nhân mà nên hình nên dạng. Để hoàn thiện, người thợ thủ công xưa tiếp tục làm nền, hòa men, đấu mầu… rồi mới nung. Khi nung, họ cũng cẩn thận đặt sản phẩm trong hộp, tránh cho tạp chất, bụi bẩn bắt dính ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Phân biệt nghê giữa 2 thời kỳ, anh Khánh cho biết nghê đời Lê thường thon thả hơn, được thiết kế ở tư thế ngồi nhiều hơn đứng. Trái với đời Lê, thời Nguyễn nghệ nhân chủ yếu tạo tác linh vật đứng nhiều hơn ngồi. Khi nghê ngồi, họ sẽ thiết kế cho vật ngồi trên nắp vung đỉnh xông trầm. Luận về mầu sắc trang trí, nghê đời Nguyễn đa dạng hơn, sử dụng men tam thái hoặc ngũ thái với nước men cứng cáp, rắn chắc. Cũng theo anh Khánh, khi trang trí men cho cổ vật, đa mầu sẽ quý hơn đơn mầu. Bởi khi sử dụng đa mầu, cái tài của người nghệ nhân được phát tiết hơn cả. Đó là độ “tinh” trong cách đấu mầu (đấu thái). Trong số nghê mà anh Khánh cất công sưu tầm, anh quý nhất là con nghê men vỏ thị màu vàng hoàng đế đời Nguyễn đầu thế kỷ 18. Theo những người am hiểu về thú chơi nghê, con nghê này của anh Khánh vào dạng quý hiếm với kiểu dáng, màu sắc trang trí rất lạ. Để đưa được cổ vật quý về nhà, thời điểm hàng chục năm trước anh đã phải bỏ ra gần trăm triệu đồng. Ngoài ra anh còn có những con nghê không men, sâu tuổi từ thế kỷ 15. Đôi nghê đội đèn màu đen, lưng có ống cắm để đốt đèn dầu lạc khiến anh mất rất nhiều thời gian đi lại, tiền bạc để sưu tầm… So sánh thêm giữa nghê Việt với nghê Trung Quốc, anh Khánh bảo nghê Việt có những điểm rất khác biệt. Với nghệ nhân Trung Hoa cổ đại họ thiết kế nghê “dữ dằn”, thể hiện quyền uy. Nhưng với người Việt, hình dáng nghê thường mang phong cách “dân dã”, vui tươi, ngộ nghĩnh hơn. Một đặc điểm nhận dạng nghê của người Việt nữa là những chi tiết như râu, lông mi được trang trí bằng những đường xoắn ốc so với đường thẳng của nghê Trung Quốc.

Đam mê thú chơi đồ cổ mà chủ yếu là đồ cổ thuần Việt, trong tủ trưng bày của anh Khánh, anh Trường đa phần là những món đồ dân dã mà đâu đó trong cuộc sống hiện đại ngày hôm nay chúng ta vẫn có thể bắt gặp. Cái hồn cốt con người Việt Nam giản dị, ấm áp, mộc mạc qua năm tháng lưu dấu vào những di sản văn hóa quý giá đó. Và những người yêu mến, chơi cổ vật như các anh chính là sợi chỉ kết nối quá khứ, hiện tại, tương lai để hậu thế thêm thấu hiểu, trân quý, giữ gìn./. 

Bài và ảnh: Hoa Xuân 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com