Ép dầu thực vật - nghề mới ở Yên Cường

08:10, 26/10/2018

"Tôi bắt đầu mày mò sản xuất dầu lạc ép thủ công từ năm 2010, đến năm 2017 mới đầu tư máy ép dầu công nghiệp công suất lớn để sản xuất. Không chỉ ép dầu lạc, cơ sở còn sản xuất được dầu từ các loại nông sản khác như: vừng, đậu nành, dừa... Sản phẩm đảm bảo chất lượng nên được các đại lý đến tận nơi thu mua mang đi tiêu thụ. Hiện nay, trung bình mỗi ngày cơ sở ép dầu của tôi sản xuất được trên 100 lít dầu, cao điểm có ngày sản xuất 250 lít. Nghề ép dầu thực vật không chỉ góp phần tiêu thụ nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nhiều hộ dân trong xã" - Anh Đinh Quang Hiệu, xóm Đông Hậu, xã Yên Cường (Ý Yên) chia sẻ về nghề mới ở địa phương.

Có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho thâm canh cây lạc, hiện nay mỗi năm xã Yên Cường (Ý Yên) duy trì diện tích sản xuất khoảng 300ha lạc vụ xuân, sản lượng bình quân 1.100-1.200 tấn/năm. Với năng suất và sản lượng lớn, ổn định qua nhiều năm, vùng thâm canh cây lạc của xã Yên Cường không chỉ đứng đầu toàn tỉnh mà còn được các chuyên gia của Bộ NN và PTNT đánh giá có chất lượng và sản lượng đứng đầu cả vùng đồng bằng sông Hồng. Từ năm 2010 trở về trước, lạc của Yên Cường cũng như nhiều vùng khác trong huyện, trong tỉnh chủ yếu được sơ chế đơn giản là phơi khô bán theo dạng nguyên liệu thô (lạc củ, lạc nhân) chủ yếu đáp ứng nhu cầu sử dụng tại chỗ và xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Vào mùa lạc (từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm), các gia đình ở Yên Cường đồng loạt thu hoạch, mỗi nhà có vài tạ, thậm chí hàng tấn lạc. Vì sản lượng nhiều dồn dập trong một thời gian ngắn mà phương thức tiêu thụ đơn giản nên người trồng lạc thường bị ép giá nên hiệu quả kinh tế không cao. Nhưng nếu không bán thì với cách bảo quản thủ công, lạc cũng không để được lâu. Trăn trở nhiều trước thực tế đó, là người kinh doanh chuyên đi thu mua, tiêu thụ lạc ở nhiều nơi, anh Hiệu luôn để ý tìm cách khắc phục, làm thế nào để bán lạc được với giá cao hơn? Thấy dầu lạc và các loại dầu thực vật ngày càng được tiêu thụ nhiều do các phong trào ăn chay, thực dưỡng phát triển, anh nảy ra ý định làm dầu lạc để bán. Nghĩ là làm, anh Hiệu đã mày mò cải tạo lại chiếc máy xay cám để thử ép dầu lạc. Lạc được cho vào máy xay nhỏ thành bột, sau đó hấp cách thủy trong nồi hơi khoảng 15-20 phút bọc kỹ trong 3 lớp bao nhựa PP sạch rồi mang ép bằng máy thủy lực lấy dầu. Do hầu hết các công đoạn đều thô sơ, thủ công nên dầu không để được lâu, vẫn còn mùi hăng, tốn nhiều nguyên liệu, mất từ 2,5-2,8kg lạc nguyên liệu mới được 1 lít dầu nên hiệu quả kinh tế thấp. Sau vài năm vừa sản xuất vừa học hỏi thêm kinh nghiệm, năm 2017 anh Hiệu quyết định đầu tư trên 100 triệu đồng mua hệ thống máy ép dầu công nghiệp gồm máy bóc vỏ, máy xay nhân, máy ép dầu, máy lọc dầu có công suất 70kg/giờ để mở rộng sản xuất. Máy sử dụng điện, tự động hoàn toàn nên các công đoạn nghiền nhân, hấp đã được thực hiện khép kín trên máy nên chất lượng sản phẩm đảm bảo cho sức khỏe người dùng, thời gian bảo quản được lâu, được thị trường chấp nhận và tiêu thụ tốt. Với tỷ lệ 1,8-2kg lạc nhân được 1 lít dầu thành phẩm, máy ép dầu công nghiệp đã tiết kiệm từ 0,5-0,7kg nguyên liệu/1 lít dầu. Với giá bán từ 80-90 nghìn đồng/lít, sản phẩm dầu lạc của cơ sở được thị trường chấp nhận. Cơ sở sản xuất dầu của anh thường xuyên tạo việc làm cho 4-5 lao động với mức thu nhập thấp nhất 120 nghìn đồng/người/ngày. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nghề ép dầu, ngoài hộ anh Hiệu đã có 3 hộ khác ở xã Yên Cường đầu tư máy ép dầu công nghiệp để sản xuất là hộ các ông: Nguyễn Văn Đức, xóm Muốn; Nguyễn Văn Dũng, Phạm Văn Hùng đều ở xóm Trung Đông. Ông Phạm Văn Hùng, chủ đại lý chuyên thu gom nông sản (lạc, vừng, đậu nành) xuất bán cho các cơ sở sản xuất bánh kẹo trong, ngoài tỉnh và xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc cho biết: Năm 2014, sau khi sang tận Trung Quốc giao lạc nguyên liệu cho người mua để ép dầu, ông bắt đầu tìm hiểu quy trình sản xuất và đầu tư 1 máy ép dầu hút chân không về tự sản xuất. Sau nhiều lần thất bại, tiêu tốn hàng trăm kg nguyên liệu và phá hỏng 1 máy ép dầu, cuối cùng ông đã sản xuất thành công không chỉ dầu lạc mà cả các loại dầu thực vật như: vừng, đậu nành... Từ năm 2015 đến nay, cơ sở của ông sản xuất ổn định với 2 máy ép dầu công suất 50kg/giờ. Riêng lạc, mỗi ngày cơ sở của ông tiêu thụ khoảng 2 tạ lạc nguyên liệu để sản xuất được khoảng 100 lít dầu lạc thành phẩm, sản xuất quanh năm. Cao điểm vào mùa thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 8, có ngày cơ sở tiêu thụ đến 1 tấn nguyên liệu, tạo việc làm thường xuyên cho 6-7 lao động với mức thu nhập từ 120-300 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài dầu lạc, ông còn sản xuất các loại dầu thực vật khác như dầu vừng giá bán từ 150-160 nghìn đồng/lít, dầu đậu nành, giá bán từ 170-180 nghìn đồng/lít. Ngoài ra, ông còn nhận ép gia công cho các hộ trong xã, trong vùng với giá 10 nghìn đồng/lít dầu các loại. Không chỉ góp phần tiêu thụ nông sản cho người trồng lạc ở địa phương, cơ sở của ông còn tiêu thụ sản phẩm cây màu cho nhiều xã xung quanh như: Yên Đồng, Yên Nhân, Yên Lộc, Yên Thắng...

Nghề sản xuất dầu thực vật không chỉ mở ra một hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho nhiều hộ dân ở Yên Cường mà còn góp phần tiêu thụ nông sản tại chỗ, thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế cho sản xuất nông nghiệp của xã. Vì thế, trong tháng 9-2018, UBND xã Yên Cường đã lập danh mục đăng ký sản phẩm dầu thực vật của xã được tham gia chương trình "mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nam Định giai đoạn 2018-2020". Tuy nhiên, để mở rộng và phát triển nghề bền vững, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế, nghề ép dầu thực vật ở Yên Cường rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành để giải quyết các vấn đề như cạnh tranh về giá so với các loại dầu thực vật sản xuất quy mô công nghiệp đã có thương hiệu khác; chứng nhận truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...

Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com