Khắc phục những bất cập trong công tác thú y cấp xã

08:09, 15/09/2017

Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi có bước phát triển mạnh và đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đạt được những kết quả đó có sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của người chăn nuôi. Bên cạnh đó có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống thú y tỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, nhân viên thú y cấp xã. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm thời gian qua cũng cho thấy những khó khăn bất cập trong hoạt động của đội ngũ thú y cấp xã đã và đang làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi tại địa phương.

Hiện nay, toàn tỉnh có 807 người hoạt động trong hệ thống thú y cấp xã ở 229 xã, phường, thị trấn; trong đó Trưởng thú y có 229 người, thú y viên (nhân viên thú y) có 578 người. Bình quân mỗi xã, phường, thị trấn có 3-4 người trong mạng lưới thú y cơ sở. Về trình độ chuyên môn có 35 người trình độ đại học, 11 người có trình độ cao đẳng; 449 người có trình độ trung cấp. Thực tế cho thấy mạng lưới thú y cơ sở hoạt động rất tích cực trong triển khai các công tác phòng dịch bệnh, hướng dẫn chăm sóc đàn gia súc, gia cầm cho người dân. Qua mạng lưới này hoạt động thú y của tỉnh đã phát huy tối đa hiệu quả trong công tác phòng chống dịch và thống kê số lượng đàn gia súc, gia cầm. Các thành viên của Ban thú y xã đã phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm soát, giám sát, tiêm phòng và trực tiếp xử lý các loại bệnh phát sinh ngay tại địa bàn mình quản lý. Thông qua đội ngũ này các nhiệm vụ công tác thú y luôn được thực hiện đảm bảo kế hoạch, đã góp phần khống chế và tiêu diệt một số mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong chăn nuôi. Chẳng hạn, bệnh lợn tai xanh ở huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu xảy ra từ năm 2013 đến nay không tái phát. Các bệnh cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng được phát hiện nhanh, chính xác đã góp phần tích cực ngăn chặn, khống chế không cho dịch lây lan, kéo dài… Công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia cầm, kiểm tra vệ sinh thú y động vật và sản phẩm động vật đã theo đúng trình tự, không chỉ góp phần khống chế dịch bệnh mà còn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và vệ sinh môi trường.

Mặc dù trách nhiệm và đầu công việc nhiều nhưng đội ngũ thú y cấp xã còn gặp rất nhiều khó khăn và đây đang là “lực cản” của cả hệ thống. Trên thực tế, dù địa bàn hoạt động rộng khắp, trực tiếp liên quan đến công tác chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh, tuy nhiên công tác tổ chức, quản lý mạng lưới thú y cấp xã còn nhiều bất cập, phụ cấp cho đội ngũ thú y cấp xã còn thấp. Hiện quy định mức phụ cấp cho Trưởng thú y có trình độ đại học là 1,0; cao đẳng là 0,8; trung cấp là 0,7 và sơ cấp là 0,5 mức lương tối thiểu. Không những thế, Trưởng thú y xã không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Mặc dù làm việc trong điều kiện môi trường thường xuyên phải tiếp xúc với các mầm bệnh nguy hiểm tuy nhiên Trưởng thú y xã cũng không được đóng BHYT. Bà Phạm Thị Huệ, Trưởng thú y xã Việt Hùng (Trực Ninh) có hơn 35 năm gắn bó với nghề thú y cơ sở. Bà Huệ cho biết: Mỗi khi xã có dịch, tôi phải đi làm từ sáng sớm tới tận tối mịt với nhiều việc khác nhau như: tham mưu cho chính quyền xã biện pháp phòng và dập dịch, triển khai và trực tiếp tiêm vắc-xin phòng dịch cho vật nuôi, giám sát, tổng hợp và báo cáo tình hình dịch, tổ chức tiêu hủy lợn ốm, chết... Phụ cấp mỗi tháng của tôi cũng chỉ có 900 nghìn đồng, quá ít để bảo đảm tương xứng với công sức lao động và đòi hỏi tâm huyết với nghề. Ngoài ra, tôi không có thêm khoản thu nhập nào, không được đóng BHYT, BHXH... Trưởng thú y xã có mức phụ cấp thấp, trong khi đó ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, thú y viên thậm chí còn không có bất kỳ cơ chế, phụ cấp mà chỉ được trả công khi địa phương huy động trong các đợt tiêm phòng vắc-xin chính vụ, dập dịch… nên không có sự ràng buộc về trách nhiệm. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, mới chỉ có 24/229 xã có cơ chế hỗ trợ thêm cho thú y viên từ 50-200 nghìn đồng/tháng. Do vậy, ở nhiều địa phương, lực lượng thú y viên đang có xu hướng giảm sút, không mấy mặn mà với công tác này. Nhiều địa phương chậm tiến độ trong các đợt tiêm phòng là do thiếu hụt lực lượng thú y viên. Ông Nguyễn Tiến Cử, Trưởng thú y xã Hải Đông (Hải Hậu) bức xúc: “Trong công tác tiêm phòng vắc-xin cho gia súc ở vụ xuân năm nay, xã không có hỗ trợ gì cho thú y viên mà chỉ động viên thú y viên tiêm con nào được trả công con ấy. Cụ thể, trừ chi phí về dụng cụ như: bông, cồn, kim tiêm, xi-lanh, thì người tiêm chỉ được công khoảng 800 đồng/con. Tối đa mỗi ngày một người tiêm được 100-120 con, trừ tiền xăng xe thì công chẳng còn được đáng bao nhiêu. Cũng may tôi huy động được thêm 2 thú y viên mới hoàn thành công tác tiêm phòng”. Tại xã Nghĩa An (Nam Trực), ông Nguyễn Văn Quảng, do không huy động được thú y viên nên Trưởng thú y xã phải đi tiêm 1 mình ở cả 27 xóm trên địa bàn. Khi được hỏi, ông phàn nàn: “Chúng tôi không huy động được các thú y viên. Với trách nhiệm Trưởng thú y xã, tôi vẫn phải cùng các trưởng xóm đến từng hộ nuôi trực tiếp vận động tiêm”. Có một thực tế nữa là đội ngũ thú y cấp xã đang ngày càng già đi. Nhiều trưởng thú y xã đã trên 60 tuổi, trình độ chuyên môn yếu, kỹ năng tuyên truyền, vận động hạn chế; nhiều địa phương không có thú y viên… Đơn cử như ở huyện Ý Yên, số Trưởng thú y xã có độ tuổi trên 60 chiếm 1/3 toàn huyện. Một bất cập về mặt tổ chức là Trưởng thú y xã do chủ tịch UBND huyện bổ nhiệm; UBND xã ký hợp đồng, thanh toán phụ cấp; do đó việc quản lý, giám sát thực hiện công tác chuyên môn của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đối với lực lượng này bị hạn chế. Phát triển mạng lưới thú y cơ sở là hết sức cần thiết trong công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trong chăn nuôi. Bởi vậy, để đội ngũ thú y cơ sở thật sự tận tâm với nghề, phát huy được vai trò trách nhiệm, cần phải có chính sách đối đãi phù hợp. “Nhiều cán bộ thú y cơ sở mong muốn được hưởng chế độ thỏa đáng, ít nhất cũng bằng lương cơ bản của một công chức Nhà nước và được tham gia đóng bảo hiểm đầy đủ. Thú y viên được hỗ trợ 0,3 mức lương tối thiểu”, đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y chia sẻ.

Để tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động của đội ngũ thú y cấp xã; cần có chính sách căn cơ hơn, đảm bảo quyền lợi, lợi ích và điều kiện vật chất để đội ngũ này hoạt động có hiệu quả và đó cũng là cơ sở ràng buộc và đánh giá trách nhiệm thực thi công việc của lực lượng này. Các ngành chức năng cần có những giải pháp cụ thể, từng bước rà soát, tháo gỡ những vướng mắc để đảm bảo cho đội ngũ thú ý cấp xã yên tâm gắn bó lâu dài với công việc và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình./.

Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com