Chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học

07:08, 29/08/2017

Chỉ còn ít ngày nữa là khai giảng năm học mới 2017-2018. Bên cạnh sự háo hức trở lại trường lớp sau thời gian nghỉ hè, năm học mới cũng đem đến cho các bậc phụ huynh và học sinh sự băn khoăn, lo lắng về các khoản đóng góp.

Thời điểm này, cùng với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí giáo viên cho các lớp học, vấn đề được các nhà trường đặc biệt quan tâm là việc thu các khoản đóng góp từ phụ huynh học sinh. Nhiều trường đã xây dựng kế hoạch và thông báo công khai các khoản thu, chi theo quy định cho toàn thể cán bộ, giáo viên và những khoản cần huy động xã hội hoá; trên cơ sở đó, sau khi tựu trường, giáo viên từng lớp sẽ thông báo chi tiết, đầy đủ cho phụ huynh học sinh. Đối với những khoản chi mà ngân sách không cân đối được, cần các khoản đóng góp tự nguyện, Ban giám hiệu các trường đều giao cho giáo viên chủ nhiệm bàn bạc cụ thể với hội phụ huynh rồi đưa ra buổi họp, lấy ý kiến của cha mẹ học sinh và ký cam kết cùng thực hiện. Anh Kiên, người vừa được giáo viên chủ nhiệm thông báo sẽ làm chi hội trưởng chi hội phụ huynh lớp 5A cho biết: Thú thực tôi cũng không muốn làm chi hội trưởng vì tôi rất bận, nhưng từ năm học trước không hiểu cô giáo chủ nhiệm “nghiên cứu” thế nào mà cứ một mực đề nghị phụ huynh bầu tôi làm chi hội trưởng. Vì con, tôi đồng ý với sự “sắp xếp” của cô giáo nhưng vẫn không đồng tình với một số khoản thu “tự nguyện” bởi ở lớp học của con tôi, nhiều phụ huynh điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, trong khi trường và lớp lại đề ra một số khoản thu không cần thiết khiến nhiều người không đồng tình. Trong đó riêng các khoản chung các lớp đều phải đóng góp bao gồm: thu hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất, tiền hỗ trợ bảo vệ, vệ sinh nhà trường, trông giữ xe đạp, kế hoạch nhỏ, tiền trang trí lớp học, xây dựng góc học tập theo mô hình trường học mới, vệ sinh lớp, quỹ lớp… Các khoản thu do hội phụ huynh tự nguyện đóng góp và quản lý sử dụng, gồm: Ủng hộ một ngày công bằng tiền để nâng cấp cơ sở vật chất, cảnh quan trường lớp; bổ sung mua sắm thiết bị; hỗ trợ kinh phí tu bổ cơ sở vật chất chung; phí lát gạch sân trường; quỹ phụ huynh; quỹ khen thưởng; tiền phô tô đề bài kiểm tra, đề thi...

Cô và trò Trường Mầm non Yên Xá (Ý Yên) trong một giờ học múa.
Cô và trò Trường Mầm non Yên Xá (Ý Yên) trong một giờ học múa.

Thực tế, hằng năm ở các nhà trường đều có hàng chục khoản thu vào đầu năm học với số tiền không hề nhỏ và đến nay tình trạng lạm thu chưa được ngăn chặn. Ở nhiều vùng nông thôn, đối với các hộ thuần nông có hoàn cảnh khó khăn, thêm những khoản thu ngoài danh mục, không theo quy định thì dù chỉ vài chục nghìn đồng cũng tăng thêm sự vất vả, cực nhọc, là nỗi lo không nhỏ cho phụ huynh. Hơn nữa, thực tế nhiều trường huy động đóng góp ngày công lao động cho việc tu sửa cơ sở vật chất nhưng ở một số vùng nông thôn, người dân vẫn phải đóng góp bằng tiền chứ không phải ngày công lao động, gây bức xúc cho nhiều người. Ở Thành phố Nam Định, nhiều phụ huynh còn bức xúc khi con mới học mầm non đã phải đóng nhiều khoản tiền rất vô lý. Chị Hoa, có con đang học lớp 5 tuổi tại một trường mầm non trên địa bàn thành phố cho biết, trong tháng 8, cô giáo lớp của con chị thu mỗi cháu 70 nghìn tiền trang trí lớp học để chuẩn bị khai giảng. Lớp có 40 cháu, số tiền là 2,8 triệu đồng dù không lớn nhưng nhìn giá trị những sản phẩm trang trí trên tường lớp đã được hoàn thành, nhiều phụ huynh phải thắc mắc về việc mua sắm này. Cũng tại trường này, trong dịp hè vừa qua nhà trường thông báo về việc triển khai dạy năng khiếu cho học sinh, phụ huynh đăng ký cho con học theo hình thức tự nguyện với mức phí: Toán thông minh 300 nghìn đồng, Tiếng Anh 200 nghìn đồng, Múa, Tạo hình, Kỹ năng sống mỗi môn 60 nghìn đồng/tháng. Chị Lan nghĩ, những môn Toán, Tiếng Anh thật sự chưa cần thiết nên không đăng ký cho con học nhưng thực tế, mỗi khi đến giờ học Toán hay Tiếng Anh các cháu đều phải tự chơi nên thấy các bạn học con chị đều về đòi được học và có sự so sánh giữa các bạn nên chị lại phải đăng ký cho con học dù điều kiện gia đình còn khó khăn. Hay về khoản mua sắm đồng phục ở các nhà trường, dù nhiều trường yêu cầu tự sắm theo quy định của trường nhưng phụ huynh vẫn buộc phải đăng ký tại trường để mua theo giá đã được đề ra chứ không thể mua ở nơi khác vì đồng phục trường đều có lô-gô riêng. Nhiều trường thực hiện quy định không bắt buộc đăng ký mua đồng phục nhưng trong các buổi họp phụ huynh đầu năm học, giáo viên lại “gợi ý” ở cửa hàng, đại lý kia có bán đồng phục có in lô-gô của trường. Và ai cũng hiểu sau đó việc “ăn chia” phần trăm giữa nhà trường và đại lý sẽ được thực hiện. Đối với sách giáo khoa, hằng năm các cửa hàng, đại lý sách đều áp dụng giá ưu đãi giảm đến 10-15% trong các tháng hè nhưng hầu như phụ huynh đều phải đăng ký mua tại trường với mức giá không được chiết khấu. Có nhiều phụ huynh phản ánh, do hoàn cảnh khó khăn hoặc không muốn lãng phí khi tận dụng sách giáo khoa cũ của anh (chị) học lớp trên để lại nên không đăng ký mua sách giáo khoa tại trường, thế nhưng khi phát sách học sinh đó vẫn có tên trong danh sách kèm theo ghi chú “chưa nộp tiền”.

Nguyên nhân của tình trạng này trước hết là do các biện pháp xử lý “vấn nạn” lạm thu chưa đủ mạnh, các địa phương thiếu cương quyết xử lý, cho nên việc lạm thu trong trường học vẫn âm thầm phát triển tới cả những địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế. Bên cạnh đó, quá trình quản lý và sử dụng các khoản thu đóng góp còn chưa đúng mục đích, chưa dân chủ, công khai, minh bạch khiến các bậc phụ huynh băn khoăn và bức xúc nhưng lại ngại lên tiếng. Để tránh tình trạng lạm thu trái quy định, gây bức xúc dư luận, các trường cần công khai các khoản thu ngay từ đầu năm học mới. Đối với những khoản thu mua sắm phục vụ trực tiếp cho học sinh học tập, sinh hoạt như đồng phục, quần áo thể dục, thể thao, phù hiệu học sinh; hoặc đóng góp cho nhà trường để thực hiện một số nhiệm vụ công tác chăm sóc học sinh bán trú..., nhà trường phải trao đổi để có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh về chủ trương, công khai mức thu, chi bảo đảm đúng quy định./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com