Cảnh báo tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên

06:09, 15/09/2017

Thời gian gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật ở lứa tuổi thanh, thiếu niên (TTN) trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Nguyên nhân nào dẫn các em đến con đường phạm tội và làm gì để ngăn chặn tình trạng TTN vi phạm pháp luật đã trở thành nỗi lo lắng, trăn trở không chỉ của các bậc phụ huynh mà còn là vấn đề quan tâm chung của toàn xã hội.

ĐVTN khối các trường đại học, cao đẳng của tỉnh tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội trong nhân dân.
ĐVTN khối các trường đại học, cao đẳng của tỉnh tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội trong nhân dân.

Theo số liệu thống kê của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Nam Định, chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 8 vụ phạm pháp hình sự mà đối tượng gây án là TTN. Theo đó, mới đây Đội Cảnh sát Hình sự Công an Thành phố Nam Định đã bắt 3 thanh niên ở xã Thành Lợi (Vụ Bản) về hành vi trộm cắp tài sản gồm: Vũ Duy Hiệp, 20 tuổi; Vũ Thành Nam, 17 tuổi và Trần Văn Công, 20 tuổi. Trong đó, Vũ Duy Hiệp đã từng bị TAND huyện Vụ Bản xét xử 15 tháng tù cho hưởng án treo cũng về tội trộm cắp tài sản. 3 thanh niên trên đều có đặc điểm chung là lười lao động, ham chơi, đua đòi lại thiếu sự giám sát của người lớn dẫn đến vi phạm pháp luật. Để có tiền ăn chơi, vào đêm ngày 18-5-2017 phát hiện sư trụ trì đi vắng, cả 3 rủ nhau lẻn vào chùa Vụ (TP Nam Định) để trộm cắp tài sản. Hiệp, Nam, Công đã phá khóa cổng chùa, lẻn vào buồng ngủ của sư trụ trì lục tìm tài sản. Phát hiện có két sắt, 3 đối tượng đã dùng kéo cắt cây, đục, mỏ lết và tuốc-nơ-vít cậy phá cửa két sắt, trộm được hơn 200 triệu đồng. Ngay khi trộm được tiền, cả 3 liền xuống bãi tắm Quất Lâm, vào nhà hàng gọi thật nhiều đồ để ăn mừng “chiến tích”. Sáng ngày 19-5, cả nhóm về nhà cất xe máy, đồ nghề đi trộm rồi vào cửa hàng điện thoại mua 1 điện thoại Samsung S8 và 1 điện thoại Iphone 6 plus. Sau đó, cả 3 cùng nhau thuê taxi lên Hà Nội ăn chơi, mua sắm. Đến ngày 20-5, khi cả 3 ngược về bãi tắm Quất Lâm thì bị Đội Cảnh sát Hình sự Công an Thành phố Nam Định bắt giữ. Khi bị bắt giữ, trong túi của Hiệp, Nam và Công chỉ còn vỏn vẹn vài triệu đồng. Hay như vụ việc nhóm tội phạm “9X” ở Trực Ninh “dạt nhà” trộm cắp tài sản lấy tiền chơi game, chơi tài xỉu trên mạng internet bị Công an huyện Trực Ninh bắt giữ vào năm 2016. Khi bị bắt, các đối tượng này đều ở lứa tuổi 18, 19 gồm: Nguyễn Văn Vinh, Bùi Trọng Tỉnh và Trần Gia Thuận. Cả 3 đối tượng đều bỏ học sớm, sống lang thang.

Theo các điều tra viên cho biết, tuy tuổi đời còn trẻ xong nhóm tội phạm này hoạt động rất liều lĩnh, ma mãnh. Nhóm này đã gây ra nhiều vụ trộm cắp xe máy, xe đạp điện, máy tính, vàng bạc… trên địa bàn huyện Trực Ninh. Chúng cũng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để tiêu thụ tài sản trộm cắp được. Theo đó, toàn bộ tài sản trộm cắp trong các vụ trộm nhóm đều mang đến Hà Nam và một số tỉnh lân cận tiêu thụ khiến quá trình truy thu tài sản gặp không ít khó khăn. Tháng 4-2017, dư luận cả nước rúng động với vụ chém người giữa phố Mạc Thị Bưởi (TP Nam Định) vào đêm ngày 6-4-2017 khiến anh Lê Việt Hà (sinh năm 1986, trú tại đường Bái, phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Định) tử vong. Do có mâu thuẫn trong chuyện đòi nợ, một nhóm 5 thanh niên đã cầm dao đuổi chém nạn nhân gục giữa phố. Nhóm sát thủ này khi bị bắt có người mới 17 tuổi... Từ những vụ án trên có thể thấy tình hình tội phạm “trẻ hóa” đang trở thành thực trạng xã hội đáng báo động. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như: Do thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu sự quản lý, quan tâm chăm sóc, giáo dục của gia đình, nhà trường. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn đến từ phía gia đình, do cha mẹ quá nuông chiều, ít quan tâm hoặc không quan tâm đến con cái. Có thể thấy, đa số các trường hợp TTN vi phạm pháp luật đều có hoàn cảnh gia đình phức tạp, bố mẹ ly hôn, thiếu vắng tình thương, sự quản lý của cha mẹ dẫn đến các em thường xuyên tụ tập ăn chơi, bỏ học, “nghiện” game online. Và, mặc dù đang ở lứa tuổi đến trường, nhiều TTN đã phải tự mình bươn chải, đối phó với những khó khăn trong cuộc sống. Từ đó, các em dễ tụ tập với các đối tượng cùng hoàn cảnh hoặc bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo vào con đường phạm tội. Bên cạnh đó, công tác quản lý, giáo dục người chưa thành niên ở các địa phương còn nhiều bất cập; vấn đề hỗ trợ giải quyết việc làm cho số trẻ em bỏ học, lang thang chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, trong những năm gần đây trên mạng internet ngày càng xuất hiện nhiều trò chơi game online bạo lực thu hút nhiều TTN tham gia dẫn đến những hành vi xấu, ảnh hưởng đến nhận thức của lứa tuổi…

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ở lứa tuổi TTN, các cấp, ngành, mỗi gia đình và toàn thể xã hội cần đặc biệt quan tâm giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật cho tuổi trẻ. Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý, giáo dục để các em tránh xa tệ nạn xã hội. Trong đó, về phía nhà trường cần xây dựng chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục giới tính, phòng, chống tội phạm, trang bị kiến thức, kỹ năng sống, giúp các em có thể tự phòng, tránh những cám dỗ dẫn đến hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, quan tâm, giúp đỡ học sinh cá biệt để giáo dục, uốn nắn các em không sa vào tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, chính quyền, các đoàn thể, các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, giáo dục, kịp thời phát hiện trẻ chưa thành niên có biểu hiện vi phạm pháp luật nhằm ngăn chặn, phòng ngừa; điều tra khám phá nhanh các vụ án do TTN gây ra, xử lý nghiêm, đưa vào cơ sở giáo dưỡng hay giáo dục tại cộng đồng. Cùng với việc đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh để TTN rèn luyện đạo đức, say mê học tập lao động, xa rời những thói hư tật xấu cần phải gắn với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho TTN. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phát động phong trào quần chúng phát hiện, tố giác, thu hồi các ấn phẩm văn hóa độc hại, các loại đồ chơi nguy hiểm, triệt phá các tụ điểm văn hóa hoạt động không lành mạnh, giúp TTN tránh xa các tai, tệ nạn./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com