Về với vùng biển, đảo phía Tây Nam Tổ quốc (kỳ 2)

06:05, 12/05/2017

[links()]

(Tiếp theo kỳ trước)

II - Thổ Châu vững vàng đảo tiền tiêu

Đội tàu mang số hiệu 9003, 6003 và 4039 của BTL vùng CSB 4 đưa đoàn công tác của chúng tôi cập cảng xã đảo Thổ Châu sau hơn 2 giờ đồng hồ, vượt qua 55 hải lý. Giữa trùng dương xanh thẳm tưởng như không thể tách biệt được đâu là mặt biển, đâu là bầu trời, đảo Thổ Châu nên thơ dần hiện ra trong tầm mắt với những bãi cát vàng trải dài ôm lấy bờ đá và những thảm thực vật xanh mướt. Đảo Thổ Châu có vị trí quan trọng trong việc xác định hải phận Việt Nam trên Vịnh Thái Lan và có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - quốc phòng, là tuyến phòng thủ phía Tây Nam, án ngữ đường hàng hải quốc tế đi các nước khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, đây cũng là ngư trường khai thác, đánh bắt hải sản rộng lớn với nhiều loại hải sản giá trị cao.

Người dân xã đảo Thổ Châu thu hoạch cá.
Người dân xã đảo Thổ Châu thu hoạch cá.

Đúng 9h sáng, tàu cập bến Bãi Ngự. Trên cầu cảng không khí náo nhiệt, đại diện chính quyền, các lực lượng vũ trang, cán bộ xã, các em học sinh và rất đông người dân trên đảo đã đợi đón đoàn từ lâu. Những câu chào hỏi, cái bắt tay, ánh mắt thân tình… như gặp lại người thân sau bao ngày xa cách. Sau khi thực hiện nghi lễ tưởng niệm hơn 500 người dân đảo Thổ Châu bị Khơ - me đỏ bắt cóc và giết hại năm 1975, các cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 152 (Quân khu 9) đã tận tình giới thiệu chi tiết về điều kiện tự nhiên, xã hội trên đảo giúp nhóm phóng viên chúng tôi có thể tác nghiệp trong điều kiện tốt nhất. Đảo Thổ Châu là đảo lớn nhất trong 8 đảo nằm phía Tây Nam đảo Phú Quốc và cách Thành phố Rạch Giá gần 200km. Toàn bộ quần đảo này cấu thành nên xã đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). Từ thế kỷ XVIII, ngư dân Việt đã sinh sống tại đảo Thổ Châu thể hiện qua nhiều chứng tích, như khu vực Bãi Ngự, nơi đã chứng kiến 3 lần Chúa Nguyễn Ánh neo thuyền nghỉ tại đảo. Trước năm 1975, trên đảo có 150 gia đình với khoảng 600 người (trong đó phần lớn là hậu duệ của binh sĩ từ thời nhà Nguyễn sau khi rã ngũ đã ở lại không trở về đất liền) sống tập trung quanh Bãi Ngự. Do có vị trí chiến lược quan trọng trên tuyến hàng hải quốc tế nên nhiều thế lực thù địch luôn nhăm nhe tập kích đánh chiếm đảo. Sau ngày giải phóng hoàn toàn đảo, năm 1992, UBND tỉnh Kiên Giang đưa người dân ra đảo Thổ Châu để lập nghiệp. Năm 1993, Chính phủ quyết định thành lập xã đảo Thổ Châu trực thuộc huyện Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang và thuộc quyền quản lý của lực lượng vũ trang, bao gồm: Vùng 5 Hải quân, lực lượng Biên phòng tỉnh Kiên Giang, cùng chính quyền địa phương. Ngoài nhiệm vụ canh giữ đảo, sẵn sàng chiến đấu, các lực lượng vũ trang trên đảo còn có nhiệm vụ đồng hành, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội. Đến nay, xã Thổ Châu có một ấp với 7 tổ tự quản. Toàn xã đảo có 500 hộ gia đình với gần 2.000 người, trong đó phần lớn là bộ đội hải quân, biên phòng sau khi lập gia đình định cư tại đảo, còn lại là người dân từ các tỉnh Sóc Trăng, Bình Định, Cà Mau và Thành phố Rạch Giá (Kiên Giang)… Là vùng đảo xa, thời tiết lại khắc nghiệt nên cuộc sống mưu sinh của người dân chủ yếu bằng nghề đi biển, một số khác sống bằng nghề buôn bán nhu yếu phẩm phục vụ cho các tàu cá, nhưng cũng không ổn định, bởi hằng năm cứ từ tháng 4 trở đi là gió nam từ biển thổi vào kèm theo mưa bão nên hầu hết người dân sinh sống ở khu cảng cá này đều phải chuyển nhà qua Bãi Dong tránh bão. Phải đến tháng 8, khi gió Bắc nổi lên người dân mới quay trở về Bãi Ngự nên việc định cư không ổn định. Hành trình đến với Thổ Châu không đơn giản, một tháng mới có 4 chuyến tàu khởi hành từ Phú Quốc ra đảo, nhưng nếu gặp lúc có gió bão, biển động thì có khi vài tuần, tới cả tháng tàu mới đi được. Vậy là người đợi ra đảo, người mong vào đất liền cùng hàng hóa nhu yếu phẩm, thư từ, công văn cũng phải đợi theo. Ngoài ra, vì lý do an ninh, công tác kiểm tra, kiểm soát đối với người ra đảo cũng hết sức chặt chẽ.
Dù cuộc sống cách biệt với đất liền và đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo vẫn quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc và lao động sản xuất phát triển đảo. Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng trên đảo khá đầy đủ, gồm trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, trường học, trạm y tế và bưu điện. Tất cả trẻ em trên đảo trong độ tuổi đi học đều được đến trường, song ngoài trường mầm non, trên đảo chỉ có một điểm trường duy nhất, giảng dạy từ lớp 1 đến lớp 9, muốn học tiếp lên cấp III thì các gia đình phải gửi con em mình vào Thị xã Hà Tiên hay trung tâm huyện đảo Phú Quốc. Đồng chí Nguyễn Trọng Hồng, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Toàn xã đảo chỉ còn 16 hộ nghèo, nhiều hộ đã vươn lên khá giàu, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Thổ Châu đã có điện thắp sáng, người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, đường giao thông gần như hoàn thiện. Xã đảo có đến 2 cơ sở y tế, 3 bác sĩ và nhiều trang thiết bị đáp ứng nhu cầu khám, điều trị , chăm sóc sức khỏe cho quân và dân, kể cả việc chăm sóc thai sản cho phụ nữ. Đời sống kinh tế của người dân trên đảo cũng đã có nhiều khởi sắc. Hiện nay, toàn xã có 4 tổ hợp chế biến hải sản đông lạnh, 3 tổ hợp hoạt động theo mùa vụ chế biến mực khô xuất khẩu. Tổng sản lượng mực tươi và khô hằng năm đạt trên 1.000 tấn, tạo việc làm cho khoảng 300 công nhân. Hai bên con đường chính ở bãi Dong là khu dịch vụ thương mại cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá, chợ dân sinh và các dịch vụ thiết yếu khác. Có hơn 100 tàu cá nhỏ, ghe câu mực, 38 hộ dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng bè trên biển với hai loại cá chủ lực là cá bớp và cá mú, trung bình mỗi năm cho sản lượng khoảng 30 tấn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm của xã đảo đạt 14%. Thu nhập bình quân đầu người của xã đảo Thổ Châu đạt mức 18 triệu đồng/năm. Nơi đảo xa, tình quân dân gắn bó, nghĩa xóm giềng sâu đậm, sẵn sàng giúp nhau từ việc lớn đến việc nhỏ, việc hiếu, việc hỷ của bất cứ ai trên đảo cũng được mọi người, mọi lực lượng hỗ trợ chung vui, chia buồn. Mỗi khi có đoàn công tác từ đất liền ra, cả đảo như mở hội. Khám phá cuộc sống mưu sinh trên đảo, ở đâu tôi cũng gặp những cái nhìn lạ lẫm nhưng rất thân thiện, những nụ cười tươi rói, những câu chào hỏi vồn vã; khi gặp bữa chúng tôi khó chối từ lời mời của bà con ngư dân ăn một “chén” cơm, uống một ly rượu, thưởng thức một con mực nướng thơm phức vừa mới câu từ biển. Thân thiện, mến khách nhưng, do làm tốt công tác tuyên truyền nên bà con luôn nêu cao cảnh giác, chủ động phát hiện  những “bất thường” của khách lạ hay tàu, thuyền cập đảo để thông báo lực lượng chức năng, trở thành “tai mắt” bảo vệ đảo. Sự gắn kết quân, dân đã trở thành sức mạnh, tạo nên bức tường thành vững chắc bảo vệ đảo tiền tiêu đầy sóng gió.

Chia tay đảo Thổ Châu kiên cường, với lời tâm tình gửi gắm tâm huyết của quân, dân trên đảo: Các bạn hãy yên tâm, chúng tôi quyết tâm chung sức, đồng lòng cùng xây dựng xã đảo ngày một văn minh, hiện đại và luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

(còn nữa)
Bài và ảnh
: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com