Trở lại những miền quê anh hùng

06:04, 28/04/2017

Trong không khí của những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp trở lại những “địa chỉ đỏ” năm xưa để chứng kiến sự đổi thay trên những quê hương cách mạng và cảm nhận quá khứ hào hùng ông cha đã viết lên những trang sử chói lọi của dân tộc.

Địa danh đầu tiên của chuyến đi là xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng), nơi có Đội thủy lợi 202 của HTX Đại Hải với trên 30 nữ thanh niên lập được rất nhiều thành tích trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Chúng tôi tìm gặp đồng chí Hoàng Thị Thủy, cô nữ đội trưởng Đội 202 HTX Đại Hải năm nào. Mặc dù sức khỏe đã giảm sút nhưng khi nhắc lại những ký ức một thời ấy, cô như hoạt bát hơn. Cô kể: Khi đó, do phải chi viện phần lớn lực lượng trẻ ra chiến trường nên thiếu lao động là tình trạng phổ biến ở miền Bắc. Lao động chính trên đồng ruộng là người già và phụ nữ. Vượt lên những định kiến và hạn chế về giới, để thay thế công việc của nam giới, chị em đã trở thành lực lượng chính trên đồng ruộng. Từ cày cuốc đến gặt hái, từ vận chuyển vật tư đến đào mương, đắp bờ. Để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp, thủy lợi là khâu mang tính quyết định. Do địa hình xã không đảm bảo tự chảy như các xã miền hạ trong huyện nên xã Nghĩa Thịnh phải sử dụng rất nhiều sức người để tập trung nạo vét, đào đắp kênh mương. Mặc dù lực lượng chủ yếu là phụ nữ nhưng Đội 202 HTX Đại Hải không quản ngại công việc nặng nhọc, có mặt ở mọi nơi từ những công trình trong xã cho đến việc tham gia đắp đê biển Nghĩa Phúc, Nam Điền… Trên những công trình này, đội đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng với 3 HTX: Đại Thắng, Đại Hưng, Đại Thành đào đắp, xây dựng hàng chục km kênh mương, hàng chục cầu cống lớn nhỏ, đã tạo ra ở Nghĩa Thịnh một hệ thống tưới tiêu và giao thông hoàn chỉnh, góp phần đắc lực vào việc nâng cao năng suất cây trồng. Cô Hoàng Thị Thủy nhiều năm được bầu là Chiến sĩ thi đua và được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa V. Trong 10 năm (từ 1965-1975), lúc phải trực tiếp đương đầu với bom đạn, lúc phải đối chọi với bão lũ, lúc phải ngồi tính từng bát gạo để giúp dân qua ngày “giáp hạt” nhưng Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Thịnh đã vượt lên tất cả để tạo ra những cánh đồng bội thu chi viện cho chiến trường. Đây là thời kỳ vai trò của người phụ nữ góp phần lớn nhất đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương. Trong thời kỳ CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, xã Nghĩa Thịnh lại tiếp tục thành công trong “cuộc cách mạng trên đồng ruộng”. Sau dồn điền, đổi thửa, xã đã quy hoạch các vùng sản xuất tập trung. Đồng thời vận động các hộ nông dân hiến đất, góp đất, góp của đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Qua đó đẩy mạnh đưa cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt việc đầu tư đào đắp, kiên cố hóa kênh mương ở Nghĩa Thịnh đã góp phần đảm bảo tưới tiêu nước phục vụ cho cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa hàng hóa; đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi từ các giống lúa dài ngày sang các giống lúa ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao như: BT7, BT7 kháng bạc lá, Nếp 97, BC15; chuyển đổi từ phương thức cấy lúa truyền thống sang gieo sạ. Đồng chí Nguyễn Trọng Huế, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nghĩa Thịnh cho biết: Nghĩa Thịnh là một trong những địa phương đầu tiên xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thực hiện phương thức gieo sạ của huyện. Hiện xã xây dựng được 4 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 200ha. Tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất và gieo sạ đạt 100% diện tích, diện tích thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp chiếm trên 90%. Năng suất lúa của xã nhiều năm đạt không dưới 125 tạ/ha/năm. Cuộc “cách mạng trên đồng ruộng” đã góp phần không nhỏ giúp xã Nghĩa Thịnh anh hùng trở thành xã nông thôn mới (NTM) từ năm 2014.

Diện mạo xã nông thôn mới Hải Quang (Hải Hậu).
Diện mạo xã nông thôn mới Hải Quang (Hải Hậu).

Rời xã Nghĩa Thịnh, chúng tôi tiếp tục hành trình về “cánh đồng Điện Biên” ở xã Giao An (Giao Thủy). Những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã Giao An xây dựng đề án và thực hiện chuyển đổi trên 20ha đất bãi Điện Biên sang nuôi thủy sản và sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, cải tạo, đào ao, đưa các loại cây, con mới như: đinh lăng, hoa hòe, dưa hấu, rau câu, dê, ba ba, tôm… cho giá trị thu nhập gấp 4-5 lần trồng lúa, biến nơi đây thành một vùng kinh tế mới khang trang và trù phú. Ít ai biết được rằng nơi đây trước kia còn là biển cả. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chủ trương của Đảng, Nhà nước về sản xuất nông nghiệp là tăng cường đầu tư kỹ thuật đi đôi với mở rộng diện tích, phát triển trồng màu; kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng, mở rộng tuyến phòng thủ bảo vệ bờ biển. Những năm 60-70 của thế kỷ XX, tại Giao An, từ cụ già đến các em thiếu niên cơm đùm cơm nắm, mang theo dụng cụ đơn sơ tiến quân ra bãi biển, thực hiện chiến dịch quai đê lấn biển. Năm 1964, Đảng bộ và nhân dân xã Giao An đã đắp thành công đê Ấp Bắc dài 3.200m, hình thành cánh đồng mới rộng 110ha. Ghi đậm dấu ấn chiến công chinh phục biển cả, Đảng bộ và nhân dân Giao An trân trọng đặt cho cánh đồng mới cái tên lịch sử “cánh đồng Điện Biên”. Năm 1972, Đảng bộ và nhân dân xã Giao An lần nữa anh dũng quai đê lấn biển thành công lập thêm một cánh đồng mới là Bình Long, rộng 67ha. Các cánh đồng Điện Biên, Bình Long đã góp phần tăng thêm nguồn lương thực, thực phẩm cung cấp cho nhân dân và chi viện cho chiến trường, vừa tạo được vành đai phòng thủ ven biển. Với thành tích đó, Giao An đã trở thành đơn vị dẫn đầu miền Bắc về quai đê lấn biển, kết hợp kinh tế với quốc phòng và đồng chí Trần Văn Thuần, Bí thư Đảng ủy xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Cũng nhờ xây dựng được lòng tin và phát huy được sức mạnh của nhân dân mà Giao An đã đi đầu phong trào xây dựng HTX nông nghiệp của huyện, tỉnh. Chỉ trong năm 1977, xã đã đóng góp 1.000 tấn thóc, góp phần giải quyết khó khăn về lương thực của Nhà nước.

Cùng với Giao An, xã Hải Quang (Hải Hậu) là một trong hai đơn vị đứng đầu cả nước khi đóng góp cho Nhà nước 1.000 tấn thóc/năm. Những năm kháng chiến chống Mỹ, nhân dân xã Hải Quang tay cày, tay súng, một nắng, hai sương vừa chống giặc, vừa tiếp tục cải tạo đồng ruộng, xây dựng những “cánh đồng 6 tấn”… hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một hậu phương nhỏ trong cuộc chiến lớn của dân tộc. Năm 1985 xã Hải Quang được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đồng chí Phạm Văn Đà, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia “Cả nước chung tay xây dựng NTM”, với chỉ đạo của Đảng uỷ, HĐND, UBND xã cùng với sự nỗ lực cố gắng của các tầng lớp nhân dân và sự nhiệt tình ủng hộ của bà con xa quê, năm 2014, xã Hải Quang đã được công nhận là xã đạt chuẩn NTM. Những năm gần đây, xã tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào xây dựng NTM bền vững. Xã giao cho Hội CCB đảm nhiệm tiêu chí khuôn viên gia đình xanh - sạch - đẹp; Hội Phụ nữ đảm nhiệm tiêu chí về môi trường với phong trào phát động trồng hoa ven các tuyến đường giao thông; đến nay, toàn xã đã có hơn 10km đường hoa mười giờ rực rỡ ven các trục đường giao thông tô thêm nét đẹp cho xã NTM “kiểu mẫu”.

Chiến tranh đã lùi xa 42 năm. Những chiến công, thành tích một thời hào hùng vẫn hiện hữu ở những công trình, các di tích lịch sử, các nhân chứng sống hoặc được nhắc đến trang trọng trong những cuốn lịch sử Đảng bộ các địa phương. Phát huy truyền thống cách mạng quật cường, không nề hà, khuất phục gian khó, nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang có những đổi mới từ cách nghĩ, cách làm, từ những chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng NTM thành công./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com