Nam Hùng viết tiếp trang sử vàng truyền thống

06:04, 28/04/2017

Hai bên con đường trải nhựa thẳng tắp về thôn Rục Kiều, xã Nam Hùng (Nam Trực), nhiều ngôi nhà mới xây mọc san sát, xen lẫn những vườn cây xanh mát. Trước sự “thay da đổi thịt” trên quê hương, cụ bà Vũ Thị Hoa, 78 tuổi, phấn khởi cho biết: “Nam Hùng nay đã phát triển rất nhiều. Đường giao thông, trường học, trạm y tế đều được xây mới kiên cố. Nhà nhà đều được sử dụng nước sạch… Để có được đổi thay trên quê hương hôm nay, không thể không nhắc đến truyền thống yêu nước, ý chí quật cường, chống giặc ngoại xâm của các thế hệ người dân trong xã”.

Xã Nam Hùng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Trong những năm dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, không chịu sống trong cảnh đói nghèo, tủi nhục của người dân mất nước, nhiều người con quê hương Nam Hùng đã đi theo cách mạng. Cách mạng Tháng Tám - 1945 thành công, nhân dân Nam Hùng hăng hái tham gia các cuộc vận động “diệt giặc đói”, “diệt giặc dốt”, “chống giặc ngoại xâm”, vận động xây dựng đời sống mới, bảo vệ thành quả cách mạng. Đêm 19-12-1946, thực hiện lời hiệu triệu của Bác Hồ, nhân dân Nam Hùng tích cực tham gia kháng chiến chống Pháp, rào làng, lập ấp chiến đấu với kẻ thù xâm lược. Ngày 28-2-1949, Đại hội thành lập Đảng bộ xã Nam Hùng được tiến hành tại thôn Thanh Khê gồm 7 đồng chí. Chi bộ Đảng xã Nam Hùng đã lãnh đạo nhân dân bám đất, bám làng, xây dựng lực lượng chiến đấu, đối phó với những trận càn của giặc Pháp. Trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân Nam Hùng đã tích cực cùng du kích xã ngày đêm xẻ đường đắp ụ để ngăn xe tăng địch, đóng góp hàng nghìn cây tre để kè và rào các cửa sông... Xã tổ chức các đội cứu thương, tải đạn, trồng tre bao quanh làng để phục vụ chiến đấu. Tháng 10-1950, dân quân du kích xã Nam Hùng được viện trợ của Huyện đội Nam Trực, đã tiêu diệt đồn Cà Đông - Gia Hòa. Từ cuối năm 1951 trở đi, nhiều trận càn của địch qua Nam Hùng đều bị quân và dân trong xã đẩy lùi. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954), nhiều người con Nam Hùng đã anh dũng ngã xuống; tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Văn An, Bí thư Chi bộ đầu tiên của xã trong lúc chiến đấu với địch dù bị thương một cánh tay, nhưng tay kia vẫn quàng chặt cổ một tên lính Pháp để hắn cùng chết… Nhiều người con quê hương đã anh dũng cầm vũ khí đứng lên chiến đấu, dũng cảm hy sinh, nhiều gia đình cách mạng kiên cường đấu tranh, che chở, nuôi giấu cán bộ… Hàng trăm cán bộ, nhân dân bị địch bắt, tù đày, hàng nghìn ngôi nhà bị địch đốt cháy, hàng chục tấn lương thực bị phá hoại…

Nông thôn mới Nam Hùng hôm nay.
Nông thôn mới Nam Hùng hôm nay.

Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, xã Nam Hùng đã tiễn đưa hàng nghìn người con lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; hàng trăm người đã ngã xuống, nhiều người mang thương tật suốt đời; 11 bà mẹ được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 2010, Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ chống Pháp cho Đảng bộ, quân và dân xã Nam Hùng.

Về xã Nam Hùng, đi trên những con đường bê tông thẳng tắp, nhiều người cảm nhận được sự đổi thay của vùng quê cách mạng hôm nay. Để có tuyến đường đẹp, thuận lợi đi lại, nhiều gia đình trong xã đã hiến đất, góp sức xây dựng NTM. Đồng chí Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Nam Hùng cho biết: Là vùng quê thuần nông, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng toàn diện, đa dạng; đặc biệt coi trọng việc chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ và áp dụng kỹ thuật thâm canh mới nhằm tăng năng suất cây trồng, tổng sản lượng lương thực, giá trị trên 1ha canh tác. Nhiều năm qua xã luôn đứng đầu huyện về diện tích và cây vụ đông, đặc biệt là khoai tây. Cây màu, cây vụ đông phát triển mạnh trên cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Với tổng diện tích gieo trồng toàn xã là 355ha, năm 2016, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha canh tác của xã đạt 168 triệu đồng, vượt 12% kế hoạch đề ra. Cụ thể, năm 2016, năng suất lúa bình quân đạt 5,135 tấn/ha (185kg/sào); tổng sản lượng đạt 2.333,3 tấn. Diện tích gieo trồng lạc xuân được mở rộng lên 220ha; năng suất bình quân đạt 3,88 tấn/ha (140kg/sào); tổng sản lượng đạt 855,5 tấn. Diện tích khoai tây vụ đông 225ha, năng suất bình quân đạt 13,88 tấn/ha; tổng sản lượng đạt 3.124 tấn. Rau màu các loại đạt 5 tỷ 499 triệu đồng. Chăn nuôi tiếp tục phát triển mạnh với tổng đàn lợn 4.206 con; đàn trâu bò 552 con; đàn gia cầm, thủy cầm 11 nghìn con… Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã Nam Hùng là 1 trong 3 xã hoàn thành xây dựng NTM sớm nhất của huyện Nam Trực. Với việc thực hiện xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng của xã được xây dựng khang trang, trạm y tế, trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trường tiểu học và THCS của xã được công nhận trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp. Hệ thống đường xã và các thôn, xóm, đường nội đồng đã 100% được “nhựa hoá” và “bê tông hoá”. Đời sống nhân dân trong xã được cải thiện, 100% số hộ dân có nhà mái bằng, nhà xây lợp ngói, được dùng điện, nước sạch. Toàn xã đã có 14/18 thôn, xóm được công nhận xóm văn hóa; trên 80% số hộ được công nhận gia đình văn hóa; 12 nhà văn hóa thôn, xóm và 6 sân thể thao xây dựng và hoạt động hiệu quả. Các cấp, các ngành luôn quan tâm chăm lo động viên các gia đình chính sách, người có công với cách mạng; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội và các hoạt động tình nghĩa. An ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững. Người dân tích cực thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Kỷ niệm chiến thắng 30-4 năm nay, trong sắc màu rực rỡ của cờ, hoa, cán bộ và nhân dân xã Nam Hùng viết tiếp trang sử hào hùng của quê hương, vững tin tiến về phía trước với niềm tin vững chắc vào con đường đi lên CNXH mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com