Về vùng chân sóng Nghĩa Lâm

07:04, 28/04/2017

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng) lập nên nhiều chiến công hiển hách, giải phóng quê hương. Hôm nay, những thế hệ mới trên mảnh đất này đang tiếp tục phát huy truyền thống của một đơn vị 2 lần đạt danh hiệu Anh hùng LLVTND và Anh hùng Lao động thời kỳ chống Mỹ cứu nước, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Cô trò Trường Mầm non xã Nghĩa Lâm trong giờ học kể chuyện.
Cô trò Trường Mầm non xã Nghĩa Lâm trong giờ học kể chuyện.

Từ truyền thống cách mạng vẻ vang…

Ngược dòng lịch sử, vùng đất này được hình thành cách đây gần 170 năm. Trải qua quá trình chống chọi với thiên nhiên, giặc giã, đã hun đúc nên tinh thần cách mạng và lòng yêu quê hương, đất nước của người dân Nghĩa Lâm. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân Nghĩa Lâm đã trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược, quân và dân Nghĩa Lâm dưới sự chỉ huy của cụ Phạm Văn Nghị và các sĩ phu yêu nước khác đã là những người nổ những phát súng đầu tiên khi chúng đặt chân lên đất Nam Định, làm nên trận Bình Hải, Độc Bộ nổi tiếng. Đó là niềm tự hào của Đảng bộ, quân và dân Nghĩa Lâm, đồng thời là nỗi kinh hoàng đối với thực dân Pháp trước thế trận chiến tranh nhân dân. Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cùng với quân, dân trong tỉnh và quân dân toàn miền Bắc, Đảng bộ và nhân dân xã Nghĩa Lâm đã xác định nhiệm vụ vừa chiến đấu vừa phát triển sản xuất, chi viện tối đa sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Đảng “Động viên toàn dân, vũ trang toàn dân”, “Mỗi làng xã là một pháo đài chống quân xâm lược”, xã Nghĩa Lâm đã có những chủ trương, biện pháp để tiến hành xây dựng lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Nằm ở vị trí sát biển, ven cửa sông Đáy - tuyến đường giao thông thủy huyết mạch, do vậy nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ địa bàn, bảo vệ an ninh tuyến biển của Nghĩa Lâm rất quan trọng. Xã đã xây dựng được 1 đại đội cơ động trực chiến, các hợp tác xã có một trung đội mạnh, các xóm đều có dân quân làm nhiệm vụ canh gác, tuần tra. Toàn bộ lực lượng vũ trang của xã có 395 chiến sĩ. Các trận địa chiến đấu được xây dựng ở khu vực cống Ông Lành và khu vực Lò Vôi, Gò Dài và đội 1 vừa làm nhiệm vụ phòng thủ, vừa đón đánh máy bay địch, bảo vệ kho lương thực, cống Quỹ Nhất và các mục tiêu khác. Trong quá trình tổ chức huấn luyện và chiến đấu, Trung đội trực chiến Nghĩa Lâm luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, do vậy năm 1966, Huyện đội Nghĩa Hưng quyết định chuyển đơn vị thành lực lượng cơ động chuyên nghiệp, có nhiệm vụ chiến đấu trên toàn tuyến ven biển. Đặc biệt, xã còn thành lập một hợp tác xã vận tải chuyên đảm nhiệm vận chuyển hàng hóa đường dài phục vụ chiến trường miền Nam. Các thành viên trong đội cùng với những con thuyền của mình đã vượt qua những tuyến đường đầy khó khăn ác liệt, đầy rẫy thủy lôi, bom từ trường, bom nổ chậm, với khẩu hiệu hành động “Đầu đội tọa độ, chân đạp bom bi, mở đường mà đi, đưa hàng tới đích” đã chuyển hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược, quân trang quân dụng luồn lách, bám theo ven biển khu Bốn để tập kết hàng hóa tại Hà Tĩnh, Nghệ An chi viện cho tiền tuyến. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đội du kích trực chiến Nghĩa Lâm đã hai lần bắn rơi máy bay Mỹ. Đội thủy lợi 202 của xã do tổ chức tốt việc lao động, sản xuất nên được công nhận là lá cờ đầu, sau được công nhận “Tổ đội lao động Xã hội chủ nghĩa” của ngành thủy lợi và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, xã Nghĩa Lâm đã đóng góp nhiều sức người, sức của để chi viện cho tiền tuyến, cho miền Nam ruột thịt. Trong đó đã chi viện cho chiến trường trên 20 nghìn tấn lương thực, thực phẩm; bảo vệ, nuôi dưỡng các đồng chí lãnh đạo, chiến sĩ về bí mật hoạt động cách mạng; tiễn đưa 755 người con của xã ra chiến trường, trong đó có 113 đồng chí đã anh dũng hy sinh; 127 đồng chí để lại một phần xương máu nơi chiến trường. Kết thúc chiến tranh, toàn xã đã có hơn 1.000 lượt người được thưởng huân, huy chương chiến công, huân, huy chương kháng chiến và các huân, huy chương khác. Xã được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba; 1 Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 1 Huân chương Lao động hạng Ba. Với những thành tích đó, năm 1988, Đảng bộ, quân và dân xã Nghĩa Lâm đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ chống Mỹ.

Đến công cuộc đổi mới hôm nay

Chiến tranh đã lùi xa nhưng người dân Nghĩa Lâm vẫn luôn tự hào về một thời hào hùng của quê hương. Giờ đây, trên chặng đường đổi mới của đất nước, niềm tự hào ấy được biến thành những hành động thiết thực nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương giàu mạnh. Đảng bộ, chính quyền xã nhận thức rõ về những khó khăn, thuận lợi, từ đó xây dựng chương trình hành động sát hợp với tình hình địa phương đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo đưa nghị quyết vào cuộc sống. Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ xã luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Trên lĩnh vực phát triển kinh tế đã chuyển dịch mạnh mẽ, chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh phát triển CN-TTCN, thương mại, dịch vụ; huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển hạ tầng; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong sản xuất nông nghiệp, xã xác định đổi mới sản xuất nông nghiệp là hướng phát triển chủ đạo, mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ việc định hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương, xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con có giá trị kinh tế ổn định vào sản xuất, kết hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, tích cực xen canh, gối vụ các loại cây trồng trên cùng diện tích, mở rộng diện tích gia trại, trang trại… Nhờ vậy, năng suất cũng như giá trị sản lượng lúa và cây màu chủ lực của địa phương tăng hằng năm; giá trị thu bình quân/ha canh tác đạt trên 115 triệu đồng/năm. Đặc biệt, xã đã chuyển đổi thành công 50ha đất hai lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy hải sản. Tổng sản lượng thủy hải sản bình quân đạt 90 tấn/năm; tổng giá trị thu nhập từ thủy sản đạt gần 9 tỷ đồng/năm. Trong phát triển sản xuất CN-TTCN, với lợi thế có nhiều nghề phụ như: làm miến gạo, miến dong, nghề mộc, nghề may, làm các sản phẩm từ cói, làm hương... Đảng uỷ, UBND xã đã thực nhiều biện pháp đồng bộ: chỉ đạo các tổ chức đoàn thể đứng ra tín chấp với các ngân hàng cho nhân dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề, truyền nghề; tạo điều kiện về thủ tục hành chính để khuyến khích các hộ dân đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Năm 2016, tổng giá trị sản phẩm hàng hóa CN-TTCN trên địa bàn xã đạt trên 10 tỷ đồng. Kinh tế phát triển, xã có điều kiện đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại theo tiêu chí NTM. Từ năm 2010 đến nay, xã đã tranh thủ được sự hỗ trợ của Nhà nước cùng với đầu tư của địa phương và huy động đóng góp của nhân dân đầu tư xây mới trường mầm non khu B, làm đường giao thông, xây kè 2 bên bờ sông Âm Sa, nâng cấp sửa chữa các di tích lịch sử văn hóa, nghĩa trang liệt sĩ và hệ thống đài truyền thanh xã… với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng. Nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Hằng năm, xã đều hoàn thành vượt chỉ tiêu trong khám tuyển và giao quân, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”…

Với sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ và nhân dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của xã Nghĩa Lâm duy trì ở mức 7,8%. Đến nay, tỷ trọng ngành nông nghiệp, thủy sản chiếm 39,51%; công nghiệp -  xây dựng chiếm 22,71%; thương mại, dịch vụ chiếm 37,78%; thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/năm. Năm 2016, xã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM và đang đề nghị UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM trong năm 2017. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2%. 100% thôn xóm đạt danh hiệu Làng văn hóa, 98% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa./.

Bài và ảnh: Văn Trọng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com