Nỗi lo nước giải khát mùa hè

05:05, 27/05/2017
Hiện nay, thời tiết đang bước vào thời điểm nắng nóng, thị trường nước giải khát đã bắt đầu nhộn nhịp. Ngoài các sản phẩm nước giải khát mang “dấu ấn” công nghiệp như Trà bí đao, Trà xanh không độ, Coca-cola, Pepsi..., thị trường nước giải khát năm nay còn xuất hiện thêm nhiều loại đồ uống mới như các sản phẩm nước gạo Hàn Quốc, bia Thái Lan, trà giải nhiệt, trà giảm béo, trà chanh muối... Ước tính, trên thị trường Thành phố Nam Định hiện có vài chục loại nước giải khát có gas và không có gas đóng lon, hộp giấy, chai nhựa, chai thuỷ tinh… được bán tại các siêu thị, các đại lý bánh kẹo, đường, sữa trên các đường phố Hoàng Văn Thụ, Điện Biên, Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Quang Trung, khu vực chợ Mỹ Tho và các cửa hàng bán lẻ, quán nước. Cùng với các mặt hàng nước giải khát đóng chai, đóng hộp, còn có các loại: nước dừa, trà xanh, nhân trần, nước mía, sữa đậu nành, các loại chè đỗ đen, đỗ xanh, chè thập cẩm, nước sấu, nước ép hoa quả… cũng khá sôi động khắp các vỉa hè, ngõ phố… Trong những ngày đầu tháng 5 thời tiết nắng nóng, nhiều quán giải khát tại các đường phố trung tâm như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Mạc Thị Bưởi, Minh Khai... luôn đông kín người, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Một chủ quầy giải khát trên đường Trần Hưng Đạo cho biết: Nước mía, chè đỗ đen, chè thập cẩm và trà đá là những loại nước uống được khách hàng lựa chọn sử dụng nhiều nhất trong những ngày này. Do nhu cầu khách hàng tăng mạnh nên mỗi ngày gia đình tôi cũng bán được vài trăm cốc nước giải khát các loại.
Sản xuất nước uống đóng bình tại Cty một thành viên Nước sạch Thiên Trường.
Sản xuất nước uống đóng bình tại Cty một thành viên Nước sạch Thiên Trường.
Thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng các loại nước giải khát của người dân tăng cao, song mối quan tâm lớn nhất là làm sao để không mua phải nước giải khát là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng gần hết “đát” hoặc quá trình chế biến không đảm bảo chất lượng ATTP. Bởi từ quá trình sản xuất đến kinh doanh, tiêu dùng nước giải khát còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh ATTP, gây nguy hại cho sức khỏe. Qua tìm hiểu thực tế, hiện nay bên cạnh nhiều sản phẩm nước giải khát đóng chai, đóng lon có chất lượng của các doanh nghiệp có uy tín như Vinamik, Coca-cola, Pepsi sản xuất, trên thị trường còn xuất hiện nhiều sản phẩm bị làm giả, làm nhái thương hiệu rất tinh vi và không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác; sản phẩm được sản xuất thủ công không đảm bảo vệ sinh ATTP, có hại cho sức khỏe của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, quá trình pha chế và những quy trình liên quan đến kinh doanh nước giải khát đều không đảm bảo ATTP. “Mục sở thị” một quán nước trên phố Nguyễn Du (TP Nam Định) đang có một nhóm thanh niên ngồi uống giải khát. Tại đây đồ uống có đủ loại, từ trà xanh không độ, bò húc, nước khoáng Lavi đến chè tàu, nước mía. Trong một chiếc khay nhựa đựng cốc uống nước là những chiếc cốc, chiếc thì cáu bẩn, chiếc thì đã ngả vàng… Tại khu vực vườn hoa Giàn Leo, đường Hà Huy Tập và quảng trường Hòa Bình, nhiều quán giải khát tự phát mọc lên thu hút đông khách, nhất là vào những buổi chiều muộn. “Đồ nghề” của những quán nước này khá đơn giản, chỉ gồm chiếc máy ép, vài chục cây mía, mươi quả dừa... và mấy bộ bàn ghế nhựa. Trong vai người tiêu dùng có mặt tại các điểm bán hàng này, tôi chứng kiến dụng cụ để vệ sinh cốc và quy trình vệ sinh không đảm bảo, người bán hàng vệ sinh những chiếc cốc chỉ trong một xô nước nhỏ. Còn ở một số quán chè tại chợ Hoàng Ngân, chợ Rồng, hầu hết những nguyên liệu để làm trà sữa trân châu, chè thập cẩm như: nho khô, táo tàu, chà là, dừa khô… với đủ màu sắc nhưng không có thông tin về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Tại một điểm bán nước mía trên phố Minh Khai, máy ép nước mía đã han gỉ, máy không được che đậy và vệ sinh sau khi dùng xong, người bán hàng không rửa tay khi ép mía phục vụ khách. Sau mỗi lần sử dụng, cốc đựng nước mía chỉ được chủ quán tráng qua loa trong cùng một chậu nước. Tại một quán nước mía trên đường Trần Hưng Đạo, chưa đầy 15 phút nhưng lượng khách ghé lại quán này đã gần chục người. Tại quầy pha chế, chủ hàng bày khoảng 20 chiếc cốc thủy tinh. Mỗi lần khách uống xong, người bán hàng không rửa mà chỉ nhúng cốc sơ qua vào một xô nước rồi lại úp luôn trên giá, phục vụ đợt khách tiếp theo. Nước mía tại đây cũng được gắn mác “siêu sạch”, nhưng những cây mía sau khi cạo vỏ đựng rất sơ sài trong một chiếc xô mà không hề có vật dụng nào che đậy. Bao nhiêu bụi bẩn bám vào những cây mía cứ thế theo đường miệng vào cơ thể người tiêu dùng… Đó là chưa kể đến nước đá - thành phần không thể thiếu trong cốc nước mía chưa hẳn đã thật sự sạch (!).
 
Để tìm được những loại nước giải khát đạt tiêu chuẩn theo quy định và đảm bảo vệ sinh ATTP, đòi hỏi người tiêu dùng cần “kỹ tính” trong lựa chọn. Bởi thực tế hiện nay nhiều cơ sở sản xuất thủ công đã lợi dụng những thương hiệu nước giải khát uy tín, chất lượng để làm giả, làm nhái sản phẩm, đánh lừa lòng tin của người tiêu dùng… Đơn cử như việc sản xuất, kinh doanh nước uống tinh khiết còn rất nhiều bất cập. Chỉ một số Cty lớn và các cơ sở sản xuất có sự đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, nhà xưởng, nên chất lượng nước tương đối đạt tiêu chuẩn, còn lại không ít cơ sở sản xuất nhỏ lẻ với các trang thiết bị thủ công, nhà xưởng chật chội, chưa có sự phân khu riêng biệt giữa khu sản xuất nước, khu xử lý bình và khu chiết rót, sản xuất “chui”, kéo theo đó là những loại nước kém chất lượng, không đảm bảo ATTP, không đúng với các tiêu chí như trong quảng cáo. Mới đây, Chi cục ATVSTP tỉnh đã tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại các cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, nước uống đóng chai, nước đá, kem đá trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã lấy 59 mẫu để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy có 20/59 mẫu (33,9%) không đạt yêu cầu về chỉ tiêu vi sinh vật. Như vậy, không những “sống chung với bụi”, sử dụng nguyên liệu kém chất lượng, sử dụng loại nước đá không đảm bảo vệ sinh ATTP, vệ sinh khu vực sản xuất, khu vực chế biến chưa đạt tiêu chuẩn…, còn rất nhiều lý do khiến các nguồn nước giải khát chứa đựng nhiều yếu tố bất ổn, gây hại cho sức khỏe người dùng.
 
Để bảo đảm ATTP thị trường nước giải khát, cùng với các cơ quan chức năng, các địa phương cần tăng cường quản lý các dịch vụ kinh doanh giải khát trên địa bàn. Người dân ngoài việc nâng cao sự hiểu biết về ATTP thì để tự bảo vệ mình./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com