Hiệu quả kinh tế từ vùng chuyển đổi ở xã Hải An

07:03, 08/03/2017
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được xã Hải An (Hải Hậu) xác định là mục tiêu quan trọng trong xây dựng NTM bền vững. Để đạt được mục tiêu này, xã Hải An đã thực hiện quy hoạch vùng chuyển đổi, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, qua đó ngày càng có nhiều mô hình phát triển kinh tế gia đình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
 
Đồng chí Phạm Văn Đảm, Chủ tịch UBND xã Hải An cho biết: Để khuyến khích các hộ dân phát triển kinh tế quy mô trang trại, gia trại tổng hợp, Đảng ủy, UBND xã đã quy hoạch 80ha vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao nhằm mang lại hiệu quả sản xuất cho người dân. Vùng quy hoạch có lợi thế gần sông Ninh Cơ, có nguồn nước sạch không bị ô nhiễm, xa khu dân cư, rất thuận lợi cho trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và phát triển trang trại, gia trại tổng hợp. Hiện nay đã có 200 hộ đấu thầu ở vùng đất chuyển đổi của xã, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất đa cây, đa con. Trước đây, cuộc sống của gia đình anh Nguyễn Văn Diễn, xóm 8 chỉ trông vào mấy sào ruộng, kinh tế bấp bênh. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ hoa khá lớn, tuy nhiên trong xã và những vùng lân cận chưa có nơi nào trồng nên anh quyết định đến làng hoa ở các xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Nam Phong (TP Nam Định) và Hải Xuân (Hải Hậu) học kỹ thuật trồng hoa. Sau khi đã có kinh nghiệm, anh đấu thầu gần 0,8ha đất ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả của xã, cùng với gia đình cải tạo, mua đất phù sa, đất ải về đổ để nâng cao mặt ruộng, lên luống trồng hoa cúc, cây ăn quả, cây rau màu... Sau vài vụ hoa thắng lợi, nhận thấy nhu cầu chơi hoa của người dân tăng cao, anh Diễn tiếp tục mở rộng diện tích, đến nay gia đình anh có 3 sào trồng các loại hoa cúc: pha lê, tuyết trắng, tua Pháp… Anh Diễn cho biết: Với khoảng thời gian trên 3 tháng/1 lứa hoa cúc, trung bình một năm có thể thu hoạch được 3 lứa. Thời gian chính vụ kéo dài từ tháng 12 tới tháng 7 năm sau. Thông thường, 1 sào có thể trồng khoảng 2 vạn cây/lứa. Với giá hoa cúc hiện tại dao động từ 2.000-3.000 đồng/bông, mỗi sào trồng cúc thu được khoảng 15-20 triệu đồng/lứa, vào những dịp như mùng một, ngày rằm, tết, lễ hội… thu nhập có thể tăng lên gấp đôi. Ngoài 3 sào trồng hoa cúc, anh Diễn còn trồng các loại cây ăn quả như ổi lê, chanh đào, các loại rau màu và nuôi cá truyền thống… Nhờ cần cù, chăm chỉ lao động với niềm đam mê học hỏi và hướng phát triển kinh tế hiệu quả, hiện nay, thu nhập của gia đình anh đạt trên 300 triệu đồng/năm. Chúng tôi đến thăm trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Thoan, ở xóm 2. Ông Thoan cho biết: Trước đây gia đình ông sản xuất tại nhà, diện tích chật hẹp, điều kiện chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường. Quy mô sản xuất không mở rộng được nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Đầu năm 2012, được UBND xã và các hội, đoàn thể giúp đỡ, tạo điều kiện, gia đình ông đã nhận đấu thầu 1ha ở vùng đất chuyển đổi. Ông đã đầu tư trên 100 triệu đồng thuê máy xúc đào ao, lập vườn. Với 2 ao nuôi có tổng diện tích mặt nước là 2.500m 2, ông nuôi thả 3.000 con cá diêu hồng và 600 con cá trắm đen. Mỗi năm, gia đình ông thu hoạch được 2,5 tấn cá diêu hồng và trên 5 tạ cá trắm. Tận dụng diện tích đất ven ao, ông còn trồng thêm 120 trụ thanh long ruột đỏ và hơn 2 sào rau màu các loại tùy theo mùa vụ như: dưa lê, bí xanh, cải bắp, súp lơ, su hào... Ngoài ra, cũng ở trên khu đất đấu thầu, ông trồng trên 5 sào cây đinh lăng - một trong những loại dược liệu của thuốc nam, nhằm tăng thu nhập trên diện tích canh tác. Doanh thu của gia đình ông ước đạt trên dưới 150 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Trên diện tích chuyển đổi hơn 1ha, anh Trịnh Văn Kiên, xóm 14 đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn kết hợp với trồng cây và thả cá. Với phương châm phát triển bền vững, lâu dài, anh Kiên không ngừng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như cải tạo, nâng cấp chuồng trại, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình vệ sinh, phòng trừ dịch bệnh... do vậy đàn lợn của gia đình anh luôn phát triển tốt, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Lãi qua từng năm cùng với số vốn tích cóp của gia đình, từ quy mô 100 con lợn thịt ban đầu, cuối năm 2016 anh Kiên đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây dựng 2 dãy chuồng nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt theo công nghệ chuồng kín, có máng ăn, núm uống tự động. Dãy thứ nhất chuyên nuôi 100 con lợn nái sinh sản; một phần con giống sản xuất ra được phục vụ cho trang trại của gia đình, phần còn lại xuất bán ra thị trường. Dãy chuồng thứ hai anh nuôi lợn thương phẩm với quy mô mỗi lứa trên 500 con. Các ô chuồng được anh nuôi thành nhiều lứa từ lợn giống mới tách đàn đến lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng. Với phương pháp nuôi gối như vậy tháng nào gia đình anh Kiên cũng có lợn thịt xuất chuồng. Hiện trang trại mới của anh bắt đầu đi vào hoạt động, là một trong những trang trại có quy mô lớn và hiện đại nhất trong huyện.
Anh Nguyễn Văn Diễn, xóm 8, xã Hải An thu hoạch hoa cúc.
Anh Nguyễn Văn Diễn, xóm 8, xã Hải An thu hoạch hoa cúc.
Hiện xã Hải An có nhiều mô hình trang trại, gia trại tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm doanh thu đạt hàng trăm triệu đồng như: gia trại của ông Trần Văn Trang, xóm 2 chuyên trồng cây cam sành; ông Tạ Văn Đam, xóm 5 với mô hình nuôi vịt siêu trứng quy mô 500 con và thả cá truyền thống; trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Thạnh, xóm 4 nuôi thả 6 sào cá trắm, chép, trôi, mè và trồng các loại cây đặc sản như cam sành, bưởi Diễn, lúa tám xoan Hải Hậu, nếp cái hoa vàng; ông Nguyễn Minh Tân đang xây dựng trang trại nuôi lợn thịt quy mô 700-800 con… Đạt được kết quả trên, xã Hải An đã tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích các hộ nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho nông dân vay vốn của Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH; tạo mặt bằng cho các hộ đấu thầu, mở rộng diện tích sản xuất. Xã còn vận động các hộ nông dân hiến đất, góp của đầu tư xây dựng 15km đường bê tông có bề mặt rộng từ 2,5-4m tại vùng chuyển đổi phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Bên cạnh đó, xã thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, của huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản, giới thiệu các giống cây, con mới có giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân. Việc thực hiện tốt chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người của toàn xã đạt trên 30 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,8% (theo tiêu chí mới).
 
Để tiếp tục vận động nhân dân trong xã mở rộng mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại tổng hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian tới, xã Hải An tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền quản lý dịch bệnh, duy trì và tổ chức tốt công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo không để dịch bệnh xảy ra. Đôn đốc, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chuyển ra vùng sản xuất tập trung đã quy hoạch để đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh. Thường xuyên phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Bám sát đăng ký của các hộ xã viên trong vùng chuyển đổi để hướng dẫn thực hiện chuyển đổi theo quy hoạch./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com