Xuân nơi đảo xa! (kỳ 2)

08:02, 15/02/2017

[links()]

(Tiếp theo kỳ trước)

II. Lý Sơn - Giữ vững truyền thống anh hùng

Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, được hình thành và kiến tạo bởi 5 ngọn núi lửa phun trào cách đây khoảng 25 đến 30 triệu năm. Ở Lý Sơn xưa đã sớm hình thành các đội hùng binh được giao nhiệm vụ cắm mốc, bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Tiếp đó, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người dân Lý Sơn luôn anh dũng, kiên cường bảo vệ toàn vẹn lãnh địa, lập nhiều kỳ tích. Lý Sơn ngày nay đang phát triển mạnh mẽ về kinh tế, trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách xa gần!

Không khí tấp nập ở cảng cá An Hải, huyện đảo Lý Sơn khiến chúng tôi khá bất ngờ, khác xa với những gì tưởng tượng trong hành trình đến đảo. Anh Nguyễn Đức Vinh, người đang vận chuyển những thùng cá bớp đông lạnh từ đảo về đất liền tâm sự: Trung bình mỗi năm gia đình anh nuôi được hơn 17 tấn cá tại các lồng bè ven đảo, nếu được giá sẽ thu được vài trăm triệu đồng. Cách đó không xa, anh Trần Chí Bình lại loay hoay chuyển hơn 300 chậu hoa đủ sắc màu lên xe tải chở vào đảo. Đây là hoa từ đất liền đưa ra đảo tiêu thụ và đó là công việc thường nhật của những thương gia nhạy bén thời cuộc, kịp thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đang tăng cao ở đảo. Đi dọc con đường nhựa đến khu vực trung tâm huyện đảo Lý Sơn, chúng tôi dừng chân bên cụm tượng đài “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải” xây dựng bằng đá xanh lừng lững hướng ra biển, như tạc lên trời xanh một lời thề quyết giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của cha ông để lại.

Quan sát hải phận Việt Nam từ Trạm ra-đa tầm xa trên đảo Lý Sơn.
Quan sát hải phận Việt Nam từ Trạm ra-đa tầm xa trên đảo Lý Sơn.

Lật lại những dòng lịch sử tại đây, chúng tôi biết rằng, huyện đảo Lý Sơn có 5 ngọn núi: Thới Lới, Hòn Tai, Hòn Sỏi, Giềng Tiền, Hòn Vung; trong đó núi Thới Lới chiếm diện tích lớn và cao hơn các núi khác. Đất đai ở Lý Sơn do tro núi lửa hình thành nên phì nhiêu, thuận lợi cho việc trồng và phát triển các giống cây có giá trị kinh tế cao như tỏi, hành, đậu đỗ… Xung quanh Lý Sơn là biển cả. Đó là ngư trường đánh bắt hải sản lớn và là yếu tố tốt cho việc phát triển kinh tế trong hiện tại cũng như tương lai. Đã từ lâu, nhiều sản phẩm nông nghiệp, ngư nghiệp của Lý Sơn nổi tiếng trên các thị trường trong và ngoài nước như tỏi, hành, đồi mồi, xà cừ, hải sâm… Đặc biệt, cây tỏi của Lý Sơn từ trước đến nay luôn chiếm lĩnh thị trường bởi chất lượng cao hơn hẳn các giống tỏi ở địa phương khác. Địa hình Lý Sơn qua thời gian dài được thiên nhiên góp sức tôn tạo nên đã hình thành nhiều thắng cảnh đẹp như Chùa Hang, Hang Câu, Hang Kẻ Cướp, Cổng Tò Vò, Chùa Đục, Hang Cò, Hòn Mù Cu… Những cảnh quan thiên nhiên của Lý Sơn là tiềm năng quan trọng cho việc phát triển dịch vụ, du lịch.

Thời thực dân phong kiến, đồng bào Lý Sơn đã đóng các loại thuyền con, xuồng câu, ghe bầu để đi làm ăn trên biển và ra vào đất liền bán nông hải sản, mua sắm các mặt hàng trên đảo không sản xuất được. Chính vì vậy, triều đình phong kiến đã rất chú ý đến vùng đất này nhằm củng cố hệ thống cai trị tại biển, đảo và tuyển mộ người dân đảo đi lính ra các đảo Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt sản vật quý về nộp cho vua, chúa. Công việc đó rất nguy hiểm và gian khổ. Từ xa xưa, hằng năm người dân Lý Sơn đều phải làm lễ tế sống con em mình trước khi họ đi Hoàng Sa, Trường Sa. Cho đến nay, trong nhân dân vẫn còn lưu truyền những câu ca nói về những chuyến đi đầy gian khổ, đó là: “Hoàng Sa đi có về không/Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi” hay “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa”. Giữ gìn và phát huy truyền thống của cha ông, đến nay hằng năm người dân xứ đảo Lý Sơn vẫn tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào các ngày 15, 16 tháng ba âm lịch. Đây là nghi lễ gắn liền với tâm thức của người dân hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được các tộc họ trên đảo Lý Sơn duy trì hàng trăm năm nay nhằm tưởng nhớ công ơn của các hùng binh năm xưa có công trong việc cắm mốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Về tổ chức hành chính, năm 1808, Vua Gia Long triều Nguyễn đã có chiếu đặt tên tổng Lý Sơn trực thuộc phủ Bình Sơn. Năm 1931, thực dân Pháp đổi tên tổng Lý Sơn thành đồn Lý Sơn trực thuộc Tuần Vũ tỉnh Quảng Ngãi và đặt hệ thống Bang Tá cai trị tại đây. Lúc đó, trên đảo có một đội Bang Tá được trang bị như lính khố xanh với quân số 12 người. Bọn chúng có quyền bắt người, tra tấn, giết những ai mà chúng cho là cộng sản. Nhiệm vụ của lính Bang Tá là đóng giữ, bảo vệ trụ sở, các địa điểm xung yếu và hỗ trợ cho bộ máy cai trị thu thuế. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng đặt tên lại cho Lý Sơn là Tổng Trần Thành trực thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 1-1-1993, huyện đảo Lý Sơn được thành lập theo Quyết định số 337 của Thủ tướng Chính phủ. Toàn huyện đảo hiện có 3 xã: An Hải, An Vĩnh, An Bình với dân số trên 23 nghìn người.

Trải qua nhiều thế hệ, người dân Lý Sơn luôn giữ vững truyền thống yêu nước, cần cù, thông minh và sáng tạo trong lao động sản xuất. Vì vậy, Lý Sơn trước kia là núi rừng hoang vu, trải qua thời gian đã trở thành miền đất trù phú như ngày nay. Số liệu thống kê từ UBND huyện Lý Sơn năm 2016 cho thấy, thu nhập bình quân đầu người đạt 22,3 triệu đồng/năm, tăng 1,3 triệu đồng so với năm trước. Tổng giá trị các ngành kinh tế đạt 1.355,117 tỷ đồng, tăng 7,69% so với năm trước; trong đó phát triển mạnh là nông nghiệp, thuỷ sản, du lịch, dịch vụ. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao diễn ra với nhiều hình thức phong phú, phục vụ nhu cầu các tầng lớp nhân dân. Công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích, thắng cảnh được quan tâm đúng mức. Huyện đảo đã chỉ đạo tổ chức quản lý tốt các lễ hội truyền thống theo phong tục địa phương. Cuối năm 2016, huyện đảo đã lập 2 hồ sơ danh lam, thắng cảnh núi Giếng Tiền, núi Thới Lới; 1 hồ sơ di sản văn hoá phi vật thể là Lễ hội đua thuyền truyền thống đảo Lý Sơn đề nghị công nhận di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cấp quốc gia. Về hoạt động du lịch, trong năm 2016, có khoảng 165 nghìn lượt khách du lịch đến đảo, tăng gần 70 nghìn lượt so với cùng kỳ năm trước. Năm 2017, huyện đảo Lý Sơn tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém; tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ xây dựng đô thị, xây dựng NTM, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững ổn định chính trị, an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra. Các mục tiêu cụ thể bao gồm thu nhập bình quân đầu người đạt 25,9 triệu đồng; giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ, hải sản đạt 868,544 tỷ đồng; tàu thuyền đánh cá 422 chiếc với tổng công suất 68.520CV; giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 120,457 tỷ đồng; giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ đạt 515,907 tỷ đồng, tăng 26,64%. Về đầu tư, xây dựng, Lý Sơn đang đẩy nhanh tiến độ các dự án hệ thống cấp nước sinh hoạt khu trung tâm huyện giai đoạn 2, tuyến đường từ trung tâm huyện đến xã An Hải; tuyến đường Cồn An Vĩnh đến Trạm ra-đa tầm xa. Tiếp tục thúc đẩy xây dựng hạ tầng đô thị như dự án Cảng Bến Đình, nâng cấp tuyến đường trục chính từ Cồn An Vĩnh đến khách sạn Mường Thanh; xây dựng hệ thống điện chiếu sáng tại một số tuyến đường chính trên đảo.

Lá quốc kỳ trên cột cờ ở phía Bắc đảo lớn Cù lao Ré tung bay phần phật trong gió biển mang theo mùi hương nồng nàn của tỏi, vị mặn mòi của muối và đâu đây là mùi đá cháy từ hàng triệu năm về trước. Lịch sử đã chọn Lý Sơn để trao gửi sứ mệnh tiên phong giữ biển. Chính vì vậy, những người đang trụ vững ở đây để làm ăn, sinh sống, để thực hiện nhiệm vụ của người lính biên cương hãy vững tin vào sức mạnh truyền thống đoàn kết quật cường của dân tộc trước mọi mối hoạ xâm lăng nhằm xây dựng đất nước hoà bình, độc lập, phát triển./.

(còn nữa)
Bài và ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com