Bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ ven biển

07:07, 26/07/2016
Nằm ở cửa ngõ phía Nam đồng bằng sông Hồng, có 3 huyện tiếp giáp biển với đường bờ biển dài 72km, Nam Định là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu (BĐKH). Mới đây khu vực đê biển Cồn Tròn thuộc xã Hải Hòa (Hải Hậu) xảy ra tình trạng sạt lở 200m 2 mái kè ngoài do thủy triều, sóng biển lớn. Ngay khi phát hiện điểm sạt lở, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo Sở NN và PTNT, UBND huyện Hải Hậu thực hiện phương án xử lý giờ đầu, tránh để sạt lở lan rộng, đảm bảo an toàn tuyến đê trước mùa mưa bão năm 2016. Khu vực đê Cồn Tròn là một trong những điểm xung yếu trực tiếp chịu tác động của sóng biển và không có rừng phòng hộ che chắn từ phía ngoài. Trước đó, cơn bão số 7 năm 2005 khi tràn vào bờ biển Nam Định có gió mạnh tới cấp 11, 12 và giật trên cấp 12, phá hỏng nhiều đoạn đê biển. Nghiêm trọng nhất là đê Thịnh Long (Hải Hậu) bị vỡ dài tới 150m. Nước biển tràn vào nhấn chìm hàng trăm ha hoa màu cùng nhà cửa và tài sản của nhân dân. Cuộc sống của người dân bị xáo trộn, thiệt hại vật chất lên tới hàng chục tỷ đồng. Thực tế sau cơn bão cho thấy, nơi nào có rừng phòng hộ che chắn thì hạn chế được rất nhiều thiệt hại, nơi nào không có rừng thì thiệt hại rất lớn: đê biển bị sạt lở nghiêm trọng, các công trình ao và đầm nuôi trồng thủy sản (NTTS) bị phá hủy, nước mặn tràn vào đồng ruộng, thiệt hại rất lớn, tính mạng của con người bị đe dọa… Do vậy, phát triển diện tích rừng phòng hộ là một trong những giải pháp tích cực nhằm khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn, nâng cao độ che phủ, hạn chế tình trạng nhiễm mặn, điều hòa khí hậu, nâng cao tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng. Quan trọng hơn hết, việc phát triển rừng phòng hộ ven biển một cách bền vững sẽ trực tiếp tạo ra các vành đai - lớp bảo vệ thiết thực phòng chống thiên tai, chắn sóng lấn biển, bảo vệ an toàn hệ thống đê và các hoạt động sản xuất nông nghiệp, NTTS, tạo nguồn lợi kinh tế cao góp phần ổn định và phát triển kinh tế trong khu vực. Trồng rừng phòng hộ đầu tư thấp nhưng hiệu quả cao: với khoảng 20 tỷ đồng chi phí để đầu tư kiên cố hóa 1km đê biển, thì cũng với số tiền này ta có thể trồng được 500ha rừng phòng hộ. UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phê duyệt Chương trình hành động ứng phó BĐKH, ưu tiên thực hiện một số giải pháp quan trọng, trong đó có nhiệm vụ phát triển diện tích rừng phòng hộ ven biển: bảo vệ diện tích rừng hiện có, mở rộng và nâng cao chất lượng rừng, thực hiện giao khoán rừng, xây dựng mô hình quản lý rừng hiệu quả; bảo vệ khoanh nuôi, tái sinh rừng hiện có, bảo vệ Vườn quốc gia, tiếp tục trồng rừng phòng hộ ven biển để khai thác tốt quỹ đất, tăng độ che phủ bằng biện pháp trồng rừng tập trung và phân tán... Quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh giai đoạn 2011-2020 xác định tổng diện tích 11.850ha rừng và đất rừng, trong đó rừng đặc dụng (Vườn quốc gia Xuân Thủy) 7.100ha, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là 4.750ha (tập trung tại các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy 4.540ha). Được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ thông qua Chương trình 327, chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng (Chương trình 661) và đầu tư của Hội CTĐ Đan Mạch, trên những diện tích bãi triều có thể trồng được rừng, Sở NN và PTNT đã tổ chức trồng rừng đều đặn hằng năm. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện 2 dự án: dự án “Bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2015-2020” và dự án “Giảm sóng ổn định bãi và trồng rừng ngập mặn bảo vệ nam Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng” để trồng mới, khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển, nhằm hạn chế tác động của BĐKH toàn cầu, nước biển dâng; chắn sóng, gây bồi lấn biển, bảo vệ đê biển, phòng chống thiên tai; tăng cường đảm bảo an toàn cho cộng đồng dân cư ven biển; tôn tạo vẻ đẹp cảnh quan góp phần cải thiện, nâng cao môi trường sinh thái; tăng cường bảo vệ an ninh biên giới ven biển, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương. 
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Xuân Thủy tuần tra, kiểm soát rừng phòng hộ ven biển.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Xuân Thủy tuần tra, kiểm soát rừng phòng hộ ven biển.
Tuy nhiên, trồng rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh những năm qua còn gặp khá nhiều khó khăn. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có trên 3.110ha rừng; trong đó rừng phòng hộ là 1.955ha, tập trung ở các xã vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy) gần 585ha, các xã của Nghĩa Hưng: Nam Điền 186ha, Nghĩa Lâm 275ha, Nghĩa Hải 221ha, Nghĩa Thành 282ha… và rải rác tại các xã, thị trấn ven biển. Trong giai đoạn từ năm 2011-2015, toàn tỉnh trồng mới được 329ha rừng phòng hộ ven biển, chỉ đạt 22% so với kế hoạch, nhu cầu của địa phương. Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh mới trồng được 94ha rừng phòng hộ, gồm các loại cây: trang, bần, phi lao. Nguyên nhân ảnh hưởng đến phát triển trồng rừng phòng hộ ven biển do kinh phí trồng rừng phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn Trung ương cấp và các chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư. Bên cạnh đó, do phải chịu ảnh hưởng sâu sắc của BĐKH, ảnh hưởng nặng nề của những cơn bão lớn, áp thấp nhiệt đới, triều cường, những đợt rét đậm, rét hại nên tỉnh cũng nhanh chóng bị giảm diện tích rừng ngập mặn. Điển hình là cơn bão số 8 năm 2012 đã vùi lấp, cuốn trôi, làm đổ gẫy và làm chết đứng nhiều cây rừng, nhiều khu vực đã bị mất trắng rừng. Đợt rét đậm, rét hại năm 2008 làm thiệt hại một số diện tích rừng… Một nguyên nhân nữa là sự biến động của các yếu tố tự nhiên như sự biến động của dòng chảy sông Hồng qua cửa Ba Lạt, sự biến động của các dòng hải lưu… đã làm thay đổi tính chất đất ở một số bãi triều. Nhiều diện tích bãi triều trước đây có rừng trồng sinh trưởng tốt nhưng nay có hiện tượng cốt đất tôn cao và pha cát (vùng cửa sông Trà huyện Giao Thủy) hoặc đất bị xói lở (Cồn Mờ, Nghĩa Hưng) làm cây còi cọc và chết, dẫn đến diện tích rừng giảm. Diện tích trồng rừng phòng hộ ven biển đang có tình trạng suy giảm về diện tích và chất lượng rừng còn do một số địa phương phá rừng để chuyển đổi sang mục đích phát triển kinh tế - xã hội (NTTS, du lịch, xây dựng các công trình…). Rừng non mới trồng bị con hà bám làm cây sinh trưởng kém dẫn đến bị chết. Sự phá hại cây rừng của một số người thiếu ý thức khi khai thác hải sản ven bờ cũng dẫn đến suy giảm diện tích rừng…
 
Để thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh ta đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương, trước khi trồng phải làm tốt công tác khảo sát, đánh giá lập địa, thiết kế một cách chi tiết và khoa học đối với diện tích trồng mới, trồng bổ sung phục hồi rừng để đảm bảo khả năng thành rừng cao. Trong quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng cần chú ý các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học, biện pháp an toàn lao động, tránh các tác động tiêu cực cho môi trường như việc sử dụng dây, túi ni lông… Các ngành và địa phương cần thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của rừng, từng bước nâng cao nhận thức của người dân khu vực ven biển về giá trị của rừng. Đồng chí Đỗ Hải Điền, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Hiện tỉnh đang đề xuất 2 dự án là dự án “Trồng rừng phòng hộ ứng phó với BĐKH” của Ngân hàng Tái thiết Đức và dự án “Tăng cường năng lực ngành Lâm nghiệp” của Ngân hàng Thế giới. Thời gian tới, Sở NN và PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục kêu gọi, thu hút các chương trình, dự án ứng phó với BĐKH của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ những diện tích rừng đã trồng. Chuyển đổi sinh kế cho người dân vùng ven biển để người dân không quá phụ thuộc, hạn chế chuyển đổi đất trồng rừng sang phát triển kinh tế - xã hội./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com