Hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập

08:07, 12/07/2016

Từ nhiều năm nay, việc triển khai xây dựng mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập theo chỉ đạo của Hội Khuyến học Việt Nam đã được các địa phương trong tỉnh tích cực thực hiện và nhân rộng, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Dòng họ Hoàng chi Mậu ở xóm 7, xã Hải Sơn là một trong 2 dòng họ tiêu biểu được chọn xây dựng thí điểm mô hình dòng họ học tập của huyện Hải Hậu. Đây là dòng họ có truyền thống đoàn kết, hiếu học, nhiều người thành đạt. Bước vào thời kỳ đổi mới, dòng họ càng đồng lòng hơn trong việc đóng góp xây dựng quỹ khuyến học để động viên, khuyến khích con cháu học hành. Từ 10 triệu đồng ban đầu, đến nay quỹ khuyến học đã có trên 100 triệu đồng. Ban khuyến học dòng họ đoàn kết, tâm huyết, sáng tạo trong việc vận động các gia đình trong họ tham gia tích cực vào phong trào khuyến học, khuyến tài, động viên, hỗ trợ ban khuyến học xây dựng, triển khai các hoạt động đạt hiệu quả tích cực. Đến nay, dòng họ có gần 130/157 gia đình được công nhận “Gia đình hiếu học”, 105 gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”. Dòng họ không có học sinh bỏ học giữa chừng, 100% các cháu trong độ tuổi được đến trường, 70-80% số học sinh đến trường đạt học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, 100% học sinh tốt nghiệp THPT đều dự tuyển vào đại học, cao đẳng, trong đó có gần 70% trúng tuyển đại học, số còn lại thi đỗ vào các trường cao đẳng và học nghề. Hiện tại, dòng họ có 25 sinh viên đang học tại các trường đại học, trong đó có 10 em học giỏi được nhận học bổng. Trong 15 năm qua, dòng họ đã khen thưởng cho trên 800 lượt học sinh đạt thành tích trong học tập. Bên cạnh đó, dòng họ đã xây dựng tủ sách dùng chung, có nhiều đầu sách ở các lĩnh vực như: văn hóa, giáo dục, khoa học và đời sống, chăm sóc sức khỏe, người tốt, việc tốt, địa lý, lịch sử…; thành lập làng nghề cây cảnh, nghề may, xưởng mộc thu hút 125 gia đình tham gia để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Thành công bước đầu về khuyến học, khuyến tài, xây dựng dòng họ học tập đã giúp dòng họ Hoàng chi Mậu trong xóm tạo dựng được tinh thần khuyến học, khơi dậy ý thức của các thành viên trong họ giúp nhau học hỏi và phát triển kinh tế gia đình. Năm 2014, huyện Hải Hậu đã chọn 2 gia đình, 2 dòng họ, 2 trường học và 2 xã thực hiện thí điểm các mô hình học tập. Đến năm 2015, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn nhân rộng mô hình học tập trong toàn huyện. Theo đánh giá ban đầu, đến nay toàn huyện đã có hơn 10 nghìn gia đình, hơn 500 dòng họ, hơn 400 cộng đồng và 70 đơn vị đạt tiêu chí về danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” cấp thôn, xóm và “Đơn vị học tập” cấp cơ sở.

Con em dòng họ Vũ thôn Bái Hạ, xã Nghĩa An (Nam Trực) tự hào về truyền thống hiếu học của dòng họ.
Con em dòng họ Vũ thôn Bái Hạ, xã Nghĩa An (Nam Trực) tự hào về truyền thống hiếu học của dòng họ.

Phong trào xây dựng gia đình hiếu học ở tỉnh ta được triển khai ngay từ khi thành lập Hội Khuyến học. Đến nay, toàn tỉnh đã có 12.556 chi hội, ban khuyến học với tổng số 375.243 hội viên, bằng 20% dân số của tỉnh. Toàn tỉnh đã có trên 4.100 dòng họ được công nhận “Dòng họ hiếu học” và 249.915 gia đình được công nhận “Gia đình hiếu học”. Phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học đã tạo nên sự gắn kết có hiệu quả với phong trào xây dựng cộng đồng khuyến học. Bám sát thực hiện theo 6 tiêu chuẩn do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đề ra, phong trào xây dựng cộng đồng khuyến học ở tỉnh ta phát triển nhanh, đóng góp lớn vào xây dựng, phát triển tổ chức hội, hội viên, huy động được các lực lượng trong xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài. Toàn tỉnh đã có 3.367 cộng đồng khuyến học ở các thôn, xóm, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, trường học, nhà chùa, xứ họ đạo. Mỗi cộng đồng khuyến học đều có cách làm, thế mạnh và thành tích riêng nhưng tựu chung lại đều có vai trò rất quan trọng trong xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập. Thực tế cho thấy, phong trào xây dựng gia đình hiếu học đã góp phần quan trọng vào xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh, gắn kết giáo dục gia đình với giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội. Đồng thời, gia đình hiếu học đã là nhân tố mới trong cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo, làm kinh tế giỏi và xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư. So với các tiêu chí mới thì việc đánh giá gia đình học tập có tăng thêm một bước, với 5 tiêu chí (gia đình hiếu học có 3 tiêu chí). Mỗi gia đình học tập sẽ góp phần làm nên một dòng họ học tập. Trong 5 tiêu chí xây dựng dòng họ học tập, dòng họ phải đạt 50% trở lên số gia đình trong dòng họ đạt danh hiệu “Gia đình học tập”. Trong dòng họ không có con em bỏ học, mắc các tệ nạn xã hội hoặc vi phạm pháp luật. Phong trào học tập suốt đời của người lớn trong dòng họ được khuyến khích, động viên, tạo điều kiện. Tỷ lệ người lớn trong dòng họ tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời với nhiều hình thức, phương thức khác nhau ngày càng tăng. Quỹ khuyến học của dòng họ ngày càng tăng, góp phần tích cực vào hoạt động khuyến học, khuyến tài của dòng họ. Dòng họ tích cực tham gia và thực hiện tốt 5 nội dung xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Các gia đình trong dòng họ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, có đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển. Tiêu chí xây dựng thí điểm mô hình cộng đồng học tập là: Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và THCS đúng độ tuổi. Tỷ lệ người lớn tuổi tham gia học tập thường xuyên, dưới nhiều hình thức, phương thức khác nhau ngày càng tăng. Có 50% gia đình của thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”, 50% dòng họ được công nhận danh hiệu “Dòng họ học tập”. Có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể thôn, tổ dân phố trong việc tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân. Thực hiện tốt 5 nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đời sống kinh tế của các hộ gia đình ở cộng đồng ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm… Hiện tại, nhiều khu dân cư trong tỉnh đã hội đủ các tiêu chí trên. Trên cơ sở tình hình thực tế, các địa phương trong tỉnh tiếp tục chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình cộng đồng học tập.

Với các mục tiêu cụ thể nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2020 có 70-72% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”, 50-52% dòng họ được công nhận danh hiệu “Dòng họ học tập”, 60-62% cộng đồng đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”; 50-52% các tổ chức, cơ quan, trường học, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com