Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em trong dịp hè

09:07, 01/07/2016
Kỹ năng sống là khả năng thích nghi với cuộc sống của mỗi cá nhân, ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Trong mỗi lĩnh vực, phạm vi của cuộc sống đòi hỏi mỗi cá nhân phải có những kỹ năng riêng. Kỹ năng sống cho trẻ bao gồm: Kỹ năng thoát hiểm; ứng phó, ứng biến; kỹ năng sử dụng các vật dụng (đặc biệt là vật dụng nguy hiểm); khám phá cuộc sống một cách an toàn và hiệu quả; kỹ năng tự tin thể hiện trước người khác… Rèn luyện kỹ năng sống tạo thuận lợi cho trẻ trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách. Tuy nhiên, hiện nay việc giáo dục kỹ năng này tại các trường học chưa thực sự được chú trọng. Nhiều học sinh không biết xử lý, ứng phó trước các tình huống nảy sinh trong cuộc sống. Đôi khi chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ trong lớp hay trên mạng xã hội mà các em có những hành vi lệch chuẩn như gây gổ, đánh nhau. Một bộ phận các em có lối sống ích kỷ, hời hợt, chỉ biết bản thân mình và thờ ơ với những gì đang xảy ra xung quanh. Trước thực trạng đó, nhiều gia đình đã tìm đến các lớp huấn luyện kỹ năng sống để mong con em mình được trải nghiệm, biết xử lý các tình huống bất ngờ của cuộc sống. 
Các em thiếu nhi tham gia trò chơi giả làm tượng trong một tiết học kỹ năng sống, do giảng viên Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Thanh Thiên Trường (TP Nam Định) hướng dẫn.  Bài và ảnh: Viết Dư
Các em thiếu nhi tham gia trò chơi giả làm tượng trong một tiết học kỹ năng sống, do giảng viên Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Thanh Thiên Trường (TP Nam Định) hướng dẫn. 
Theo khảo sát sơ bộ, hè này trên địa bàn Thành phố Nam Định có khoảng 15 lớp dạy kỹ năng sống. Việc cho trẻ tham gia các khóa học kỹ năng sống nếu đảm bảo các tiêu chí sẽ giúp trẻ trưởng thành hơn cũng như biết chia sẻ, yêu thương bố mẹ, mọi người xung quanh hơn. Cháu Tuấn Linh, học lớp 5, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Nam Định) được thầy, cô giáo ở trường đánh giá là học sinh khá giỏi. Tuy nhiên theo chị Thu Trang - mẹ cháu thì Tuấn Linh mới chỉ học tốt về văn hóa, những kỹ năng sống cơ bản vẫn còn thiếu hụt. Để chuẩn bị hành trang cho con vững tin bước vào bậc THCS, hè năm nay chị cho cháu học kỹ năng sống tại Trung tâm Văn hóa Thanh, thiếu niên tỉnh. Chị cho biết: "Mặc dù mới học 5 buổi tại lớp kỹ năng giao tiếp nhưng cháu đã khá tự tin nói chuyện, hòa đồng với các bạn ở gần nhà…”. Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Thanh Thiên Trường (TP Nam Định) là một trong những “địa chỉ” thu hút đông thanh, thiếu nhi tới học trong dịp hè. Anh Quách Duy Trung, Giám đốc Trung tâm cho biết: Với đội ngũ giảng viên có nghiệp vụ sư phạm chuyên ngành tâm lý học nên nhiều phụ huynh yên tâm cho con đăng ký học. Trung tâm có 2 cơ sở tại Trung tâm Thanh, thiếu niên tỉnh và Nhà Văn hóa thiếu nhi thành phố với 11 lớp học kỹ năng sống thu hút trên 300 thanh, thiếu nhi. Ngoài các lớp học như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thường thức, tự tin vào lớp 1, lớp mầm non, kỹ năng sinh tồn,… Trung tâm còn tổ chức các lớp trải nghiệm thực tế gồm: Big game và Mega game. Với lớp Big game, các em được tham quan tìm hiểu di tích, nhà truyền thống trên địa bàn thành phố. Với lớp Mega game, các em được tham quan các địa danh ngoài thành phố như: Bảo tàng Đồng quê, cánh đồng muối Bạch Long, bến cá Giao Hải, Vườn quốc gia Xuân Thủy... Ở các lớp học trải nghiệm thực tế, các em sẽ hiểu thêm về giá trị sức lao động mà cha ông ta đã trải qua, đồng thời giúp các em có ý thức trong việc bảo tồn thiên nhiên. Bên cạnh đó, lớp học còn tạo môi trường cho các em gia tăng kỹ năng giao tiếp, vận động, tự lập chăm sóc bản thân khi xa cha mẹ. Cô Phương Anh, giáo viên thuộc Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Thanh Thiên Trường chia sẻ: Ở các lớp kỹ năng sống, các em được dạy những điều cơ bản nhất như giới thiệu bản thân, kỹ năng giao tiếp ứng xử, làm việc theo nhóm, kỹ năng khám phá, thay đổi bản thân. Mục đích của các lớp học này là giúp các em tự tin, tự lập hơn trong cuộc sống. Tuy vậy, đây là những kỹ năng bổ trợ chỉ được học thời gian ngắn. Trong khi đó, để tạo thành kỹ năng, phản xạ tốt thì các em cần được rèn luyện thường xuyên, liên tục. Để các khóa học thực sự bổ ích với con em mình, phụ huynh nên tìm hiểu xem con mình cần bổ sung kiến thức và kỹ năng gì để tìm khóa học phù hợp, đồng thời phối hợp với Trung tâm theo dõi chặt chẽ chương trình học để cùng giáo dục con. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những lời quảng cáo của một số trung tâm học kỹ năng sống hiện nay khiến nhiều phụ huynh ảo tưởng rằng con mình sẽ thay đổi trong thời gian ngắn. Mặt khác khi tiếp cận với các chương trình này, các bậc cha mẹ chủ yếu cũng chỉ tìm hiểu về mặt lý thuyết bởi chính bản thân họ cũng chưa có cơ hội được thực hành. Hiện mức học phí tại các lớp đào tạo kỹ năng sống khá đa dạng, từ 800 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng, tùy thời gian và chương trình học. Tuy nhiên, nội dung và chương trình học kỹ năng sống tại các trung tâm chưa có sự thống nhất, có trung tâm biên soạn chương trình theo tài liệu của các nước châu Âu, nơi lại tổng hợp các tài liệu trong nước... Bởi vậy phụ huynh trước khi đăng ký cho con học nên yêu cầu các trung tâm cho tham quan thực tế cơ sở hạ tầng nơi tổ chức khóa học, tiếp xúc với các giáo viên của lớp, tìm hiểu sơ bộ nội dung, nguồn gốc giáo trình của giáo viên.
 
Để các lớp kỹ năng sống thực sự phát huy hiệu quả, các ngành chức năng cần có sự “vào cuộc” trong việc chuẩn hóa, thống nhất về chương trình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Các trung tâm dạy kỹ năng sống cần tuyển dụng đội ngũ giáo viên, giảng viên có trình độ phù hợp, phối hợp chặt chẽ cùng gia đình lựa chọn cách thức giảng dạy phù hợp với tính cách, sở thích của từng em. Có như vậy, kỹ năng sống mới thực sự đi vào cuộc sống thường ngày của các em./.
 
Bài và ảnh:  Viết Dư
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com