Nét mới trong công tác tiếp cận, cảm hóa thanh niên chậm tiến

08:12, 09/12/2014

Tiếp cận, giáo dục, cảm hóa thanh niên chậm tiến là việc làm khó. Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, những năm qua, tổ chức Đoàn các cấp đã có những cách làm hay, hiệu quả, giúp thanh niên chậm tiến hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Cuối tháng 6, đầu tháng 7-2014, Đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin” xã Yên Bằng (Ý Yên) được thành lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh Đoàn. Nhiệm vụ của đội là phối hợp với lực lượng Công an xã đảm nhận cảm hóa, quản lý, giáo dục thanh niên vi phạm pháp luật, thanh niên chậm tiến tại địa phương. Mỗi thành viên trong đội được phân công theo dõi, tiếp cận một thanh niên chậm tiến. Theo đó, các thành viên trong đội đến từng nhà đối tượng tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, từ đó có hình thức chia sẻ, giúp đỡ phù hợp như định hướng, giới thiệu việc làm, vận động tham gia các hoạt động tập thể bổ ích... Hằng tháng, đội tổ chức họp báo cáo tình hình, trao đổi rút kinh nghiệm và đưa ra hướng hoạt động cho thời gian tiếp theo. Ngoài ra, đội còn thường xuyên tổ chức sinh hoạt với các nội dung tuyên truyền đa dạng, phong phú, trong đó chủ yếu là tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, ma túy. Bên cạnh đó, đội vận động các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn nhận người cai nghiện thành công vào làm việc và hỗ trợ thanh niên sau cai học nghề, tư vấn tìm hiểu việc làm, vay vốn phát triển kinh tế... Cho đến nay, đội đã cảm hóa được một đối tượng nghiện ma túy trong xã đã cai nghiện thành công, mở cửa hàng sửa chữa xe đạp, xe máy để ổn định cuộc sống, đội còn vận động sự ủng hộ của các đoàn thể, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn xã mua tặng anh một bộ đồ nghề rửa xe, giúp anh hòa nhập cộng đồng. Từ mô hình hoạt động hiệu quả của Đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin” xã Yên Bằng, Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo nhân rộng mô hình này đến 100% đoàn các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Tuổi trẻ Thành phố Nam Định ra quân hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống ma túy năm 2014.
Tuổi trẻ Thành phố Nam Định ra quân hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống ma túy năm 2014.

Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp cận, giúp đỡ thanh niên chậm tiến; thời gian qua, các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội trong tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh, thiếu niên, tích cực vận động, thu hút thanh niên vào tổ chức Đoàn, Hội. Đồng thời tổ chức Đoàn, Hội cũng thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp trong công tác tuyên truyền, qua đó nâng cao ý thức tự giác và trách nhiệm của ĐVTN trong công tác đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm và tệ nạn xã hội... Theo đó, 100% cơ sở Đoàn, Hội trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng công an khảo sát, phân loại thanh, thiếu niên chậm tiến tại mỗi địa phương. Trên cơ sở đó, mỗi năm, tại các cơ sở Đoàn lựa chọn từ 1-2 thanh niên chậm tiến để giúp đỡ trở nên tiến bộ. Đặc biệt, thực hiện Nghị định 80/CP của Chính phủ về tái hòa nhập cộng đồng, Tỉnh Đoàn đã tích cực phối hợp Công an tỉnh chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, giúp đỡ người đã chấp hành xong án phạt tù để tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, các tổ chức Đoàn đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp cùng các tổ chức chính trị xã hội khác triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù độ tuổi thanh niên. Qua đó, đối tượng thanh niên lầm lỗi tìm thêm được một chỗ dựa, có động lực cải tạo và nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng.

Bên cạnh đó, các tổ chức Đoàn còn phối hợp khảo sát, nắm danh sách những đối tượng thanh, thiếu niên có cha mẹ, người thân phạm tội, mắc các tệ nạn xã hội; lập danh sách những đối tượng thanh niên có nguy cơ cao để kết hợp với gia đình có biện pháp giúp đỡ, giáo dục và quản lý. Ban thường vụ Tỉnh Đoàn đã phối hợp với Hội LHTN Việt Nam tỉnh và Trại tạm giam (Công an tỉnh) tổ chức ký kết về việc giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp họ tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2013-2015. Thực hiện chương trình ký kết, Đoàn Thanh niên tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục, giúp đỡ phạm nhân trong độ tuổi thanh niên như: tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề nhằm giáo dục kỹ năng sống, ứng xử trong gia đình, xã hội; trao tặng quà cho các phạm nhân trong độ tuổi thanh niên. Theo đó, từ đầu năm 2014 đến nay, tổ chức Đoàn đã trao tặng quà cho 80 phạm nhân trong độ tuổi thanh niên tham gia cải tạo tốt.

Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các đội hình thanh niên tình nguyện, đội thanh niên xung kích an ninh, thanh niên cờ đỏ…, tổ chức Đoàn các cấp đã tạo ra lực lượng nòng cốt tham gia công tác quản lý, giúp đỡ, cảm hóa, tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng trong nhóm nguy cơ cao, các trường hợp thanh, thiếu niên có biểu hiện mắc các tệ nạn xã hội, từ đó kết hợp với gia đình có biện pháp giáo dục kịp thời. Hiện, toàn tỉnh có 112 đội thanh niên xung kích an ninh và 872 đội thiếu niên tự quản, đội sao đỏ của khối các trường THCS. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn còn phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể vận động các doanh nghiệp tổ chức hướng dẫn, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho hàng trăm trường hợp thanh, thiếu niên đã từng phạm tội tham gia cải tạo tốt, trở về địa phương, tạo điều kiện cho họ hoàn lương, phát triển kinh tế gia đình. Tổ chức Đoàn các cấp còn thường xuyên đến tận nhà động viên họ tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, Đội và tổ chức một số hoạt động dành riêng cho họ để họ cảm nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của xã hội; từ đó, trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong các hoạt động tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội.

Thời gian tới, để việc tiếp cận, hỗ trợ, cảm hóa thanh niên chậm tiến được tổ chức hiệu quả hơn, tổ chức Đoàn các cấp tiếp tục tham gia các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho đối tượng thanh niên chấp hành xong án phạt; sử dụng các phương thức tiếp cận, giúp đỡ từng đối tượng phù hợp. Những đối tượng nào phạm tội ít nghiêm trọng hơn, dễ tiếp cận hơn thì tập trung tiếp cận, giáo dục, cảm hóa trước. Từ đó, lấy chính những đối tượng này để cảm hóa các đối tượng còn lại./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com