Cần có giải pháp tích cực nhân rộng mô hình tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

09:11, 28/11/2014

Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (TBKT) trong sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, hướng tới nền sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, hiệu quả cao, cải thiện đời sống nông dân, góp phần tích cực xây dựng NTM. Tuy nhiên, hiện nay việc nhân rộng các mô hình TBKT còn gặp không ít khó khăn, nhiều mô hình đã khẳng định hiệu quả rõ rệt nhưng vẫn khó nhân rộng ở các địa phương.

Trong những năm qua, nhiều mô hình TBKT trong sản xuất nông nghiệp đã được tổ chức thực hiện thành công tại các địa phương, góp phần đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác và tận dụng thế mạnh của từng địa phương. Nhiều hộ gia đình tham gia các mô hình này đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Thông qua các mô hình, người nông dân có cơ hội tiếp cận kiến thức khoa học, TBKT, học hỏi chia sẻ cách làm hay, từng bước tạo ra những thay đổi trong đời sống kinh tế của gia đình, đồng thời góp phần tích cực vào việc thay đổi diện mạo ở nông thôn. Điển hình là mô hình gieo sạ hàng rộng - hàng hẹp được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN) tỉnh xây dựng tại Nam Trực và Giao Thủy cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt khi tăng được 4-5 triệu đồng/ha so với phương thức cấy truyền thống. Đến vụ xuân năm 2014 đã được mở rộng diện tích áp dụng phương thức này lên gần 16 nghìn ha, chiếm 20,8% tổng diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh. Cùng với gieo sạ hàng, Trung tâm KNKN tỉnh xây dựng mô hình cơ giới hóa khâu làm đất với máy làm đất cỡ trung và mô hình thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp đã làm tăng hiệu quả sản xuất, giải phóng sức lao động cho người nông dân. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100%; thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp gần 30%, tại nhiều địa phương đạt trên 70% tổng diện tích gieo cấy, góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa của tỉnh. Đặc biệt mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn (CĐML) bảo đảm thực hiện đúng theo phương thức “đồng trà, đồng giống, đồng phương thức canh tác” giúp cho nông dân giảm công lao động, giảm lượng thóc giống, giảm số lần phun thuốc BVTV, năng suất cao hơn 10-15% so với đại trà. Vụ mùa năm 2014 phương thức sản xuất này đã được các địa phương nhân rộng lên tới 133 CĐML với quy mô trên 6,2 nghìn ha. Ngoài ra, nhiều mô hình sản xuất con nuôi đặc sản, con nuôi mới như: nuôi cá lăng chấm, cá vược, cá hồng mỹ, cá bống bớp, cua biển… đã cho hiệu quả kinh tế cao, thu lãi hàng trăm triệu đồng/ha. Mô hình sản xuất muối trải bạt HDPE công nghệ cao cho thu lãi cao gấp đôi so với sản xuất đại trà, giúp diêm dân thực hành phương thức sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo đảm ATVSTP cho người tiêu dùng…

Mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Yên Dương (Ý Yên).
Mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Yên Dương (Ý Yên).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng TBKT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Các mô hình gieo sạ, thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở một số nơi chưa được thực hiện do vẫn tận dụng lực lượng lao động thủ công tại chỗ. Thậm chí mô hình sử dụng máy cấy hầu như không được các địa phương ứng dụng. Cùng điều kiện canh tác, đồng ruộng đã được quy hoạch nhưng nhiều địa phương vẫn chưa tổ chức sản xuất theo CĐML. Những năm qua, các đơn vị ngành NN và PTNT đã xây dựng nhiều mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại các vùng chuyên canh rau màu ở các xã Thành Lợi (Vụ Bản), Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Xuân Ninh (Xuân Trường), Yên Dương (Ý Yên)… nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, từ đó nhân rộng ra đại trà. Việc sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP luôn đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ, người trồng phải ghi chép chi tiết quá trình sản xuất từ khâu xử lý đất trồng, nguồn nước tưới tiêu, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thời gian cách ly với các hóa chất sử dụng (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) trước khi thu hoạch đến khâu thu hoạch sơ chế, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Trong bối cảnh vấn đề ATVSTP của sản phẩm nông sản đang đặt ra hết sức cấp bách hiện nay thì việc thực hành sản xuất an toàn theo VietGAP là một điều kiện quan trọng để bảo đảm ổn định về giá nông sản cũng như ổn định thu nhập từ việc sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Tuy nhiên, ở các vùng triển khai mô hình này khi kết thúc chương trình dự án, không còn nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước thì người nông dân lại quay về với phương thức sản xuất cũ. Mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh thái qua triển khai thực tế cho thấy rất phù hợp cho nuôi gà lông màu, nuôi lợn có trọng lượng nhỏ như lợn con, lợn thịt… đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới đời sống của người dân xung quanh, giảm công lao động vệ sinh chuồng trại, tiết kiệm điện, nước rửa chuồng hằng ngày, bảo đảm an toàn dịch bệnh…, là hướng chăn nuôi thích hợp trong giai đoạn hiện nay để bảo đảm cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, song đến nay vẫn chưa được nhân rộng.

Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân khó nhân rộng mô hình ứng dụng TBKT trong sản xuất nông nghiệp là chưa đồng thời xây dựng được thị trường tiêu thụ phù hợp, ổn định bởi giá sản phẩm cao, khó cạnh tranh khi bán đại trà ngoài thị trường với các sản phẩm cùng loại khác. Bên cạnh đó, trình độ thâm canh của nông dân chưa cao, tác phong lao động vẫn chậm thay đổi, khó đáp ứng các yêu cầu quy trình sản xuất nghiêm ngặt mang tính chuyên nghiệp. Thực trạng này dẫn đến việc khi có cán bộ kỹ thuật đôn đốc thì người sản xuất thực hiện nghiêm các quy trình, khi làm độc lập thì lại tùy tiện nên không đảm bảo điều kiện để xác nhận tính an toàn của sản phẩm nên không đưa được vào chuỗi tiêu thụ hiện đại. Ngoài ra, việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương khi xây dựng mô hình chưa hợp lý, đầu tư dàn trải, manh mún, thiếu định hướng về thị trường để phát triển với quy mô sản xuất hàng hóa ở một số địa phương cũng đang là những yếu tố gây khó khăn để nhân rộng. Công tác tập huấn, chuyển giao TBKT cho nông dân chưa đồng đều ở các địa phương và chưa rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến mô hình còn hạn chế từ tỉnh tới cơ sở. Nhiều cán bộ khuyến nông cơ sở chưa qua đào tạo, năng lực hạn chế nên khó thực hiện được vai trò cầu nối tích cực để phổ biến, nhân rộng các mô hình.

Để khắc phục các hạn chế này, thiết nghĩ một trong các giải pháp cần thực hiện khi bắt đầu xây dựng, triển khai các mô hình cần quan tâm vấn đề thị trường, đảm bảo mối liên kết “4 nhà” chặt chẽ. Cùng với việc đúc rút kinh nghiệm, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần phải có quy hoạch, lựa chọn phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa phương khi tổ chức xây dựng mô hình. Phân loại mô hình nhằm hỗ trợ sản xuất với mô hình ứng dụng TBKT hướng tới nhân rộng để có mức đầu tư phù hợp, dài hơi, bảo đảm đủ điều kiện cho mô hình “ăn sâu, bám rễ”, làm chuyển biến tập quán sản xuất, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, cào bằng, nặng về số lượng mô hình./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com