Kiểm soát chất phụ gia thực phẩm vẫn còn nan giải

04:10, 25/10/2014

Trong quá trình bảo quản cũng như sản xuất, chế biến thực phẩm, chất phụ gia giúp cho thực phẩm được bảo quản lâu hơn, có màu sắc bắt mắt, tránh ôi thiu. Tuy nhiên, việc lạm dụng các chất phụ gia thực phẩm cũng dẫn đến những tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Nếu dùng phụ gia không đảm bảo ATVSTP hoặc không đúng cách có thể gây ngộ độc cấp tính liều cao hoặc ngộ độc mãn tính kéo dài, là nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư. Tại tỉnh ta, theo thống kê của Chi cục ATVSTP tỉnh, riêng trong Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2014, trong tổng số 484 mẫu thực phẩm được kiểm nghiệm, có tới 48 mẫu không đạt, chiếm tỷ lệ 9,9% tổng số mẫu được kiểm nghiệm. Các chỉ tiêu không đạt chủ yếu là giò, chả có hàn the. Quá trình thanh tra, kiểm tra trong Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2014, đã phát hiện gần 30% số cơ sở được thanh tra, kiểm tra có vi phạm. Các lỗi vi phạm chủ yếu là bánh hết hạn sử dụng, mì chính không rõ nguồn gốc, bánh phở có chứa phoóc-môn, giò có chứa hàn the, ô mai, nước cam, nước mắm, phụ gia không rõ nguồn gốc…

Mua bán đồ khô và các mặt hàng phụ gia thực phẩm tại chợ Mỹ Tho (TP Nam Định).
Mua bán đồ khô và các mặt hàng phụ gia thực phẩm tại chợ Mỹ Tho (TP Nam Định).

Dạo một vòng qua các chợ lớn của Thành phố Nam Định, có thể dễ dàng nhận thấy phụ gia thực phẩm được bày bán rất nhiều và khá phong phú về chủng loại; từ các chất bảo quản cho đến hương liệu, phẩm màu hay đường hóa học sử dụng trong chế biến thực phẩm. Tuy nhiên bên cạnh các mặt hàng phụ gia thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhiều cửa hàng, ki ốt bày bán tràn lan phụ gia thực phẩm với đầy đủ loại, từ nhóm hương liệu sử dụng trong pha chế các loại nước giải khát, chè, hoa quả, đến nhóm phụ gia tẩm, ướp thịt, cá… nhưng nhiều phụ gia có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Tại chợ Mỹ Tho, chợ đầu mối tiêu thụ lớn nhất các mặt hàng liên quan đến thực phẩm, có tới 50 hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm trong tổng số 317 hộ kinh doanh tại chợ. Các cơ sở này chuyên bán lẻ mặt hàng phụ gia cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm, phục vụ ăn uống trên địa bàn toàn tỉnh. Tại chợ Phụ Long có 8 hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm trong tổng số 161 hộ. Nhiều mặt hàng phụ gia thực phẩm tưởng chừng khó kiếm nhưng tại các chợ này được mua bán rất đơn giản, chẳng hạn như đường hóa học, hàn the…; khách hàng nào có nhu cầu sử dụng cũng có thể mua được các loại phụ gia này. Để tránh sự kiểm tra, nhắc nhở của các cơ quan chức năng, khi bán các loại phụ gia, đặc biệt là các phụ gia nằm trong danh sách cấm sử dụng, hoặc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, các chủ cơ sở kinh doanh thường cất giấu, để lẫn với các mặt hàng khác, khó phát hiện, nhưng khi khách cần thì vẫn có. Qua các đợt thanh tra, kiểm tra, giám sát và xét nghiệm thực phẩm của các ngành tham gia quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh cũng đã phát hiện tình trạng sử dụng phụ gia thực phẩm, hóa chất ngoài danh mục cho phép trong sản xuất thực phẩm như: sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất giò chả, bún bánh, hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong rau, củ, quả. Tuy nhiên việc kiểm tra, kiểm soát và áp dụng các chế tài xử phạt của cơ quan chức năng vẫn gặp khó khăn do phụ gia thực phẩm chủ yếu được tiêu thụ lẻ tại các chợ. Trong khi đó, Chi cục ATVSTP chưa thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra phụ gia thực phẩm tại các chợ mà chỉ kết hợp kiểm tra vào các dịp: Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì chất lượng VSATTP, Tết Trung thu… Qua kiểm tra, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã khẳng định việc kinh doanh phụ gia thực phẩm vẫn còn một số tồn tại như: nhiều sản phẩm phụ gia thực phẩm còn vi phạm về nhãn hàng hóa (không niêm yết ngày sản xuất, hạn sử dụng, nơi sản xuất…), sản phẩm được chiết rót ra để bán lẻ thường không có nhãn mác, kinh doanh hóa chất chung với phụ gia thực phẩm, điều kiện bảo quản không đảm bảo, không công bố chất lượng sản phẩm… Bên cạnh đó, do quy định quản lý còn chồng chéo dẫn đến khó phân định mặt hàng nào do ngành nào quản lý. Ví dụ như mặt hàng bánh kẹo do ngành Công thương quản lý, nhưng các chất phụ gia thực phẩm có trong bánh kẹo lại do ngành Y tế quản lý… Do vậy, để quản lý chặt chẽ việc sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm thì cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành.

Để người tiêu dùng sử dụng chất phụ gia thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn thực phẩm và các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về VSATTP; công bố danh mục các chất phụ gia được sử dụng theo quy định của Bộ Y tế…; đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân về chất phụ gia thực phẩm đảm bảo an toàn. Hiện nay Bộ Y tế đã công bố 23 nhóm phụ gia thực phẩm với hơn 400 chất có trong danh mục được phép sử dụng trong thực phẩm, đi kèm với hướng dẫn về liều lượng và loại thực phẩm phù hợp; các trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng. Đây sẽ là những chế tài nhằm hạn chế việc sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com