Đẩy mạnh mô hình liên kết giữa các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp

08:10, 20/10/2014

Nhằm hướng tới các HTX dịch vụ đa ngành nghề, những năm qua, một số HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) trong tỉnh đã hình thành mối liên kết để hỗ trợ nhau cùng phát triển, mở rộng các hoạt động dịch vụ. Ngoài việc liên kết với các doanh nghiệp, các HTX trong cùng một huyện hoặc theo vùng trong huyện cũng xây dựng mối liên kết, liên doanh với mục tiêu “chung mua, chung bán”.

Những HTX điển hình trong lĩnh vực này là CLB các HTXDVNN cụm Hoành Thu (Giao Thủy) gồm: HTX Hồng Phong (xã Giao Phong), các HTX Hùng Tiến, Quyết Tiến, Quyết Thắng (xã Giao Tiến), các HTX xã Giao Tân, Giao Yến và Hoành Sơn. Các HTX này đảm nhận cung ứng các dịch vụ sản xuất cả ở đầu vào và đầu ra cho hộ xã viên như cung cấp vật tư, phân bón, nguyên liệu thức ăn gia súc, bảo vệ thực vật và tiêm phòng cho gia súc, gia cầm và cung cấp nước sạch ở nông thôn. HTX cũng là cầu nối giữa doanh nghiệp với nông hộ, đại diện cho hộ nông dân ký hợp đồng cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản; bảo vệ quyền lợi cho xã viên. Nhiều HTX hiện nay doanh thu đạt đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhờ có HTX mà kinh tế hộ xã viên không ngừng phát triển, đời sống của nông dân ngày càng nâng cao.

Cán bộ HTXDVNN xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) kiểm tra chất lượng giống lúa CXT30 mới đưa vào cấy khảo nghiệm.
Cán bộ HTXDVNN xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) kiểm tra chất lượng giống lúa CXT30 mới đưa vào cấy khảo nghiệm.

Ở CLB các HTXDVNN huyện Mỹ Lộc, bên cạnh việc liên kết để thực hiện các khâu dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản xuất như tưới tiêu, cung ứng giống, vật tư phân bón, tổ chức dịch vụ làm đất, thu hoạch và chuyển giao khoa học kỹ thuật, dịch vụ bảo vệ thực vật tập trung. Nhiều HTX còn đảm nhận việc thu gom và xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Trong phong trào thi đua xây dựng NTM hiện nay, vai trò và sự đóng góp của các mô hình liên kết HTXDVNN có ý nghĩa quan trọng. Những điển hình cho loại hình tổ chức sản xuất của các HTXDVNN miền hạ huyện Nghĩa Hưng như HTX Nghĩa Hồng, Nghĩa Bình, Nghĩa Thắng, Nghĩa Phong, Nghĩa Lợi… Với sự năng động, tư duy mới của đội ngũ cán bộ quản lý HTX, các hoạt động của các HTX tập trung vào dịch vụ thủy lợi, tưới tiêu nước, bảo vệ đồng ruộng, khuyến nông, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, làm đất, cung ứng vật tư nông nghiệp. Hằng năm, các HTX bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương để tổ chức thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả. Các HTX tổ chức các đợt hội thảo đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiến hành cấy khảo nghiệm các giống lúa có năng suất cao, chất lượng gạo ngon, thời gian sinh trưởng ngắn để có quỹ thời gian sản xuất cây trồng vụ đông như giống lúa Bắc thơm số 7, Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, TH3-3, TBR45, BC15, CXT30. Bên cạnh đó, các HTX miền hạ huyện Nghĩa Hưng tổ chức hội nghị đầu bờ, đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm để đưa vào những vụ sản xuất tiếp theo. Việc liên doanh, liên kết, hợp tác giữa các HTX được đẩy mạnh thông qua việc hình thành “CLB HTX mạnh toàn tỉnh”, CLB HTX huyện Mỹ Lộc, CLB HTX nông nghiệp cụm Hoành Thu (Giao Thủy)… với mục đích “chung mua, chung bán” tiến tới “mua chung, bán riêng” cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản, doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp nhằm đẩy mạnh các dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, góp phần tăng sức cạnh tranh, tăng cường quan hệ nông nghiệp - nông dân - nông thôn và ngày càng khẳng định vai trò kinh tế - xã hội thiết thực của khối kinh tế HTX.

Bên cạnh một số mô hình liên kết HTXDVNN đã phát huy hiệu quả thiết thực ở một số địa phương thì tại nhiều địa phương, HTX quy mô nhỏ không đủ khả năng làm dịch vụ cho thành viên. Hiện tượng cả làng là thành viên của HTX đang phổ biến ở nhiều làng quê trong tỉnh. Để nâng cao hiệu quả sản xuất và hoạt động của HTX, cần có những giải pháp đồng bộ trong việc thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp, thông qua đó, góp phần thúc đẩy hoạt động của HTX. Cụ thể, cần đẩy mạnh liên kết đa chiều thông qua liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển trình độ nông dân về mọi mặt. Cùng với đó, cần khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, đặc biệt giữa người nông dân và doanh nghiệp, HTX trong sản xuất, dịch vụ với quy mô phù hợp. Từng bước hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ.

Có thể thấy, liên kết trong sản xuất nông nghiệp có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế và rất cần thiết trong thời điểm hiện nay. Để phát huy những lợi thế trong liên kết sản xuất nông nghiệp, theo đồng chí Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, trong thời gian tới cần đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất phát triển và tăng cường liên kết phải xuất phát từ quan điểm phát triển chuỗi nông sản, nhất là chuỗi giá trị nông sản. Cần phải thống nhất và chú ý đồng bộ tất cả các khâu từ sản xuất đến người tiêu dùng; đặc biệt, hình thức liên kết giữa các doanh nghiệp, Cty với HTX, hộ nông dân để tập trung phát triển vùng sản xuất hàng hóa. Vì vậy, việc khuyến khích các doanh nghiệp, Cty hợp tác, liên kết với các HTX để phát triển các sản phẩm đặc sản hoặc đặc thù. Ngoài ra, cần mở rộng phát triển và mở rộng các chợ nông thôn hiện có để tăng cường các liên kết không theo hợp đồng. Các HTXDVNN cũng cần phát huy hiệu quả trong việc tổ chức cung ứng các dịch vụ, chủ động xây dựng kế hoạch, bám sát định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để tổ chức các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã viên. Thường xuyên cập nhật các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX; tranh thủ sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển kinh tế tập thể. Liên minh HTX tỉnh cần tập trung hỗ trợ các HTX trong việc bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực, trình độ quản lý cho đội ngũ cán bộ HTX; tổ chức các hoạt động nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về tổ chức hoạt động của Liên minh HTX và HTX cho các thành viên; hỗ trợ thành viên về vốn; tổ chức cho các HTXDVNN giao lưu, tiếp cận với các doanh nghiệp đầu mối phân phối vật tư nông nghiệp và thu mua, chế biến nông sản xuất khẩu, hướng tới hoạt động “chung mua - chung bán”, “mua chung - bán riêng” trong dịch vụ vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com