Tập trung các biện pháp chống vận chuyển, lưu thông hàng giả, hàng kém chất lượng

09:12, 23/12/2013

Những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng tăng nên lưu lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường tăng cao... Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng kinh doanh thiếu lành mạnh, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng cấm làm phức tạp thị trường. Thủ đoạn gian lận của các đối tượng ngày càng tinh vi như: trà trộn hàng giả cùng với nhiều mặt hàng khác hay xé lẻ hoặc khoán cung đoạn vận chuyển hàng hóa, vận chuyển vào ban đêm và chỉ giao hàng vào thời điểm giao ca của các lực lượng chức năng, quay vòng hóa đơn; ghi tên chung chung trên hóa đơn để tránh kiểm soát và ghi giảm giá trị hàng hóa trong hóa đơn xuống nhiều lần so với giá trị thật. Hàng giả, hàng nhái không chỉ được bán công khai ở các cửa hàng, các chợ, mà còn len lỏi vào các siêu thị lớn, những cửa hàng treo biển chuyên doanh "hàng hiệu". Hành vi gian lận thương mại này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp.

Lực lượng QLTT và đại diện nhà sản xuất Unilever hướng dẫn các tư thương trên địa bàn huyện Giao Thủy phân biệt hàng giả, hàng nhái đối với mặt hàng bột giặt Omo.
Lực lượng QLTT và đại diện nhà sản xuất Unilever hướng dẫn các tư thương trên địa bàn huyện Giao Thủy phân biệt hàng giả, hàng nhái đối với mặt hàng bột giặt Omo.

Trước thực trạng này, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu và gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 127) đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại dịp cuối năm 2013 và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Trong đó, đặc biệt chú ý đến những mặt hàng thiết yếu và tiêu thụ mạnh trong thời điểm cuối năm như: rượu ngoại, bánh mứt kẹo, thực phẩm các loại, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mũ bảo hiểm, quần áo, đồ gia dụng. Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh phối hợp với Hiệp hội chống hàng giả (Cục QLTT), các nhà sản xuất trong nước có các sản phẩm hay bị làm giả tổ chức hội thảo, tập huấn nâng cao kỹ năng chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, cách phát hiện, phân biệt hàng giả, hàng thật cho lực lượng chức năng trên địa bàn; xác định những mặt hàng hay bị làm giả lưu thông trên thị trường và thủ đoạn tiêu thụ hàng giả trên địa bàn để xây dựng phương án, biện pháp đấu tranh phù hợp. Ngoài việc kiểm soát các mặt hàng thiết yếu, các huyện phía nam tỉnh tập trung kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng tiêu dùng như mỳ chính, bột giặt, đồ uống và các loại nước chấm...; các huyện Nam Trực, Trực Ninh tập trung kiểm soát các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; các huyện phía bắc tỉnh tập trung vào các mặt hàng công nghệ phẩm và văn hóa phẩm. Các ngành chức năng và các địa phương phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh, thương mại; các loại hàng hóa bị làm giả đang lưu thông trên địa bàn và những dấu hiệu nhận biết hàng giả, hàng nhái để các tiểu thương và người tiêu dùng biết phân biệt hàng giả, hàng nhái; tổ chức trưng bày mẫu hàng giả - hàng thật tại các chợ, hội chợ, trung tâm thương mại, giúp người tiêu dùng nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa không mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Cùng với việc vận động nhân dân và tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết, tích cực tham gia đấu tranh với các hành vi vận chuyển, buôn bán, lưu thông hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ..., các ngành chức năng tăng cường tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp bảo vệ hàng hóa trước nạn làm giả, làm nhái; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa theo quy trình khép kín thông qua hệ thống đại lý chính hãng, đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng và cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin nhằm phân biệt hàng thật của doanh nghiệp với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tích cực tuần tra, kiểm soát, mở các đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, triệt phá các đường dây, ổ nhóm hoạt động vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ hàng cấm, hàng giả. Các lực lượng thực thi pháp luật phối hợp chặt chẽ trong việc điều tra, xác minh, đưa các vụ vi phạm ra truy tố, xét xử nhằm ngăn chặn vi phạm trong lĩnh vực này để bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng. Sau một thời gian tăng cường các biện pháp đấu tranh, hiện tượng lưu thông hàng giả, hàng nhái tại tỉnh đã giảm hẳn. Trên địa bàn tỉnh không hình thành các tụ điểm, đường dây, ổ nhóm tàng trữ, tiêu thụ hàng giả. Lực lượng QLTT tỉnh đã tiến hành 230 lượt kiểm tra, qua đó phát hiện và xử lý 7 vụ vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, phạt hành chính 5,3 triệu đồng và thu giữ hàng hóa trị giá 71,7 triệu đồng. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là thực phẩm, hàng công nghệ phẩm, mỹ phẩm và các loại quần áo, chăn ga, gối, đệm do Trung Quốc sản xuất; trong đó, có 12,3kg mì chính giả nhãn hiệu Ajinomoto; 23 chiếc chăn, gối, đệm giả nhãn hiệu Everon và 1 tấn hóa chất…

Mặc dù tình trạng vi phạm trong vận chuyển, lưu thông hàng giả, hàng nhái đã tạm thời lắng xuống, nhưng để duy trì thị trường ổn định trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, các ngành chức năng cần thường xuyên đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, nhất là ở các khu vực, địa bàn trọng điểm, khu vực ven biển, trung tâm thương mại và nơi tập kết hàng hóa nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Tăng cường trang thiết bị phục vụ công tác xác định hàng giả, hàng nhái lưu thông trên thị trường. Đặc biệt trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng rất cần có sự vào cuộc, hợp tác của cả cộng đồng, người tiêu dùng tham gia phát hiện, tố giác, kiên quyết “tẩy chay” sử dụng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com