“Phổ cập” danh hiệu học sinh giỏi bậc tiểu học: Thực trạng và vấn đề cần quan tâm

09:07, 21/07/2012

Từ năm học 2009-2010 đến nay, ở các trường tiểu học trong tỉnh đều có tỷ lệ học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi (HSG) tăng nhiều so với các năm học trước. Trong khi các em vui vì đạt được thành tích cao thì có không ít bậc phụ huynh tỏ ra băn khoăn, bởi không biết danh hiệu HSG có phản ánh đúng năng lực học tập của con em mình hay chưa?!

Chị Thu có con học lớp 2 trường tiểu học T (TP Nam Định) cho biết: Lớp con tôi có 35 học sinh thì có tới 32 cháu đạt danh hiệu HSG, còn lại là học sinh tiên tiến. Quả thật ngay với con tôi, khi được xếp loại HSG tôi không cảm thấy vui, bởi tôi biết năng lực học tập của con mình. Ngoài chữ viết không được đẹp, cháu làm toán chậm vì trong năm học cháu phải nghỉ đi nằm viện mấy lần. Tôi tính hè này sẽ dành nhiều thời gian hơn để kèm cặp thêm cho cháu nhưng mỗi lần nhắc con học bài, cháu lại vin vào “con là HSG rồi mà” khiến tôi rất khó để giảng giải cho cháu hiểu. Lứa tuổi của các cháu chưa tự ý thức được về bản thân mình nên thấy điểm giỏi là các cháu nghĩ mình giỏi. Theo đánh giá của tôi, cháu chỉ đạt loại trung bình khá, nhưng cứ theo cách đánh giá “dễ dãi” của nhà trường sẽ tạo cho các cháu tâm lý chủ quan và thiếu động lực để phấn đấu trong học tập.

Ảnh minh họa/Internet.
Ảnh minh họa/Internet.

Theo các giáo viên dạy tiểu học, việc có nhiều học sinh đạt danh hiệu HSG trong những năm gần đây là do cách đánh giá xếp loại học sinh cuối năm hiện nay chỉ dựa vào kết quả bài kiểm tra cuối năm của một số môn là nguyên nhân khiến tỷ lệ HSG tăng đột biến. Một số giáo viên cho rằng, bài kiểm tra cuối năm dành cho học sinh đại trà nên ở nhiều trường, đề kiểm tra ít có câu hỏi mang tính phân loại nên học sinh dễ dàng đạt điểm giỏi. Vì vậy, tổng kết cuối năm ở một số trường, có lớp có tới 98-100% học sinh đạt danh hiệu HSG. Theo Thông tư 32/2009/TT-BGDĐT ngày 27-10-2009 của Bộ GD và ĐT quy định về việc đánh giá và xếp loại HSG thì có 5 nội dung đánh giá về hạnh kiểm theo kết quả rèn luyện đạo đức và kỹ năng sống. Về đánh giá và xếp loại học lực, giáo viên phải thực hiện đánh giá thường xuyên và định kỳ. Đánh giá thường xuyên (thông qua kiểm tra miệng, kiểm tra viết, quan sát học sinh qua hoạt động học tập, thực hành vận dụng kiến thức…) được thực hiện ở tất cả các tiết học theo quy định của chương trình. Điểm nổi bật nhất của quy định mới này là điểm học lực môn của học sinh tiểu học, chỉ được tính bằng điểm kiểm tra định kỳ cuối năm duy nhất, chứ không tính điểm bình quân của cả 2 học kỳ như trước đây. Quy định cũng chỉ rõ, học sinh tiểu học có điểm kiểm tra định kỳ bất thường so với kết quả học tập hằng ngày, hoặc không đủ số điểm kiểm tra định kỳ, đều được kiểm tra bổ sung. Ở bậc tiểu học, học sinh có 4 lần kiểm tra định kỳ là: Giữa học kỳ 1, cuối học kỳ 1, giữa học kỳ 2 và cuối học kỳ 2 (cuối năm). Điểm dùng để xét lên lớp là lần kiểm tra cuối học kỳ 2. Việc khen thưởng học sinh cuối năm cũng căn cứ vào điểm kiểm tra học kỳ 2 mà không lấy trung bình cộng của học kỳ 1 và học kỳ 2 như trước đây. Vì vậy, nhiều học sinh có học lực trung bình và điểm kiểm tra ở các kỳ đều không cao, nhưng vì điểm kiểm tra cuối học kỳ 2 của em lại đạt loại giỏi nên nhà trường đã lấy điểm kiểm tra cuối học kỳ 2 của em đó để xét lên lớp và dùng để khen thưởng. Thiết nghĩ, việc đánh giá với học sinh tiểu học lấy động viên, khuyến khích sự tiến bộ của các em là chính và không gây áp lực cho cả giáo viên và học sinh, đảm bảo lợi ích chính đáng của học sinh nhưng với cách tính như hiện nay sẽ tạo điều kiện cho học sinh “giỏi đại trà” nhiều hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh giá kết quả học tập của học sinh phải là cả một quá trình. Nếu chỉ dựa vào một kỳ thi cuối cùng sẽ không đánh giá được toàn diện sức học của học sinh. Cách đánh giá, xếp loại học sinh như thế sẽ gây ra tình trạng cả học sinh lẫn phụ huynh chủ quan lơ là việc học trong năm, chỉ dồn sức vào kỳ kiểm tra cuối học kỳ hai, dẫn đến tình trạng “phổ cập” danh hiệu HSG ở một số trường tiểu học hiện nay. Vấn đề đặt ra là, ban giám hiệu các nhà trường có thấy được sự bất cập này để điều chỉnh cho hợp lý hay chỉ vì “bệnh thành tích”, vì danh tiếng của trường mà tiếp tục để học sinh “giỏi đại trà” như hiện nay. Để đánh giá thực chất kết quả học tập, rèn luyện của học sinh là không khó nếu bài kiểm tra cuối năm có tính chất phân loại được học sinh để từ đó đánh giá, khen thưởng hợp lý, công bằng. Một giáo viên Trường Tiểu học Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) tâm sự: “Dù biết hiện nay, ở nhiều trường có số lượng học sinh đạt danh hiệu HSG cao “bất thường”, nhưng riêng với trường chúng tôi, việc học thật, kiểm tra thật, đánh giá thật vẫn được đặt lên hàng đầu. Trong các bài kiểm tra cuối năm ở các khối lớp, ban giám hiệu đều chỉ đạo sát sao để làm sao bài kiểm tra có thể phân loại, đánh giá đúng chất lượng học tập của học sinh. Vì vậy, năm học 2011-2012, Trường Tiểu học Mỹ Thắng vẫn duy trì tỷ lệ học sinh giỏi ở mức 35%”. Đó cũng là mong muốn của nhiều phụ huynh để từ đó đánh giá đúng được kết quả học tập của con em mình, để các em có ý thức trong việc phấn đấu học tập và rèn luyện./.

Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com