Loay hoay gửi con ngày hè

08:07, 20/07/2012

Mặc dù cháu Nam nghỉ hè đã hơn một tháng nhưng cuộc sống gia đình chị Vân (TP Nam Định) vẫn chưa ổn định bởi không có người trông con. Vợ chồng chị là công nhân Cty CP May Sông Hồng, thời gian làm việc rất chặt chẽ, ông bà nội, ngoại đều ở quê nên Nam phải ở nhà một mình khi bố mẹ đi làm. Mới học lớp 2, nhưng buổi trưa Nam phải ăn cơm một mình. Cơm mẹ nấu từ sáng, có khi Nam mải xem ti vi rồi ngủ, quên cả ăn. Nhiều hôm đi làm về, chị Vân nhìn nồi cơm vẫn còn nguyên mà ứa nước mắt thương con! Tuy nhiên, điều chị lo nhất là lỡ bé Nam nghịch trò gì nguy hiểm mà không có ai can thiệp kịp thời hoặc cháu có thể rơi vào trạng thái trầm cảm bởi cả ngày chỉ quẩn quanh trong căn nhà hơn 20m2… Còn chị Thanh là nhân viên của một Cty bảo hiểm, công việc phải đi suốt ngày, chồng là bộ đội đóng quân ở xa nên khi hai đứa con sắp đến dịp nghỉ hè, chị lại phải tất tả đi tìm chỗ gửi con. Đứa con lớn 9 tuổi chị đăng ký cho con đi học thêm tại nhà cô giáo và đi học năng khiếu tại nhà văn hóa thiếu nhi kín cả tuần. Mỗi khi có việc đột xuất không về kịp đón con, chị phải điện thoại, khi thì nhờ đồng nghiệp, khi thì nhờ hàng xóm đón hộ. Còn đứa bé năm nay học lớp 1, chẳng còn cách nào khác, chị đành xin cho cháu vào “học ké” cùng các em nhỏ ở lớp mẫu giáo tư thục gần nhà.

Lớp học Aerobic tại Nhà Văn hoá Thiếu nhi Thành phố Nam Định.
Lớp học Aerobic tại Nhà Văn hoá Thiếu nhi Thành phố Nam Định.

Mỗi dịp nghỉ hè, nhiều gia đình để trẻ ở nhà một mình hoặc đứa lớn trông đứa bé. Liên tục trong ngày, bố mẹ phải gọi điện thoại để kiểm tra, nhắc nhở con chơi an toàn. Trẻ em ở nông thôn thì được đi chơi thoải mái hơn, nhưng lại canh cánh nỗi lo mất an toàn vì tai nạn đuối nước, tai nạn thương tích từ những trò chơi tự phát. Nhiều gia đình nhận thức được vấn đề này nhưng vì mải mê công việc đồng ruộng, hơn nữa lại không có chỗ gửi trẻ nên đành vậy. Tình trạng thiếu điểm vui chơi đúng quy cách cho trẻ em đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được cải thiện.

Cứ mỗi dịp hè đến, Nhà văn hóa thiếu nhi Thành phố Nam Định lại mở các lớp học năng khiếu thu hút học sinh đến học song cũng chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu của phụ huynh. Tham gia các lớp học năng khiếu vừa giúp các em thư giãn, giải trí sau một năm học căng thẳng và phát triển hài hòa, bố mẹ các cháu cũng yên tâm vì con được an toàn trong những tháng nghỉ hè. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện về kinh tế và khả năng đưa đón các em đi học. Còn nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đang phải nghỉ hè trong những điều kiện thiếu an toàn. Những năm qua, tình trạng học thêm, dạy thêm diễn ra tràn lan, một phần cũng do phụ huynh không có chỗ gửi con, lo con nghỉ học suốt 3 tháng hè dễ sa vào các trò chơi thiếu lành mạnh nên đã tìm cách đưa con đến các lớp học thêm. Nhiều em chưa được nghỉ hè ngày nào đã phải đến nhà cô giáo học thêm, có em phải học và ăn, ngủ tại nhà cô từ sáng đến chiều. Dẫu có thương con nhưng các bậc phụ huynh vẫn phải coi đây là chỗ gửi an toàn và thiết thực nhất. Chị Thu Hồng có con đang học lớp 3 chia sẻ: Vợ chồng chị đi làm từ sáng đến tối nên phải cho con đi học hè. Đến nhà cô, vừa học thêm được kiến thức, lại vừa có người trông nom. Dù rất muốn con được nghỉ ngơi sau cả một năm học hành vất vả, nhưng nhiều gia đình vẫn phải loay hoay tìm chỗ gửi con vào mỗi dịp hè, và chẳng còn cách nào khác, những lớp học thêm lại tiếp tục là "cứu cánh" cho rất nhiều gia đình. Chỉ các em nhỏ là chịu thiệt thòi mất đi những mùa hè thư giãn bổ ích trước khi bước vào năm học mới./.

Bài và ảnh: Thảo Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com