Nhìn lại sản xuất thủy sản năm 2011 (tiếp theo và hết)

07:04, 03/04/2012

(Tiếp theo và hết)

[links()]

III - Để thuỷ sản phát triển bền vững

Hàng chục năm nay, tỉnh ta đã quan tâm nhiều đến phát triển kinh tế thuỷ sản như xây dựng và đẩy mạnh chương trình đánh bắt xa bờ, xây dựng cảng cá, bến cá, bến neo đậu tàu thuyền; xây dựng các dự án đầu tư chuyển đổi các vùng làm muối, trồng cói, cấy lúa kém hiệu quả, các vùng đầm hồ ven sông... đưa vào nuôi trồng thuỷ sản theo hướng thâm canh; hỗ trợ các trung tâm, trại sản xuất giống... nên sản xuất thuỷ sản có bước phát triển mới với tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất hằng năm đều đạt 2 con số, thậm chí có năm đạt trên 20%. Song so với tiềm năng, tốc độ phát triển thuỷ sản vẫn chậm, chưa tạo ra đột phá và cũng chưa khẳng định được là một ngành kinh tế mũi nhọn. Nguyên nhân thuộc về cả trong khai thác, nuôi trồng và nhất là khâu bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch.

Hiện tại, trong khai thác thuỷ sản, tỉnh ta đang sở hữu một lượng tàu thuyền khá hùng hậu: 2.310 chiếc đang tổ chức đánh bắt. Tổng số tàu thuyền lớn song số tàu thuyền có công suất nhỏ dưới 20CV, đánh bắt gần bờ chiếm tới 73,5% (1.697 chiếc), thậm chí ở Giao Thuỷ số lượng tàu thuyền công suất dưới 20CV chiếm tới 81,5% (767/941 tàu thuyền). Các loại tàu thuyền công suất nhỏ này đánh bắt ven bờ không những làm cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản, làm ô nhiễm môi trường mà công tác bảo quản, phân loại không tốt, thậm chí không tổ chức bảo quản nên chất lượng sản phẩm sau đánh bắt thấp như ở Giao Thuỷ 50% sản lượng đánh bắt chỉ dùng để làm thức ăn chăn nuôi (!), không có cơ sở chế biến. Bài toán giảm các tàu công suất nhỏ, đóng mới, cải hoán phương tiện để tạo ra tàu công suất lớn đánh bắt dài ngày xa bờ vẫn là hướng chính trong khai thác hiện nay. Nhưng làm thế nào để đạt được mục đích này(?). Bài học của Hải Hậu cổ phần hoá trong đóng mới các tàu công suất lớn nên chăng được nhân rộng ra các địa phương có tổ chức khai thác hải sản. Bởi Chính phủ vẫn đang có chính sách hỗ trợ cho việc đóng mới, thay máy mới công suất trên 90CV và cả hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên trên tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ. Thậm chí Chính phủ còn hỗ trợ tiền dầu đi về khi các tàu đánh bắt, hoạt động tại một số vùng xa khơi theo quy định của Chính phủ. Cùng với tổ chức đóng mới, cải hoán tàu nâng công suất để ra khơi xa thì phương thức đánh bắt cũng phải cải tiến như dùng lưỡi rê hỗn hợp nhiều tầng, câu chụp mực... Đồng thời tổ chức các đoàn, đội tàu hợp tác cùng đánh bắt, hỗ trợ nhau cả trong đánh bắt, nguồn vốn, tiêu thụ sản phẩm cũng như xây dựng hệ thống cấp đông bảo quản và tàu hậu cần chuyên lo tiêu thụ và cung cấp lương thực, thực phẩm cho các đội, tổ tàu hoạt động dài ngày trên biển. Kèm theo dự báo ngư trường để các tàu, đội tàu đánh bắt hiệu quả hơn. Đấy là chưa kể xây dựng các bến cá, các khu neo đậu tàu thuyền kết hợp với dịch vụ nghề cá, khu bảo quản, chế biến... tương xứng, thuận tiện.

Chế biến cá xuất khẩu tại Cty TNHH Đại Đức (Hải Hậu).
Chế biến cá xuất khẩu tại Cty TNHH Đại Đức (Hải Hậu).

Nuôi trồng thuỷ sản những năm qua đã được UBND tỉnh, các cấp, các ngành quan tâm. Các vùng nuôi đã và đang hình thành, từng bước ổn định, bền vững. Đặc biệt, vùng nuôi mặn lợ nhiều địa phương đã khẳng định thế mạnh và xác định con nuôi chủ lực. Ở Giao Thuỷ con ngao nuôi vùng bãi triều với trên 15 nghìn ha đã xây dựng được thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường và tính cạnh tranh cao. Hội nuôi nhuyễn thể của Giao Thuỷ thực sự là một sáng kiến để xã hội hoá nghề, đồng thời cũng là một hình thức hợp tác mới đang được nhân rộng ra các vùng nuôi khác. Cùng với vùng nuôi ngao, vùng nuôi tôm thẻ chân trắng an toàn bền vững của Giao Phong (Giao Thuỷ) đang từng bước hình thành và cũng đang được xác định là một con nuôi chủ lực với phương thức nuôi theo hướng VietGAP. Hơn 60 hộ với trên 60ha nuôi của xã Giao Phong, hình thức hợp tác bước đầu mang tính cộng đồng khá vững chắc và hiệu quả cao, một vài năm gần đây hạn chế được dịch bệnh và tỷ lệ thất thoát thấp, tính bền vững đang được khẳng định. Nhưng theo đồng chí Trần Đại Nghĩa, Phó Phòng NN và PTNT huyện Giao Thuỷ thì: “Do hiệu quả kinh tế cao từ nuôi tôm thẻ chân trắng, một số hộ nông dân đang tự phát tổ chức nuôi loại tôm này nên nguy cơ “tiền mất tật mang” khó tránh khỏi nếu quản lý nhà nước cả của ngành và địa phương không vào cuộc...”. Bài học những năm trước khi con tôm sú “lên ngôi” các địa phương ồ ạt tổ chức, thậm chí không theo quy hoạch phát triển tự phát, kể cả có địa phương xây dựng dự án nuôi nhưng bỏ qua những cảnh báo của ngành nên nhiều hộ sạt nghiệp, nhiều vùng chuyển sang nuôi cá truyền thống cũng không xong và sự hoang hoá kéo liền đến sau và thua lỗ. Con tôm thẻ chân trắng hiện nay hiệu quả cao, cho thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng/ha/năm nhưng sẽ trắng tay nếu như một số hộ tự phát đào ao ngay trong vườn, ngay trên ruộng nhà mình để nuôi theo kiểu “nóng” ở một số vùng nuôi mặn lợ. Giao Thuỷ đã có kế sách ngoài áp dụng nuôi theo hướng VietGAP thì huyện đang xây dựng thành 2 vùng nuôi: Tây Giao Thuỷ (các xã Bạch Long, Giao Phong, Quất Lâm) và vùng nuôi Giao Thiện luân chuyển sau một vài vụ nuôi tôm thẻ chân trắng sẽ đổi nuôi một vài vụ đối tượng khác để cắt đứt các mầm bệnh cho tôm thẻ mà sản lượng và diện tích hằng năm ít thay đổi, giữ vững được vùng nguyên liệu tập trung. Quy hoạch và kế hoạch thì như vậy nhưng khó nhất là thuyết phục các hộ nuôi thế nào để họ tự giác thực hiện và không phải dùng đến biện pháp hành chính. Một thế mạnh nữa của Giao Thuỷ là vùng sản xuất giống hải sản đã được kiểm chứng, có thể sản xuất tốt tất cả các giống nuôi vùng mặn lợ không chỉ trong tỉnh, mà cả trong vùng duyên hải miền Bắc, các hộ đã cam kết cộng đồng trách nhiệm: lấy chất lượng con giống là tiêu chuẩn số 1, ngoài ra không được phá giá bán giống, hỗ trợ nhau cả về cung cấp giống bố mẹ khoẻ, sạch bệnh và giúp nhau tiêu thụ sản phẩm... thực sự là hướng đi đúng cần được phổ biến, nhân rộng. Ở Nghĩa Hưng, con cá bống bớp tuy chưa xây dựng được thương hiệu nhưng huyện cũng đã xác định đây là con nuôi chính vùng mặn lợ song xây dựng vùng nuôi bài bản, căn cơ vẫn là việc cần bàn. “Trời” phú cho Nghĩa Hưng thế mạnh riêng có này song chỉ đạo chưa tốt, chưa thuyết phục được hộ nuôi nên tạo ra vùng chuyên nuôi còn chắp vá, thậm chí trong vùng nuôi còn xen kẽ các đối tượng nuôi khác chưa khắc phục được. Theo các chuyên gia nuôi trồng thuỷ sản thì đây là tiềm ẩn của dịch bệnh(?). Vẫn biết con cá bống bớp là con nuôi bản địa nhưng không có nghĩa là vô bệnh tật, nhất là nuôi mật độ lớn, nuôi thâm canh trong điều kiện môi trường thời tiết không ổn định và dịch bệnh từ các loại con nuôi khác lây truyền. Nên chăng huyện và ngành NN và PTNT huyện cũng áp dụng luân canh theo vùng để cắt đứt mầm bệnh khi nó chưa kịp lan rộng, tốt nhất là nó chưa kịp xảy ra. Vẫn biết để tạo ra nếp nghĩ và sự đồng tình của các hộ nuôi là khó vì lợi nhuận nhưng những cảnh báo, những động thái sẽ không thừa và kết hợp giữa quản lý Nhà nước với ngành chủ quản chắc sẽ đến đích. Ngoài 210ha bãi triều, con ngao đang là một thế mạnh giống như ở Giao Thuỷ nhưng tính cộng đồng nuôi ngao của Nghĩa Hưng nghe ra vẫn còn lỏng lẻo. Huyện Giao Thuỷ đã xây dựng được thương hiệu “Ngao Giao Thuỷ” liệu Nghĩa Hưng có thương hiệu ngao không?

Nếu vùng nuôi mặn lợ đang hình thành vùng nuôi tập trung, có con nuôi chủ lực thì 9.520ha vùng nuôi nước ngọt vẫn con nuôi là cá truyền thống mà chưa có con nuôi chủ lực. Một số mô hình nuôi rô phi đơn tính đực, cá lóc bông, cá rô đồng… rất khó nhân rộng. Các mô hình con nuôi thuỷ đặc sản cũng chỉ là “đốm sáng”, cũng chỉ dừng ở mô hình bởi thị trường đầu ra. Theo đồng chí Trần Văn Khôi, trưởng Phòng Nuôi trồng thuỷ sản (Sở NN và PTNT) thì: “Tỉnh và các địa phương chưa xác định được con nuôi chủ lực vùng nuôi nước ngọt, mặc dù các huyện hầu hết đều có vùng chuyển đổi nuôi trồng tập trung…”. Các khu vực nuôi hiệu quả cao trong vùng nước ngọt như xã Hải Hoà, Hải Châu (Hải Hậu); Mỹ Thắng (Mỹ Lộc); Nam Vân (TP Nam Định) với cá rô phi đơn tính; nuôi cá lóc bông ở Nghĩa Bình, Nghĩa Châu, Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng)… cho hiệu quả kinh tế khá nhưng cũng tập trung ở một số hộ, còn lại chủ yếu vẫn là cá truyền thống, thậm chí chỉ thả chứ ít khi cho ăn, hay sử dụng chất thải của chăn nuôi cho nuôi cá rất không vệ sinh, ô nhiễm môi trường. Đã đến lúc ngành chủ quản cùng với các địa phương cùng bàn để phá thế độc canh cá truyền thống, nhất là tạo đầu ra cho loại sản phẩm này. Hiện tại, các loại sản phẩm: cua đồng, trạch, cá lăng chấm… hầu như chưa bao giờ đủ để cung cấp cho thị trường trong tỉnh chứ chưa nói đến thị trường ngoài tỉnh thì địa phương nào, vùng nào quyết tâm làm?

Một yếu kém nhất hiện nay nó có tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế thuỷ sản là khâu thu mua và chế biến sản phẩm thuỷ sản. Hiện tại, tỉnh ta là tỉnh có thế mạnh cả nuôi trồng và khai thác nhưng chưa có cơ sở chế biến lớn. Ngoài một vài cơ sở chế biến cá mai, cá đù… tiêu thụ nội địa và xuất uỷ thác, một số cơ sở làm mắm, mắm tôm… song tiêu thụ riêng cho khâu đánh bắt hải sản cũng chỉ là “muối bỏ bể”. Ví như mỗi năm huyện Giao Thuỷ đánh bắt trên dưới 11 nghìn tấn thì có tới 50% (5-6 nghìn tấn) là cá tạp chỉ dùng cho chăn nuôi mà không chế biến, bảo quản, hoặc theo ông Nguyễn Văn Xuyến, Chủ tịch Hiệp hội khai thác hải sản xã Hải Triều (Hải Hậu) thì: Khi đánh bắt được ít, bán được giá cao, nhưng khi “trúng” mùa thì giá như “bèo” thậm chí bán rẻ cũng ít người mua, nhất là loại cá tạp… Theo đánh giá của ngành chủ quản, riêng thức ăn nuôi tôm của tỉnh ta và một số thuỷ sản nuôi khác mỗi năm cũng cần 5-6 nghìn tấn thức ăn. Cộng với số thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh nữa thì vài chục nghìn tấn thức ăn công nghiệp mỗi năm cho các hộ nuôi vẫn còn là ít. Đặc biệt, do nhiều nguyên nhân mỗi năm thức ăn công nghiệp tăng giá cả chục lần làm cho người chăn nuôi ít lãi hoặc không có lãi. Song, hiện tại trên địa bàn tỉnh chỉ có một nhà máy sản xuất thức ăn công suất 150 tấn/năm nhưng cũng đã gần như không hoạt động trong năm 2011. Một số cơ sở chế biến bột cá nhạt mở ra nhưng hoạt động cầm chừng vì không tiêu thụ được hoặc xuất khẩu tiểu ngạch bị ép giá (?). Thành thử sản phẩm thuỷ sản khai thác, nuôi trồng được; các phụ phẩm trong trồng trọt, cây vụ đông không được tận dụng đưa vào làm thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản là rất lãng phí, làm cho chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản cũng như khai thác thuỷ sản chậm phát triển.

Đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi và chế biến là một vòng khép kín nếu ách tắc ở khâu nào là nguy cơ thiếu bền vững xảy ra, thậm chí làm cản trở sự phát triển. Đã đến lúc tỉnh ta, ngành NN và PTNT và các địa phương có giải pháp chủ động phát triển sản xuất đồng bộ trên cơ sở phát huy cao độ những tiềm năng sẵn có để tạo ra bước đột phá mới cả trong khai thác, nuôi trồng thuỷ sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm hiệu quả, bền vững./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com