Hàng Việt được người Việt tin dùng

08:04, 06/04/2012

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam dường như không còn chỉ đơn thuần là phong trào nữa mà đã thực sự đi vào đời sống. Giờ đây, việc lựa chọn và sử dụng hàng Việt đã dần trở thành thói quen của người tiêu dùng Việt.

Các địa phương đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn

Số liệu nghiên cứu mới nhất về xu hướng tiêu dùng của Cty Nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết, 90% người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã sử dụng hàng Việt; còn tại Hà Nội đã đạt 83%. Còn theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2011 đã tổ chức được 156 đợt bán hàng về nông thôn, thu hút 655.179 lượt người dân địa phương tới tham quan, mua sắm. Tổng doanh thu là 57 tỉ đồng. Có 35 Sở Công thương các tỉnh, thành phố tổ chức 32 đợt khuyến mại, thu hút 3.649 lượt doanh nghiệp tham gia với tổng giá trị khuyến mại là hơn 100 nghìn tỉ đồng...

Đặc biệt, các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn không những thu hút được số lượng lớn người dân địa phương đến mua sắm mà còn là điều kiện để các doanh nghiệp chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như mở rộng hệ thống phân phối của mình. Điều này không những giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, mở rộng được uy tín mà còn là những cơ hội để người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa tiếp cận hơn với hàng Việt Nam chất lượng cao. Ông Hứa Xuân Sinh, Tổng giám đốc Cty CP Thực phẩm Đức Việt đại diện cho nhiều doanh nghiệp nhận thấy, để một sản phẩm đồ hộp, đồ khô và thực phẩm đông lạnh Việt Nam đến được với người tiêu dùng ở những vùng nông thôn, thậm chí là những nơi hẻo lánh, bản thân các doanh nghiệp và nhà phân phối cần mở rộng, quan tâm hơn nữa đến hệ thống phân phối của mình; chịu khó đi sâu vào các huyện thị vùng sâu, vùng xa. Ông Sinh cho biết, người tiêu dùng ở các vùng nông thôn lắm khi không phân biệt được hàng thật hàng nhái; đâu là hàng Trung Quốc, đâu là hàng Việt Nam chất lượng cao.

Thực tế trong hơn hai năm qua, thực hiện chính sách đưa hàng Việt về nông thôn, bản thân các doanh nghiệp đã nỗ lực không ngừng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Việt. Nhiều doanh nghiệp đã tập trung đầu tư, đổi mới trang thiết bị, hệ thống phân phối, đại lý để cung cấp, phân phối sản phẩm, giảm bớt các khâu trung gian nhằm đưa hàng hoá trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may cho hay, tham gia cuộc vận động, bản thân doanh nghiệp đã luôn nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã, hình thức nhằm đáp ứng thị hiếu, sở thích người tiêu dùng Việt Nam. Cũng từ cuộc vận động, Tập đoàn đã phát triển, mở rộng hệ thống phân phối ở hầu hết các tỉnh, thành phố với hơn 3.100 đại lý, 58 siêu thị và hàng trăm cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

Chọn mua hàng tại Siêu thị BigC Nam Định.
Chọn mua hàng tại Siêu thị BigC Nam Định.

Ngoài chất lượng và giá cả, thì hiện nay phần lớn các doanh nghiệp cũng lựa chọn hình thức khuyến mãi, giảm giá để đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng. Đây được xem như là biện pháp hữu hiệu mà các doanh nghiệp đang áp dụng hiện nay.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là chủ trương đúng đắn của Bộ Chính trị nhằm khơi dậy động lực mới cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Song, hàng hóa sản xuất trong nước lâu nay vẫn phải chịu sức ép cạnh tranh, nhất là đang phải đối mặt với hàng giả, hàng nhái có xuất xứ nước ngoài nhập lậu vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, thậm chí những hàng kém chất lượng còn sử dụng thương hiệu sản phẩm uy tín trong nước để lưu hành... gây dư luận xấu, khiến người tiêu dùng lo ngại. Trước thực trạng đó, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Tô Hoài Nam nhận định: Để cuộc vận động phát huy hiệu quả hơn nữa, cơ quan chức năng cần phải kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu từ biên giới, chống độc quyền, nhất là với những sản phẩm nhập khẩu, hay nguyên liệu nhập khẩu.

Nâng cao chất lượng hệ thống phân phối bán lẻ

Cũng có thể nhận thấy rõ, các ngành, các cấp, đoàn thể ngày càng tích cực phối hợp với các doanh nghiệp tạo sự đồng thuận lớn trong toàn xã hội, đưa cuộc vận động ngày một chuyển biến mạnh mẽ hơn. Nhờ vậy, ý thức tiêu dùng, mua sắm hàng nội địa của người dân đã tăng lên, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam trên thị trường nội địa ngày càng được nâng cao. Đặc biệt với mức doanh số bán lẻ tăng trung bình 20%/năm là điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội, khẳng định thương hiệu. Con số thống kê mới nhất cho thấy, hiện tại hệ thống các siêu thị lớn, hàng nội địa đã chiếm 80-90%. Đây là thông tin đáng mừng.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận lại một vấn đề là hàng Việt chưa thâm nhập vào được hệ thống phân phối truyền thống, đặc biệt là các chợ nổi tiếng, nơi cung ứng hàng hóa cho cả vùng, thậm chí cả nước như chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Rồng (Nam Định), chợ Đông Ba (Huế), chợ Hàn (Đà Nẵng), chợ Bến Thành (TP. HCM)... Trong những chợ này dường như là "lãnh địa” của hàng Trung Quốc giá rẻ. Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho rằng, hệ thống bán lẻ năm 2011 có tiến bộ, nhưng cũng bộc lộ nhiều yếu kém, hệ thống này đang có nhiều tầng nấc, làm tăng chi phí lưu thông, là kẽ hở để hàng giả, hàng kém chất lượng đưa vào hệ thống kể cả các siêu thị, các chợ ở các đô thị lớn. Hàng tiêu dùng nước ngoài nhập vào bằng nhiều hình thức tràn vào các khu vực dân nghèo, chưa có hệ thống bán lẻ hoàn chỉnh, đặc biệt là khu vực nông thôn, khu vực biên giới. "Đây là điểm yếu của thị trường bán lẻ, các doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân Việt Nam trong những năm vừa qua”. Bởi vậy, theo các chuyên gia kinh tế, thời gian tới, các nhà làm quản lý rất cần phải xem xét lại vấn đề về hệ thống phân phối bán lẻ của ta nhằm đưa hàng Việt vào các khu chợ truyền thống nhiều hơn, đẩy lùi hàng nhập ngoại giá rẻ./.

Theo: daidoanket.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com