Phát triển giao thông nông thôn - Kết quả và những vấn đề đặt ra

08:10, 04/10/2010

Những năm qua, mạng lưới đường bộ trong tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tổng chiều dài hệ thống đường bộ của tỉnh là hơn 7800km; bao gồm 111km đường quốc lộ, 16 tuyến tỉnh lộ dài trên 390km, 79 tuyến đường huyện dài 354km; đường xã và liên xã 1858km, đường thôn xóm 5104km. Trong đó, quốc lộ và tỉnh lộ chạy qua địa bàn nông thôn chiếm đa số và có vai trò quan trọng trong hạ tầng cơ sở kỹ thuật nói chung, hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) nói riêng.

Huyện Nghĩa Hưng cải tạo, nâng cấp 13 km đường Dây Nhất - Chợ Gạo, từ xã Nghĩa Lạc đến thị trấn Quỹ Nhất, qua 8 xã miền hạ của huyện, vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng.                                                        Ảnh: Dương Đức
Huyện Nghĩa Hưng cải tạo, nâng cấp 13 km đường Dây Nhất - Chợ Gạo, từ xã Nghĩa Lạc đến thị trấn Quỹ Nhất, qua 8 xã miền hạ của huyện, vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng.
Ảnh: Dương Đức

Phát triển GTNT có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp CNH-HĐH xây dựng nông nghiệp - nông thôn. Khắc phục khó khăn mâu thuẫn giữa nhu cầu đầu tư lớn trong khi nguồn lực kinh tế địa phương hạn chế, tỉnh chú trọng khai thác các nguồn vốn dự án Ngân hàng thế giới (WB), trái phiếu Chính phủ; huy động vốn của các nhà đầu tư trong nước thông qua các phương thức đầu tư BOT, BT để có nguồn vốn lớn phát triển các tuyến đường công trình giao thông huyết mạch của tỉnh, trong đó phần lớn nằm trên địa bàn nông thôn với tiêu chuẩn đường hiện đại như tuyến quốc lộ 21 (TP Nam Định - Phủ Lý; TP Nam Định - Thịnh Long đang triển khai); quốc lộ 10 từ cầu Ninh Bình - cầu Tân Đệ; tuyến đường bộ mới BOT và BT (Nam Định - Phủ Lý) song song với quốc lộ 21 cũ chạy qua huyện Mỹ Lộc kết nối với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, có một tuyến nhánh kết nối với quốc lộ 21; tỉnh lộ 490C chạy qua các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng; tỉnh lộ 486B (đường 56 cũ) từ thị trấn Gôi - xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) nối quốc lộ 10 và quốc lộ 21A đi qua quần thể văn hoá Phủ Dầy (Vụ Bản). Các dự án đầu tư nâng cấp các tuyến tỉnh lộ 486B các đoạn còn lại, đường 486 (đường 12 cũ), đường 488, 489C đang được ngành Giao thông chuẩn bị tích cực. Ngoài ra, nhiều cầu yếu đã được cải tạo xây mới, sửa chữa, đáp ứng yêu cầu lưu thông thông suốt của các tuyến đường. Các công trình giao thông huyết mạch này tạo điều kiện kết nối GTNT địa phương với mạng lưới đường quốc gia, đường tỉnh, tăng năng lực giao thông cho nông thôn, tăng khả năng thu hút đầu tư về địa bàn nông thôn. Mặt khác cũng tạo động lực thúc đẩy phong trào phát triển GTNT của các huyện, các xã. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới 660km đường GTNT các loại, gồm đường nhựa, đường đá dăm nước, đường cấp phối, đường bê tông, vỉa gạch; cải tạo và làm mới 65 cầu, 279 cống... Tổng kinh phí đầu tư ước 302 tỷ đồng; trong đó vốn huy động nhân dân đóng góp và các nguồn hỗ trợ khác chiếm 60%, vốn ngân sách địa phương chiếm 40%. Đến hết năm 2007, đường đến trung tâm tất cả các xã trong tỉnh đã được "nhựa hoá", tỷ lệ "cứng  hoá" đường liên thôn đạt 95%. Không chỉ có tỉnh và ngành Giao thông, mà các huyện, các xã cũng tích cực đi tìm kiếm, kêu gọi các nguồn vốn đầu tư phát triển giao thông địa phương. Riêng dự án phát triển GTNT 3 (WB3) thực hiện theo Hiệp định tín dụng giữa Chính phủ Việt Nam và Hiệp hội phát triển quốc tế, tỉnh ta được bố trí vốn 2,1 triệu USD với kế hoạch thực hiện nâng cấp 16 tuyến đường nông thôn với tổng chiều dài 40km, thời gian thực hiện đến năm 2011. Hiện tỉnh ta đã thực hiện được 17 tuyến với tổng chiều dài 40km. Mục tiêu của dự án là giảm bớt chi phí đi lại, nâng cao điều kiện giao thông tới các chợ, cải thiện cơ hội phát triển kinh tế ngoài nghề nông cũng như điều kiện hưởng thụ, tiếp cận các dịch vụ xã hội cho nông dân. So với dự án GTNT 2 (WB2) đã triển khai trước đây, tiêu chuẩn đầu tư cao hơn là đường được láng nhựa. Quá trình thực hiện dự án cộng đồng, địa phương được tham gia từ khâu chuẩn bị lựa chọn tuyến, đảm bảo giám sát cộng đồng trong quá trình thi công. Do vậy qua các đợt kiểm tra giám sát của chủ đầu tư, nhà tài trợ, tỉnh ta được Bộ GTVT đánh giá là 1 trong 5 tỉnh thực hiện tốt. Chính phủ đã có văn bản giao cho Bộ GTVT quyết định thưởng 2 triệu USD cho tỉnh thực hiện tiếp 13 tiểu dự án GTNT với tổng chiều dài 38,2 km (cấp đường A - GTVT) trong năm 2010. Ngoài ra, dự án GTNT của WB còn có nguồn vốn 750 nghìn USD cho công tác duy tu, bảo trì đường GTNT.

Mặc dù nhiệm vụ phát triển GTNT nói riêng, GTVT phục vụ phát triển nông thôn nói chung những năm qua của tỉnh ta đã đạt nhiều thành tích song thực trạng GTNT tỉnh ta cũng đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc. Trước hết là tình trạng xuống cấp của nhiều tuyến đường huyện, đường xã do đưa vào khai thác sử dụng từ lâu, quá tuổi thọ cho phép; việc đầu tư bảo trì bảo dưỡng đường còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Sự phát triển nhanh của vận tải cả về số lượng phương tiện cơ giới và tải trọng phương tiện trong khi công tác quản lý đường và quản lý vận tải, TTATGT còn nhiều bất cập, nhất là tình trạng chở quá tải, vi phạm hành lang bảo vệ công trình đường bộ. Nhiều nơi khi đường mới mở kéo theo khu dân cư  bám ven đường nhanh chóng mọc lên, tình trạng xây nhà sát đường bịt lối thoát nước ra ruộng trong khi đường làm không có rãnh thoát nước, là tác nhân gây hỏng đường rất nhanh. Công tác duy tu, bảo dưỡng, bảo trì công trình giao thông nông thôn ở các địa phương chưa đồng đều và thiết thực. Một số thôn, xã còn dựng ba-ri-e tại các tuyến, trục đường thôn, xóm để ngăn xe tải trọng lớn, thậm chí có địa phương tổ chức "thu phí" đối với xe ô tô vào đường địa phương, vô tình ngăn sông cấm chợ, đi ngược lại mục đích của đầu tư phát triển GTNT là tăng cường kết nối, bảo đảm lưu thông thông suốt. Một vấn đề khác là tình trạng quy hoạch và quản lý quy hoạch giao thông nông thôn ở một số địa phương hạn chế, khi muốn mở rộng đường đáp ứng yêu cầu phát triển thì không có đất (địa phương không có kinh phí để GPMB), do vậy có công trình chỉ có thể nâng cấp trên nền quy mô cũ, không thể mở rộng theo định hướng dự báo sự phát triển nhu cầu vận chuyển lớn. Từ kinh nghiệm của các nước phát triển, các dự án đầu tư phát triển GTNT của WB luôn chú trọng công tác duy tu, bảo trì, bảo dưỡng công trình, luôn dành kinh phí cho công tác này với mục tiêu tạo nguồn kích thích phong trào tại chỗ của địa phương theo phương châm "hỏng đâu sửa đấy, không để hư hỏng, sự cố nhỏ thành hư hỏng lớn". Muốn vậy việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư ven tuyến đường; một số phần việc bảo vệ đường dần phải được xã hội hoá cho người dân thực thi như bảo vệ hành lang, bạt lề, vét rãnh để thoát nước cho đường, phát hiện sự cố, hư hỏng ngay khi mới phát sinh, bảo đảm khả năng khắc phục sửa chữa tại chỗ, tổ chức huy động cộng đồng tham gia khắc phục./.

 

Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com