Nam Định dẫn đầu toàn quốc về GD-ĐT - Thành quả từ những nỗ lực lớn (kỳ II)

08:10, 01/10/2010
[links()]
(Tiếp theo và hết)
II - "Đòn bẩy" của ngành GD-ĐT trong việc nâng cao chất lượng giáo dục

 

Cô trò trường tiểu học Nam Hoa (Nam Trực) trong giờ học ngoại khoá. Ảnh: Xuân Thu
Cô trò trường tiểu học Nam Hoa (Nam Trực) trong giờ học ngoại khoá.
Ảnh: Xuân Thu

Từ năm 1999, tỉnh ta đã là một trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Tháng 10-2001, tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập THCS, tạo nền móng cho công tác phổ cập bậc trung học. Chất lượng và hiệu quả giáo dục được duy trì và phát triển ở các bậc học, ngành học. Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là biểu hiện toàn diện nhất của quá trình phấn đấu chuẩn hóa giáo dục cả về chất lượng và hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có 451 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó, riêng bậc tiểu học có 275/290 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, 42 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Các huyện Giao Thủy, Nam Trực, Mỹ Lộc, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Vụ Bản, Trực Ninh có 100% các trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Quy mô giáo dục không ngừng tăng trưởng, hàng năm, tỷ lệ học sinh vào học lớp 1 đạt 100% độ tuổi, học sinh vào lớp 6 đạt 99,99% độ tuổi, học sinh vào học lớp 10 THPT và bổ túc THPT đạt 82%. Thi học sinh giỏi ngành học phổ thông và GDTX hàng năm đều có từ 3000 - 4000 học sinh đạt giải. Nhiều năm liền, đoàn học sinh giỏi của tỉnh tham dự các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đều đạt thứ hạng cao, trong đó năm học 2008-2009 và 2009-2010 đã xếp thứ nhất toàn quốc cả về số lượng và chất lượng giải. Từ năm 2004 đến nay, tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp của tỉnh luôn xếp thứ nhất, thứ nhì toàn quốc, trong đó các năm 2004, 2005, 2008, 2009 và 2010 xếp thứ nhất toàn quốc. Đặc biệt, Nam Định còn là tỉnh dẫn đầu toàn quốc về tỷ lệ học sinh thi vào đại học có điểm trung bình 3 môn thi cao nhất trong toàn quốc và có 17/200 trường THPT trong cả nước có kết quả thi đại học cao nhất. Liên tục 16 năm qua, ngành GD-ĐT tỉnh được Bộ GD-ĐT công nhận là một trong những đơn vị tiên tiến xuất sắc dẫn đầu toàn quốc.

Thành tựu trên bắt nguồn từ phong trào thi đua được "nuôi dưỡng’’ thường xuyên trong các đơn vị, trường học. Là một trong hai trường tiểu học đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn quốc gia từ năm 1997, những năm qua, toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên và phụ huynh, học sinh của trường tiểu học Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) đã không ngừng vượt khó để giữ vững danh hiệu này. Vì thế, trường đã nhiều lần được nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, giữ vững là một trong những điển hình xuất sắc của ngành GD-ĐT. Những trường THCS có tiếng từ lâu như: Nam Hồng, Nam Điền, Trần Đăng Ninh, Trực Đại, Nghĩa Tân, Mỹ Xá, Hải Phương, Liên Bảo, Lê Quý Đôn, Trần Huy Liệu… cũng vẫn giữ được danh tiếng của mình. Trong khối THPT, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, mặc dù đã có "thương hiệu" song nhà trường vẫn luôn phấn đấu và đạt được những thành tích đỉnh cao. Hàng năm, tỷ lệ học sinh của trường đỗ vào đại học, cao đẳng đạt 90% trở lên. Bên cạnh Lê Hồng Phong, nhiều trường THPT vẫn được giữ vững và phát huy tốt tác dụng thông qua các phong trào thi đua "Dạy tốt-học tốt’’. Cách đây gần 20 năm, ở trường THPT Giao Thủy A đã thực hiện cuộc vận động "học thực chất, thi thực chất’’. Nhà trường đã tập trung chấn chỉnh lại việc dạy và học, kỷ cương được thiết chặt, giáo viên phải nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp giảng dạy, học sinh phải có thái độ học tập nghiêm túc, chăm ngoan. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của trường được nâng lên và nhiều năm liền trường là một trong những lá cờ đầu giáo dục của tỉnh. Từ điển hình Giao Thủy A, với chủ trương thực hiện nghiêm kỷ cương, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, các trường học trong tỉnh đã dấy lên phong trào thi đua dạy thật, học thật, thi thật, chất lượng thật, được giáo viên, học sinh, phụ huynh và nhân dân đồng thuận. Đối với trường THPT Trần Văn Bảo, mặc dù mới thành lập từ năm học 2007-2008, nhưng ngay từ đầu trường đã xác định, lấy kết quả thi đỗ tốt nghiệp và đỗ đại học, cao đẳng làm thước đo chất lượng giáo dục của nhà trường. Vì vậy, ngay từ khi chưa có thông báo môn thi tốt nghiệp, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên vừa dạy ôn tập cho học sinh, vừa có sự quan tâm nhiều hơn đến những học sinh có học lực yếu, kém. Mỗi giáo viên lên lớp dựa vào đặc thù bộ môn phải có sự truyền đạt kiến thức hiệu quả đến từng nhóm đối tượng học sinh; có những câu hỏi, phần kiến thức nâng cao để học sinh khá, giỏi có hứng thú, củng cố từng phần cho học sinh trung bình. Riêng học sinh yếu, kém, giáo viên bám sát kiến thức cơ bản, vừa dạy mới đồng thời bổ sung, củng cố kiến thức cũ. Với cách làm đó, hàng năm tỷ lệ học sinh của trường đỗ tốt nghiệp cao và có trên 45% học sinh thi đỗ vào các trường đại học, đứng trong tốp 200 trường THPT trong cả nước có tỷ lệ học sinh đỗ vào đại học cao. Với nền móng giáo dục vững chắc và với cách làm như của trường THPT Trần Văn Bảo, các trường THPT, trung tâm GDTX trong tỉnh đã có tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp và đỗ vào các trường đại học, cao đẳng với tỷ lệ cao, nhiều năm liền dẫn đầu cả nước.

Ban giám hiệu trường THCS Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) và đội tuyển học sinh giỏi của trường. Ảnh: Xuân Thu
Ban giám hiệu trường THCS Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) và đội tuyển học sinh giỏi của trường.
Ảnh: Xuân Thu

Một yếu tố quan trọng làm nên sự thành công của GD-ĐT tỉnh ta, đó là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Ngành GD-ĐT thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ, có năng lực sư phạm tốt, nhiệt tình với nghề. Hiện nay, tỷ lệ giáo viên đạt trình độ chuẩn ở bậc mầm non là 93,5%, trên chuẩn là 33,5%. Ở bậc tiểu học, tỷ lệ đạt chuẩn là 99,71%, trên chuẩn là 79,62%. Ở bậc THCS, tỷ lệ đạt chuẩn là 97,6%, trên chuẩn là 21,7%, bậc THPT đạt chuẩn 99,5%, trên chuẩn là 5,8%. Ngoài việc nâng cao chất lượng giảng dạy ở các bộ môn cơ bản, các trường học thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, hội thảo, hội giảng để rút kinh nghiệm những giờ dạy hay, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong chuyên môn, xây dựng những giờ dạy chuẩn trong tổ và trong các khối lớp để thực hiện phương châm "biến công tác bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng và biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo’’, khơi dậy ý thức nghề nghiệp, lao động sáng tạo, tạo không khí chuyên môn sôi nổi trong mỗi cán bộ, giáo viên, đồng thời giúp mỗi giáo viên tự rà soát lại trình độ chuyên môn của mình nhằm tiếp tục phấn đấu vươn lên trong dạy và học. Vừa chú trọng bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, ngành vừa đẩy mạnh công tác bồi dưỡng lý luận, chính trị, xây dựng tinh thần dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm và tạo điều kiện cho mọi cán bộ, giáo viên đều được tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Ngành đã xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý vững vàng, có chuyên môn, có tinh thần "dám nghĩ, dám làm’’ có tinh thần trách nhiệm, đáp ứng được yêu cầu giáo dục trong thời kỳ mới.

Với truyền thống của phong trào thi đua "Hai tốt’’, liên tục "Dẫn đầu toàn quốc’’ cùng nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn giáo dục; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; kỷ cương, nền nếp trường học - sự liên kết giáo dục giữa nhà trường - gia đình - xã hội chặt chẽ và phong trào khuyến học, khuyến tài diễn ra sâu rộng đã tạo nên một thương hiệu giáo dục Nam Định "nức tiếng’’ trong cả nước./.

 Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com