Nam Định chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên

09:09, 10/09/2010

Năm học 2009 - 2010 kết thúc, những số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chất lượng giáo dục như: tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp và tốp trường THPT có thí sinh thi đại học dẫn đầu cả nước, trung bình điểm thi đại học của học sinh theo tỉnh, thành phố... đã thôi thúc chúng tôi tìm về Nam Định - vùng đất có truyền thống hiếu học và trở thành tỉnh nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục.

Cô và trò trường THCS Phùng Chí Kiên (TP Nam Định).  Ảnh: Thu Hà
Cô và trò trường THCS Phùng Chí Kiên (TP Nam Định).
Ảnh: Thu Hà

Những ngày đầu tháng chín, cùng chung niềm vui của cả nước, hơn 28,65 nghìn cán bộ, giáo viên và hơn 1,76 triệu học sinh, sinh viên của tỉnh Nam Định hân hoan chuẩn bị khai giảng năm học mới và Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Vừa gặp chúng tôi, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định Trần Văn Thế phấn khởi mở đầu câu chuyện: Phát huy truyền thống hiếu học, đến nay nhiều năm liền, ngành GD và ĐT Nam Định vẫn luôn là lá cờ đầu của cả nước về chất lượng giáo dục toàn diện. Kết quả mỗi năm học là điều đáng mừng đối với toàn ngành và người dân. Tuy nhiên, mỗi năm học qua đi, những người làm giáo dục Nam Định lại bộn bề những lo toan. Trong sự phát triển không ngừng, không thể thỏa mãn với những kết quả đạt được. Điều quan trọng là giữ vững và phát huy những kết quả ấy.

Những trăn trở của những người làm giáo dục Nam Định cũng là điều dễ hiểu vì phấn đấu đạt được chất lượng, hiệu quả cao rồi nhưng giữ được "thương hiệu" trong nhiều năm liền là điều không dễ dàng. Giải pháp nào để một địa phương kinh tế còn gặp nhiều khó khăn lại luôn giữ ngôi vị dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục? Như thấy được băn khoăn của chúng tôi, Giám đốc Sở GD và ĐT Nam Định Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Điều đáng mừng là sự nghiệp "trồng người" của tỉnh luôn nhận được sự chăm lo của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân. Trong toàn ngành luôn thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên. Để làm được điều đó, ngành giáo dục Nam Định xác định yếu tố con người đóng vai trò quyết định, là chìa khóa của thành công. Vì vậy, ngoài việc tổ chức các buổi làm việc với các huyện, thành phố để thống nhất phối hợp chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đưa mục tiêu giáo dục vào nghị quyết của cấp ủy, chính quyền các địa phương, việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên luôn được đặt lên hàng đầu.

Hằng năm, từ Sở GD và ĐT đến các cơ sở giáo dục đều triển khai công tác quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Trong đó, đội ngũ cán bộ quản lý không chỉ được chú trọng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ mà còn thường xuyên được bồi dưỡng  kiến thức về quản lý. Điều này vừa giúp cho các cán bộ quản lý vững vàng trong nghiệp vụ chuyên môn lại có thêm những cách làm, chỉ đạo hoạt động của các nhà trường linh hoạt, sáng tạo, tránh thụ động, công thức. Trong tập huấn giáo viên, còn chú trọng bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, ý thức tự học, tự vươn lên, nhờ đó, thêm yêu nghề, có ý thức học hỏi, sáng tạo đổi mới phương pháp giáo dục bằng chính hành động, việc làm cụ thể trong mỗi giờ lên lớp.

Học sinh trường THPT Giao Thuỷ trong tiết học đầu tiên sau ngày tựu trường. Ảnh: Xuân Kỳ
Học sinh trường THPT Giao Thuỷ trong tiết học đầu tiên sau ngày tựu trường.
Ảnh: Xuân Kỳ

Ngoài tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, nhiều năm qua, Nam Định luôn thực hiện kiểm tra kiến thức đối với giáo viên thông qua các kỳ thi giáo viên dạy giỏi các cấp và kiểm tra cho tất cả đối tượng giáo viên của các cơ sở giáo dục. Thông qua kết quả kiểm tra giúp mỗi giáo viên tự rà soát lại trình độ chuyên môn của mình nhằm tiếp tục tự học, bồi dưỡng kiến thức, đáp ứng với yêu cầu đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học. Mặt khác, qua việc nắm bắt trình độ, năng lực đội ngũ, các cấp quản lý đề ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn trong củng cố, xây dựng đội ngũ, từng bước thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục. Sở GD và ĐT cũng đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường thao giảng cấp cơ sở, đánh giá năng lực giáo viên một cách chính xác, công khai; hội thảo, rút kinh nghiệm trong các tổ chuyên môn; tăng cường trao đổi dự giờ, thăm lớp, trao đổi phương pháp và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Vì vậy, hơn 28,6 nghìn giáo viên của tỉnh phần lớn đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Các thầy giáo, cô giáo có chuyên môn vững vàng là tiền đề cho mỗi giờ lên lớp đạt chất lượng cao.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó trưởng Phòng GD và ĐT huyện Nam Trực Vũ Tiến Duật cho biết: Để xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, ngoài việc tuyển chọn và tổ chức bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn... huyện còn tổ chức đại hội đại biểu giáo viên nhằm chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi nghiệp vụ. Đặc biệt, đại hội ra nghị quyết xây dựng năm phong cách người giáo viên gồm: Phong cách sống tình thương - danh dự; phong cách làm việc kỷ cương - sáng tạo; phong cách gia đình hòa thuận - hiếu lễ; phong cách học tập tự học - thường xuyên và phong cách ứng xử tôn trọng - biết điều. Từ những việc làm cụ thể, thiết thực, nâng cao ý thức và nghiệp vụ chuyên môn nên 2.217 cán bộ quản lý và giáo viên của Nam Trực đều đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó tỷ lệ đạt trên chuẩn chiếm từ 39% đến 71% theo từng cấp học.

Không chỉ đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mà  Nam Định còn xác định lấy kỷ cương nền nếp làm động lực, thước đo chất lượng giáo dục toàn diện. Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Văn Thế cho biết, việc xây dựng nhà trường có kỷ cương nền nếp trong quản lý chỉ đạo, dạy và học, nhất là trong kiểm tra đánh giá thi cử được chú trọng. Việc dạy thật, học thật, thi thật, chất lượng thật được ngành GD và ĐT Nam Định hình thành từ nhiều năm nay gắn với các nội dung cụ thể được giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và nhân dân đồng thuận. Chính vì vậy, nhiều trường học của Nam Định đã chấp nhận giảm thành tích để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. 

Trường THPT Giao Thủy, nơi cách đây hơn 20 năm từng là "điểm nóng" của GD và ĐT Nam Định khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường thuộc diện thấp nhất cả nước. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Khoát, Hiệu trưởng nhà trường vẫn không giấu được cảm xúc khi nhắc đến kỳ thi năm 1986. Ngày ấy, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn do các trường tự coi, tự chấm. Tuy nhiên, xác định cần đánh giá đúng chất lượng giáo dục, cho nên việc coi thi và chấm thi được thực hiện nghiêm ngặt, không xảy ra tình trạng nâng đỡ học sinh. Kết quả, cả trường chỉ có 56% số học sinh đỗ tốt nghiệp. Điều đó khiến cho Trường THPT Giao Thủy chịu khá nhiều điều tiếng. Tuy nhiên, kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng, bằng việc thực hiện nghiêm kỷ cương đồng thời nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp dạy học, sau một số năm chấp nhận kết quả chưa như mong đợi, Trường THPT Giao Thủy đã vươn lên trở thành một trong những cơ sở giáo dục có chất lượng đứng đầu cả nước. Sau khi thực hiện cuộc vận động "hai không" tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường luôn đạt hơn 99%. Đáng chú ý, nhiều năm gần đây, Trường THPT Giao Thủy luôn nằm trong tốp những trường có kết quả thi đại học cao. Năm 2009, cả trường có 65,7% thì năm 2010 có tới 70% số học sinh dự thi đại học đỗ nguyện vọng một. Theo thống kê của Bộ GD và ĐT, Trường THPT Giao Thủy liên tiếp nằm trong tốp 200 trường có kết quả thi đại học cao nhất.     

Với chủ trương thực hiện kỷ cương nghiêm, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hàng loạt các cơ sở giáo dục trên địa bàn Nam Định dần dần vượt lên khẳng định vị trí của mình. Chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh ở Nam Định luôn đạt được những thành tựu đáng tự hào. Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Thị Nghĩa từng khẳng định: Nhắc đến Nam Định, xã hội không chỉ nhắc đến kỷ cương trong các cấp học, trường học được giữ vững, chất lượng giáo dục liên tục ổn định và phát triển với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao mà còn là số lượng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và tỷ lệ thi đỗ vào các trường đại học... Thông qua các kỳ thi đại học, cao đẳng, Nam Định luôn dẫn đầu cả nước về trung bình điểm thi đại học của các thí sinh dự thi và có tới 17 trường lọt vào tốp 200 trường THPT có kết quả thi đại học cao nhất năm 2010./.

Xuân Kỳ

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com