Hiệu quả từ cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư (kỳ II)

10:07, 16/07/2010

 

Làng Thức Hoá, xã Giao Thịnh (Giao Thuỷ) được công nhận

Làng Thức Hoá, xã Giao Thịnh (Giao Thuỷ) được công nhận "Khu dân cư tiên tiến".                                                              Ảnh: Xuân Thu

II - Những hạn chế, bất cập cần khắc phục

Bên cạnh những kết qủa đã đạt được, quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động "TDĐKXDĐSVHƠKDC" trên địa bàn tỉnh cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Bất cập lớn nhất đó là cơ chế chỉ đạo thực hiện đang có sự chồng chéo. Cùng với cả nước, tỉnh ta đang cùng lúc triển khai hai cuộc vận động có cùng nội dung, mục đích, đó là cuộc vận động TDĐKXDĐSVH do ngành văn hoá chủ trì và cuộc vận động TDĐKXDĐSVHƠKDC do MTTQ chủ trì. Mỗi cuộc vận động có một ban chỉ đạo riêng từ tỉnh đến cơ sở, hoạt động song trùng. Trong khi đó việc phối hợp chỉ đạo giữa các cơ quan chủ trì không thường xuyên, chặt chẽ. Điều này làm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện thiếu tập trung, gây khó khăn, lúng túng cho cơ sở trong quá trình tiếp nhận, thực hiện, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm. Mặc dù công tác tuyên truyền đã được chú trọng, nhưng ở nhiều địa phương, nhận thức của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân về nội dung, mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động còn hạn chế. Cấp uỷ, chính quyền ở một số nơi chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để cuộc vận động phát huy hiệu quả. Cuộc vận động do MTTQ khởi xướng, chủ trì song việc phối hợp thực hiện giữa các tổ chức thành viên, các ngành, các cấp chưa được thường xuyên, một số ngành, địa phương vẫn có tư tưởng coi cuộc vận động là của riêng Mặt trận. Đặc biệt điều kiện hoạt động của ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, lực lượng chính, nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân trong cộng đồng, hiện gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, mỗi ban công tác Mặt trận ở khu dân cư hiện mỗi năm chỉ được cấp kinh phí hoạt động 1 triệu đồng. Với mức kinh phí này, nếu chỉ dùng vào việc in ấn tài liệu, tuyên truyền, hội họp... cũng không đủ, chưa nói đến việc phải chi phí cho nhiều hoạt động khác. Mức phụ cấp cho trưởng ban công tác Mặt trận chuyên trách hiện là 65 ngàn đồng/tháng, trưởng ban kiêm nhiệm là hơn 10 ngàn đồng/tháng. Hầu hết cán bộ Mặt trận ở khu dân cư đều không được đào tạo, tập huấn, hoạt động chủ yếu dựa vào kiến thức kinh nghiệm tự học hỏi, tích luỹ và lòng nhiệt tình, do đó không có tác dụng động viên khuyến khích cán bộ Mặt trận cơ sở nhiệt tình công tác, đề cao tinh thần trách nhiệm. Bên cạnh đó, vì nhiều nguyên nhân, cán bộ chủ chốt trong hệ thống Mặt trận thường xuyên có sự biến động, thay đổi, dẫn đến sự lúng túng trong chỉ đạo, tổ chức, triển khai, không đảm bảo tính hệ thống, toàn diện. Đây là những nguyên nhân cơ bản khiến cuộc vận động ở nhiều khu dân cư thiếu sức sống; việc phát động thực hiện còn nặng tính hình thức, không đủ sức quy tụ, phát huy sức mạnh của cộng đồng tham gia giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa bàn khu dân cư. Những năm gần đây, địa bàn khu dân cư trong đó có nhiều khu dân cư khu vực nông thôn xuất hiện ngày càng nhiều tai tệ nạn xã hội, thanh niên mắc nghiện ma tuý, môi trường ô nhiễm, công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng các công trình, dự án gặp khó khăn, bị cản trở... Điều đó cho thấy ở các địa phương, khu dân cư này cuộc vận động không được triển khai thực hiện hiệu quả.

Thực tế trên đặt ra vấn đề để cuộc vận động được triển khai một cách toàn diện, có chiều sâu đảm bảo tính bền vững, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền vận động cần phải đảm bảo được các điều kiện cần thiết đi kèm. Điều kiện đầu tiên là phải tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền, thực hiện tốt quy chế phối hợp công tác với MTTQ, định kỳ cần có sự tổng kết đánh giá chương trình phối hợp. Về lâu dài, cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, chất lượng, nhất là đội ngũ cán bộ Mặt trận ở cơ sở. Bên cạnh việc nâng cao chế độ chính sách, cần có chương trình quy hoạch đào tạo cán bộ Mặt trận các cấp, tạo điều kiện để cán bộ Mặt trận, nhất là cán bộ chủ chốt ổn định công tác lâu dài, yên tâm, gắn bó với phong trào. Bố trí nguồn kinh phí phù hợp, để các ban công tác Mặt trận hoạt động hiệu quả. Trong giai đoạn mới, cuộc vận động cũng cần có sự đổi mới về nội dung, mục tiêu, phương thức cho phù hợp. Cùng với cả nước, tỉnh ta đang tích cực triển khai thực hiện đề án thí điểm xây dựng nông thôn mới. Việc thực hiện đề án và cuộc vận động cần có sự gắn kết, hướng tới mục tiêu chung đoàn kết, phát huy sức mạnh cộng đồng, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại nhưng vẫn bảo tồn, lưu giữ được các giá trị văn hoá truyền thống, phát huy tính gắn kết cộng đồng làng quê. Một vấn đề nữa đang được đặt ra là việc thực hiện lồng ghép các phong trào, các cuộc vận động với cuộc vận động "TDĐKXDĐSVHƠKDC" là cần thiết, song cần phải có cơ chế, điều kiện đi kèm, nếu không việc triển khai sẽ hình thức, chỉ dừng ở việc hô hào, vận động chung chung. Quá trình thực hiện cuộc vận động cần đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao tính tích cực, tự giác, vai trò tự quản của các cộng đồng dân cư. Các địa phương cần có sự vận dụng, xác định được các nội dung thực hiện phù hợp với khả năng và nhu cầu thực tế của địa phương, tránh phát động các phong trào mang tính hình thức, thiếu tính thiết thực, khả thi. Đặc biệt cần thực hiện nghiêm nguyên tắc công khai, dân chủ, khuyến khích, tạo điều kiện để mọi  người dân được tham gia, bàn bạc, quyết định các công việc chung của cộng đồng theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng"./.

Trần Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com