Hiệu quả từ cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư (kỳ I)

09:07, 14/07/2010

Tháng 5-1995, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động cả nước thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" (TDĐKXDĐSVHƠKDC). Sau 15 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động trên địa bàn tỉnh đã thu được nhiều kết quả quan trọng, giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề nảy sinh ở khu dân cư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh phát triển.

I - Thực tiễn sinh động,hiệu quả to lớn

Ở khu dân cư xóm 3, một khu dân cư Công giáo toàn tòng nằm ven sông Đáy thuộc xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) trong các gia đình, bản tiêu chuẩn "Xứ họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu" luôn được đặt ở vị trí trang trọng. Các tiêu chuẩn đều hướng vào cuộc vận động đồng bào Công giáo địa phương thi đua thực hiện tốt phương châm "Kính chúa yêu nước", nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; đoàn kết, giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc… Phù hợp với ý chí, nguyện vọng của đồng bào nên khi phong trào được phát động, 235 hộ dân trong khu dân cư đã tích cực hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của chi bộ, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, nhân dân trong xóm đã đoàn kết, thực hiện hiệu quả mục tiêu xoá đói, giảm nghèo ngay trên đồng đất quê hương. Ngoài duy trì thâm canh lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, các hộ dân trong xóm đã thực hiện thành công chủ trương đưa cây bí xanh, dưa chuột, dưa hấu, cà chua, là những cây trồng cho giá trị kinh tế cao trên đất hai lúa, nâng mức thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích canh tác lên gấp nhiều lần so với trồng lúa. Tận dụng phế phẩm nông nghiệp, nhiều hộ trong xóm đã mở thêm nghề trồng nấm, tạo thêm việc làm, thu nhập lúc nông nhàn, giúp hơn 90% số hộ trong xóm thoát nghèo vươn lên có mức sống khá. Kinh tế phát triển, nhân dân trong khu đã đóng góp xây dựng, kiện toàn được hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó đã xây dựng được nhà văn hoá chung của xóm khang trang, sạch đẹp làm nơi sinh hoạt của chi bộ, các chi hội đoàn thể, vui chơi, giải trí của nhân dân trong xóm.

Cán bộ xã Giao Hải (Giao Thuỷ) hướng dẫn nhân dân thực hiện các quy định về xây dựng nếp sống văn hoá.  Ảnh: Thu Hà
Cán bộ xã Giao Hải (Giao Thuỷ) hướng dẫn nhân dân thực hiện các quy định về xây dựng nếp sống văn hoá.
Ảnh: Thu Hà
Xóm 6B, xã Hải Phong (Hải Hậu) vốn là một khu dân cư nghèo, tồn tại nhiều hủ tục. Triển khai thực hiện cuộc vận động "TDĐKXDĐSVHƠKDC", xóm thành lập một ban vận động gồm đại diện chi bộ, các chi hội đoàn thể, người có uy tín. Ban đầu xóm chọn phát triển kinh tế, trước hết là phá thế độc canh cây lúa làm khâu đột phá. Kiên trì khắc phục khó khăn, dần dần xóm đã sản xuất thành công rau màu vụ đông trên đất hai lúa. Ngoài ra, xóm còn phát triển thêm nghề trồng cây cảnh, đẩy mạnh chăn nuôi, ngoài lợn, gà mạnh dạn nuôi thêm cả thỏ, cá sấu, một số mở thêm nghề mộc dân dụng, kinh doanh dịch vụ. Chi hội Khuyến học của xóm vừa thành lập đã xây dựng quỹ động viên, khen thưởng con em trong xóm đạt thành tích cao trong học tập, qua đó dần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong xóm về sự cần thiết phải chăm lo đến việc học tập của con em. Bên cạnh đó, xóm còn xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế xây dựng xóm văn hoá. Hộ nào, cá nhân nào thực hiện tốt hoặc vi phạm đều được biểu dương hoặc phê bình trong các buổi họp xóm, nhờ vậy văn minh, tiến bộ ngày càng được nhân rộng trong nhà ngoài xóm, các hủ tục, lạc hậu dần được đẩy lùi. Từ một khu dân cư nghèo, lạc hậu đến nay xóm 6B đã trở thành một khu dân cư tiêu biểu.

Nằm ở địa bàn trung tâm, khu dân cư Hai Bà Trưng, phường Bà Triệu (TP Nam Định) có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển các hoạt động kinh doanh, hầu hết trong số 175 hộ trong khu dân cư có cuộc sống khá giả. Tuy nhiên, vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn luôn diễn biến phức tạp. Thực hiện nghị quyết của đảng uỷ phường, chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, Ban công tác Mặt trận khu dân cư Hai Bà Trưng đã tập trung lãnh đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống các loại tai tệ nạn. Tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không để các thành viên trong gia đình vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn. Thành lập hai tổ tự quản, mỗi tổ lại chia thành 6 nhóm "liên gia tự quản". Phương châm bảo vệ tài sản của các nhóm "liên gia tự quản" là "đi gửi, về xin". Thực hiện có nền nếp phương châm này, khu dân cư Hai Bà Trưng đã phát huy được tinh thần cảnh giác, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ tài sản của bản thân, gia đình và tài sản chung. Bằng tinh thần trách nhiệm, người dân trong khu đã cung cấp cho cơ quan công an nhiều nguồn tin có giá trị về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; phối hợp vây bắt được nhiều đối tượng trộm cắp giao cho cơ quan công an xử lý. Đối với các đối tượng lầm lỗi trong cộng đồng, cán bộ Ban công tác Mặt trận đến tận nhà thăm hỏi, động viên, giúp họ sửa chữa lỗi lầm, từng bước vươn lên hoà nhập cộng đồng. Nhờ làm tốt công tác hoà giải ở cơ sở, một số gia đình trẻ trong khu có nguy cơ tan vỡ hạnh phúc vợ chồng đã trở lại đoàn tụ, một số vụ tranh chấp đất đai được các bên thương lượng ổn thoả, qua đó giữ được tình lối phố...

Qua kết quả khảo sát của MTTQ tỉnh, sau 15 năm tiếp nhận, triển khai thực hiện cuộc vận động "TDĐKXDĐSVHƠKDC", đến nay toàn tỉnh đã có 1683/3543 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư tiên tiến, 1154 khu dân cư văn hoá; 506 khu dân cư 5 không, tăng 289 khu so với năm 2005; 635 khu dân cư không còn hộ nghèo, 1720 khu dân cư không có người sinh con thứ 3; 3197 khu dân cư không có trẻ em thất học, bỏ học, 1843 khu dân cư không có người mắc TNXH, 3141 khu dân cư không có người khiếu kiện trái pháp luật...

Thực tế tại các khu dân cư thực hiện hiệu quả cuộc vận động lớn này, tuy đặc điểm, tình hình, phương thức áp dụng, triển khai khác nhau nhưng các nơi đều có chung một điểm, đó là cán bộ và nhân dân đều nhận thức sâu sắc được nội dung, mục đích, ý nghĩa, tính thiết thực của cuộc vận động. Cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo sát sao. MTTQ và các tổ chức thành viên kết hợp chặt chẽ trong quá trình tuyên truyền, vận động nhân dân; dân chủ được phát huy, việc đóng góp, thu chi đảm bảo công khai, minh bạch; có những cá nhân nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm với việc làng, việc xóm./.

(Còn nữa)

Trần Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com