Về quê mùa gặt

08:06, 22/06/2010

Trở về hai huyện Trực Ninh, Nam Trực trong những ngày mùa sẽ được chứng kiến cảnh gặt lúa đêm. Gặt đêm để tránh cái nắng oi ả của mùa hè. Bao năm nay, mùi ngai ngái rơm phơi, mùi thơm cơm gạo mới vẫn vương vất trong ký ức tôi. Nhớ quê, nhớ mùa tôi trở về.

Bữa cơm của mẹ

Đến làng Tương Mai (Nam Thanh, Nam Trực) đã 8 giờ tối. Nhà vắng vẻ, giờ này tất cả mọi người đang ngoài đồng gặt. Tin tôi về, nên u ở nhà hết ra lại vào khấp khởi đợi tôi. U nuôi tôi những ngày còn bé, khi tôi về thị trấn Cổ Lễ đi học. Nhà u ngày xưa ở ngoài thị trấn nay chuyển vào làng. Đỡ ba-lô cho tôi, u đã chuẩn bị chậu khăn bên bể nước mưa, nhắc tôi rửa mặt mũi cho mát, rồi u bắt tôi ăn cơm xong mới được ra đồng.

Nông dân xã Yên Thắng (Ý Yên) thu hoạch lúa xuân.   Ảnh: Đức Hoa
Nông dân xã Yên Thắng (Ý Yên) thu hoạch lúa xuân.       Ảnh: Đức Hoa
Nhà mất điện, trăng cũng không. Đèn Hoa Kỳ năm xưa nay đem thắp. Không được như đèn nê-ông hay bóng tròn lủng lẳng nhưng đèn dầu cũng đủ quầng sáng cho bữa cơm. Một bát canh rau đay, mồng tơi nấu lẫn với tép khô giã nhỏ. Bên bát cà muối trắng phau là đĩa tép đỏ au lẫn với những lát khế vàng. Niêu cơm một người được u nấu trong nồi gang. Biết tôi thích những gì quê quê nên u cũng hay chiều chuộng. Nhìn mâm cơm mà tôi nghẹn ngào! U tôi, cả đời cứ loanh quanh mãi với cái tính thương con, chiều cháu. Đứa nào cũng được u chia đều, nhưng ai mà chê cơm nấu bằng rơm thì u... giận.

"Nhà ăn cơm từ lâu". U phe phẩy quạt, cắn miếng trầu vào giữa hai hàm răng, kể: "Lúa nhà chưa khô. Nghe em điện báo tin con về. U sang anh cả lấy bơ gạo mới thổi cho con".

Cơm gạo mới nhai lâu càng ngọt, mùi hăng hắc của lúa mới đượm trên hạt cơm. Những quen thuộc một mai ngỡ đã mất đi thì đã có u tôi níu giữ. Trong khi những hình ảnh xa lạ ngày một chiếm lĩnh làng quê nhiều hơn. Dọc đường rơm là vỏ bim bim, túi bột giặt Omo bay lả tả. Trà đóng chai, nước ngọt có ga về thay nước vối, chè xanh. Qua luỹ tre xanh váy đỏ, tóc vàng lả lướt. Làng quê đang xáo trộn mà u thì vẫn thế.

Nỗi nhớ đằm sâu trong lúa

Quê tôi vào mùa gặt cả làng ra đồng. Không kể mồng một hay ngày rằm, phơi được mẻ lúa đầu tiên là đem xát nấu nồi cơm mới cúng tổ tiên. "Cơm gạo mới mời tổ tiên về hưởng cái đã".

Tôi về quê lần này không gì to tát, chỉ là những buổi gặt lúa đêm năm xưa. Nói là xưa nhưng cách nay cũng chưa lâu nhưng vì cứ nghe trên đài, trên tivi thấy người ta nói cơ khí hoá đồng ruộng. Thay vì gánh lúa bằng đòn sóc từ đồng về nhà người ta dùng công nông chở. Trục kéo bằng đá vòng quanh đụn lúa cho hạt rời khỏi bông nay thay bằng máy tuốt. Tiếng thập, tiếng thình đập lúa của làng quê xưa nay cũng tịnh vắng. Làng quê vào mùa thiếu những âm thanh ấy cũng buồn. Tôi nhớ âm thanh đã đi vào giấc ngủ tuổi thơ tôi bằng những nhầm nhậm của rơm và lúa, bằng tiếng lách tách của cào cào, châu chấu đựng trong túi bóng treo ở đầu giường. Ngày nhỏ tôi đã có nhiều đêm ra đồng. Đó là những đêm đem nước đem cơm ra đồng rồi ùa đi bắt châu chấu. Đêm mưa rủ nhau bì bõm bắt cá chuối, bắt ếch.

Thiện - bạn học cấp III với tôi. Thiện khác huyện chỉ cách nhà tôi vài cây số. Bên thôn An Lãng nhà Thiện thường gặt trước làng tôi mấy ngày. Mùa gặt, tôi sang nhà nó làm giúp. Hết việc, nó lại sang nhà tôi như là đổi công vậy. Bây giờ nó cũng thoát ly lên thành phố. Hôm trước hai thằng lượn xe ra cầu Mai Động (Hà Nội) thấy nhiều người đàn ông đứng chờ việc mà buồn. Tất cả trai tráng cứ đổ lên thành phố làm nghề xe ôm, bốc vác thế này thì mùa gặt chỉ toàn phụ nữ, người già, trẻ em. "Cậu nhớ không, ngày ấy đồng đợi gió, người đợi trăng. Nhiều đêm không trăng, không đèn thế mà chị Chiên, chị Nụ nhà mình vẫn cắt lúa nhanh lắm".

Tôi chả biết trả lời thế nào. Những hoài niệm lăn dài theo giọt mồ hôi chợt ùa về. Ở quê, cắt lúa chậm là bị "bỏ rơi". Cũng một thửa ruộng người ta đi trước mình đi sau thì xấu hổ lắm. Càng tụt lại sau cắt càng chậm. Người cắt nhanh cũng không thể cắt chậm vì làm vậy rất ngượng tay. Tuổi bọn tôi lên bảy lên tám vào mùa gặt cũng không được chơi như trẻ bây giờ. Mỗi đứa cầm một cái sêu hai chạc gảy rơm cho nhanh khô. Người quê tôi có con mắt tinh tường, chỉ nhìn rơm khô cũng đoán được lúa nhà ấy tốt hay xấu. Mùa gặt rộ chẳng may gặp phải cơn mưa cũng khổ. Lúa ngoài đồng, lúa trong sân thúc giục bước chân người. Mùa lúa, mùa nóng nên chân tay người ngợm lúc nào cũng ngứa. Nhớ đến rơm thơm, cơm mới muốn về quê nhưng vào mùa gặt mà về thì đến suy nghĩ cũng phải lấy đà. Nỗi nhọc nhằn trải qua bao mùa gặt nên có nhớ, có thèm cũng đành lỗi hẹn. Bao nhiêu lỗi hẹn thành bấy nhiêu thương nhớ đằm sâu. Thương quê, sợ gặt nên đành gọi điện hẹn một ngày về khi mùa đã đi qua, thóc ngủ yên trong bồ, rơm thành đống.

Cảnh xưa - mùa về, còn không ?

Khác với các huyện Ý Yên, Nghĩa Hưng... thường gặt sớm. Nam Trực, Trực Ninh, trước kia cùng huyện có tên là Nam Ninh, tách ra thành hai huyện nhưng có một điểm chung là xuống mạ chậm nên gặt muộn. Mùa gặt thường rơi vào những ngày cuối tháng 4 kéo dài sang tháng 5 âm lịch. Nắng trên trời hất xuống, bùn dưới đất xông lên, gặt ban ngày không chịu nổi nên chuyển sang gặt đêm. Buổi tối gặt từ 5 giờ chiều đến 9 - 10 giờ đêm, buổi sáng gặt từ 2 giờ đến 7 giờ sáng. Nếu trời có trăng thì đỡ, nếu không trăng thì gặt thầm trong đêm. Gặt thế này chủ yếu do thói quen. Sau này nhiều nhà dùng đèn măng-xông rồi đến đèn ắc-quy để gặt. Nhưng ánh sáng lại hấp dẫn lũ cào cào, châu chấu, măn mắt bay về xà lung tung trước mắt. Thật tuyệt vời nếu buổi gặt vào đúng đêm trăng. Trăng lênh loáng đồng quê. Trăng tãi vàng trên bông lúa. Trăng dịu dàng trên cỏ cây hoa lá.

Sông Hồng chảy về đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Nam Trực, Trực Ninh. Nhưng chảy ngang qua cánh đồng quê Trực Ninh, Nam Trực chỉ có sông Ninh Cơ, như cánh tay của mẹ Cả (sông Hồng) quàng lấy phủ Thiên Trường. Dòng sông cứ âm thầm chảy, thương yêu bồi đắp phù sa cho những cánh đồng mỗi năm hai mùa gặt. Trong chiều hoàng hôn, nhìn từ trên cao, dòng sông Ninh Cơ như dải lụa uốn lượn qua những cánh đồng lúa chín. Dòng sông xanh giữa biển lúa vàng bát ngát.

Ngoài đồng dân làng nhộn nhịp mùa gặt mới. Trong làng khắp ngõ xóm sân nhà ai cũng lúa, cũng rơm. Ngừng tuốt lúa, quệt những giọt mồ hôi, anh Đinh Văn Doanh, trưởng thôn An Lãng (xóm An Thành, xã Trực Chính, Trực Ninh) tâm sự: "Nói là ruộng mênh mông nhưng diện tích cũng không nhiều lắm đâu. Tính bình quân mỗi lao động cũng chỉ được 340m2. Chẳng có nhiều việc, thu nhập kém nên các lao động có cơ hội là đi. Đồng vắng những cánh tay lực điền, mùa thiếu tiếng cười thôn nữ. Vào mùa mà làng quê vắng lặng. Chán".

Nghe anh nói, cầm trên tay bông lúa vàng mà bỗng nhiên lòng tôi trĩu nặng !

Ninh Nguyễn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com