Những điều cần biết về bệnh hen phế quản

08:11, 11/11/2019

Bệnh hen phế quản hiện đang gia tăng mạnh trên toàn cầu, đặc biệt là các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Hen phế quản là bệnh do tình trạng viêm nhiễm mạn tính đường hô hấp dẫn đến làm tắc nghẽn luồng khí thở do co thắt phế quản, do sưng phù làm hẹp lòng phế quản và tăng tiết dịch nhầy do viêm làm cho bệnh nhân bị ho, khó thở và khò khè tái đi, tái lại làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và là gánh nặng về y tế, xã hội. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì sẽ kiểm soát được bệnh hen và người bệnh sẽ trở lại cuộc sống, sinh hoạt bình thường.

Hen phế quản thường xuất hiện sau một đợt nhiễm trùng đường hô hấp do virus hoặc vi khuẩn, khi thay đổi thời tiết trong những đợt chuyển mùa, hoặc do hít phải bụi, hơi khói của bếp than, bếp củi, khói thuốc lá, thuốc lào, lông súc vật, phấn hoa, nấm mốc; hay xuất hiện khi gắng sức (tập thể dục, nô đùa, khóc, xúc cảm quá mức,...). Có những trường hợp xuất hiện cơn hen sau khi ăn một số thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, cua, cá biển, trứng, sữa...

Triệu chứng của hen phế quản:

 Những dấu hiệu báo trước một cơn hen phế quản là ngứa họng, ngứa mũi, hắt hơi, ho, chảy nước mắt, nước mũi... Sau đó cơn hen xuất hiện với các triệu chứng sau:

- Khó thở, thở nhanh, thở gắng sức thường xảy ra vào ban đêm.

- Thở khò khè, có thể nghe tiếng rít khi thở ra.

- Ho từng cơn, ho kéo dài dai dẳng nhiều vào ban đêm và sáng sớm. Sau cơn ho có thể khạc ra một ít đờm trắng.

- Cảm giác thấy nặng ngực.

Biến chứng của bệnh hen phế quản khá nặng nề, có thể gây xẹp phổi, nhiễm khuẩn, giãn phế nang đa tiểu thùy, suy hô hấp, ngừng hô hấp kèm theo có tổn thương não...

Cách xử trí khi lên cơn hen

Khi lên cơn hen cấp: cần cho bệnh nhân ra chỗ thoáng khí, không khí trong lành, cho uống nhiều nước hoặc hít hơi nước làm đờm loãng ra sẽ dễ thở. Kết hợp dùng thuốc làm giãn phế quản tác dụng nhanh như Ventoline và uống thêm corticosteroid theo đơn chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu tình trạng không được cải thiện phải đưa bệnh nhân đến ngay bác sĩ chuyên khoa.

Phòng bệnh

Để kiểm soát tốt bệnh hen phế quản, trước tiên người bệnh cần tránh và hạn chế tiếp xúc với các yếu tố làm khởi phát cơn hen như: lông, chất thải của vật nuôi, nấm mốc, khói, bụi, phấn hoa, hóa chất và một số loại thuốc dễ gây dị ứng như Aspirin; bỏ hút thuốc, tránh khói thuốc, giảm và tránh ô nhiễm nghề nghiệp; tránh thức ăn dễ gây dị ứng như: tôm, sò, cua...; phòng tránh và điều trị triệt để các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.

Thường xuyên mang theo thuốc giãn phế quản như Ventoline, Bricanyl dạng xịt hoặc khí dung phòng khi lên cơn hen thì dùng để cắt cơn./.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com