Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa cho nhân dân

07:08, 20/08/2019

Thời tiết đang trong thời điểm giao mùa, chuyển từ khí hậu nóng ẩm của mùa hè sang tiết trời khô hanh của mùa thu… là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh phát sinh, phát triển. Đây cũng là thời điểm cơ thể người trở nên nhạy cảm hơn với các tác nhân gây bệnh. Trước thực trạng đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân.

Khám và tư vấn phòng bệnh cho nhân dân tại Trạm Y tế xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng).
Khám và tư vấn phòng bệnh cho nhân dân tại Trạm Y tế xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng).

Bác sĩ Lại Tuấn Anh, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Trong 7 tháng đầu năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tăng cường công tác giám sát và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, các trường hợp mắc bệnh đã được phát hiện, xử lý kịp thời. Toàn tỉnh có 80 ca sốt phát ban nghi sởi, 19 bệnh nhân mắc, nghi mắc bệnh ho gà, 23 ca nghi mắc bệnh tay chân miệng, 2 ca nghi mắc viêm não Nhật Bản B, không xuất hiện ổ dịch tại cộng đồng. Riêng đối với bệnh sốt xuất huyết, tính đến ngày 1-8-2019, toàn tỉnh có 41 bệnh nhân nghi mắc sốt xuất huyết, trong đó: huyện Giao Thủy 16 ca, huyện Nghĩa Hưng 2 ca, huyện Trực Ninh 3 ca, huyện Vụ Bản 3 ca, huyện Xuân Trường 6 ca, huyện Ý Yên 4 ca, thành phố Nam Định 6 ca, huyện Nam Trực 1 ca. Qua phân loại, có 39 bệnh nhân ngoại lai, 2 bệnh nhân nội địa tại 1 ổ dịch ở phường Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định). Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố tổ chức giám sát véc-tơ, tổ chức chiến dịch dọn vệ sinh môi trường và phun hóa chất chống dịch tại các hộ dân ở phường Trần Đăng Ninh. Đến nay, không ghi nhận trường hợp mắc sốt xuất huyết mới. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; tổ chức giám sát véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại các ổ dịch cũ và các địa phương có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh, mỗi tháng giám sát 5-7 xã; tuyến huyện, thành phố mỗi tháng giám sát 3-5 xã. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức 8 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng giám sát và phòng, chống dịch bệnh cho 205 cán bộ y tế chuyên trách sốt xuất huyết, cộng tác viên y tế thôn, xóm. Các huyện, thành phố tổ chức 16 lớp tập huấn, mỗi lớp 25-30 cán bộ y tế và cộng tác viên tham gia phòng, chống sốt xuất huyết tại cộng đồng.

Trong thời điểm giao mùa hiện nay, các loại bệnh có nguy cơ xảy ra là: sốt xuất huyết, cảm cúm, sốt vi-rút, sởi, viêm não Nhật Bản B, tay chân miệng, đau mắt đỏ, các bệnh về hô hấp và các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn… Người cao tuổi và trẻ em là những đối tượng dễ bị bệnh tật tấn công bởi sức đề kháng kém. Các bậc phụ huynh cần chú ý sức khỏe của con em mình, thường xuyên nhắc nhở vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt, ho và các triệu chứng lạ, cần cho nghỉ học và đưa đến các cơ sở y tế khám và điều trị, tránh nguy cơ lây sang các bạn cùng lớp. Đối với người cao tuổi cần chú ý khẩu phần ăn, chế độ dinh dưỡng hàng ngày để tránh suy nhược cơ thể do thiếu chất. Đối với những hoạt động thể thao như đi bộ, đạp xe, tập dưỡng sinh buổi sáng nên lùi thời gian tập luyện muộn hơn so với những ngày hè, tránh hít phải sương sớm, có thể dẫn đến các bệnh hô hấp như hen suyễn, viêm phổi… Với tinh thần sẵn sàng, chủ động phòng, chống dịch bệnh, nhất là thời điểm giao mùa, đảm bảo các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, ngành Y tế tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng mọi lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ, thuốc, vật tư, hóa chất cần thiết để đáp ứng kịp thời khi có tình huống cấp cứu, phòng, chống dịch bệnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp với các cơ sở điều trị triển khai hoạt động khám, chữa bệnh bám sát, hỗ trợ nhân dân khi dịch bệnh xảy ra; chăm sóc sức khỏe kịp thời trong mọi tình huống cần thiết; kiểm tra, giám sát việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị cần thiết, khi xảy ra dịch phải triển khai khẩn cấp biện pháp chống dịch và thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân các biện pháp chủ động phòng tránh các bệnh thường gặp trong mùa thu đông như: cảm lạnh, cúm, viêm phổi, viêm họng ở trẻ em và cao huyết áp, đột quỵ ở người cao tuổi.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết trên toàn quốc, Sở Y tế vừa có công văn chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Hiện nay bắt đầu vào những tháng cao điểm mùa dịch, thời tiết nắng nóng kéo dài xen kẽ những đợt mưa lớn làm cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh. Để tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trong ngành triển khai quyết liệt các biện pháp; trong đó, tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch và những trường hợp nghi ngờ mắc sốt xuất huyết; điều tra lấy mẫu xét nghiệm theo quy định; giám sát véc-tơ truyền bệnh; xây dựng các phương án hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch; kiên quyết không để dịch lan rộng và kéo dài. Tổ chức 3 chiến dịch lớn diệt loăng quăng, bọ gậy; kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên của đội ngũ cộng tác viên, đội xung kích phòng, chống sốt xuất huyết; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao và các địa điểm tập trung đông người như chợ, trường học, bến xe, bến tàu, bệnh viện. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động, hướng dẫn người dân xử lý đậy kín các dụng cụ chứa nước, không cho muỗi vào đẻ trứng, các biện pháp diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt. Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung, phân loại và điều trị bệnh nhân; theo dõi cụ thể các trường hợp đến khám nghi ngờ sốt xuất huyết. Tư vấn, giải thích cho người bệnh hiểu để an tâm điều trị đúng tuyến, hạn chế quá tải bệnh viện, lây nhiễm chéo và tử vong. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo đáp ứng điều trị tại đơn vị và hỗ trợ tuyến dưới về phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh. Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi, phòng muỗi đốt cho người bệnh và người nhà người bệnh.

Bên cạnh sự nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng, người dân cần chủ động tự bảo vệ sức khỏe, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh, để không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com