Gia tăng trẻ nhập viện do viêm não Nhật Bản

08:06, 28/06/2017

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, viêm não Nhật Bản diễn ra quanh năm nhưng cao điểm là từ tháng 5 đến tháng 9. Căn bệnh này được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (chiếm từ 25-35%). Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, viêm não Nhật Bản khởi đầu với biểu hiện sốt và thường là sốt rất cao (39-40 độ C). Người bệnh còn có các biểu hiện kèm theo như rét run, đau đầu, mệt lả, buồn nôn hoặc nôn. Giai đoạn này kéo dài từ 1 đến 6 ngày. Tiếp đến là các biểu hiện rất điển hình như tiếp tục sốt cao kèm co giật, rối loạn ý thức, kích thích, vật vã, ngủ gà, lơ mơ, hôn mê rồi đau đầu, cứng gáy, tay chân quờ quạng, mất nước. Trẻ phải được đưa đến bệnh viện hay cơ sở y tế nhanh nhất nếu sốt cao quá 12 giờ liên tục hoặc có các dấu hiệu như: Nôn vọt, cứng gáy, rối loạn ý thức... Việc đưa trẻ tới bệnh viện và được xử lý kịp thời sẽ giảm thiểu tối đa các di chứng của bệnh viêm não Nhật Bản, nhưng nếu không thì khả năng tàn phế suốt đời là vô cùng lớn.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Phó giáo sư - Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh viêm não Nhật Bản không lây trực tiếp từ người sang người. Việc mọi người ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh. Viêm não Nhật Bản được truyền sang người qua muỗi đốt. “Muỗi hút máu động bị vật nhiễm vi-rút (thường là từ lợn) rồi từ đó lại đốt người và truyền bệnh cho người. Muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản được gọi là véc-tơ truyền bệnh”, Phó giáo sư - Tiến sĩ Trần Đắc Phu phân tích.

Hiện nay, tuy đa số trẻ được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn còn rải rác các trường hợp mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi. Để phòng viêm não Nhật Bản, cách tốt nhất là tiêm phòng 2 lần, cách nhau từ 7-14 ngày, sau đó 1 năm nhắc lại mũi thứ 3, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại. Ngoài ra, ăn uống hợp vệ sinh, nâng cao thể trạng, nằm màn tránh muỗi đốt và tích cực vệ sinh môi trường, diệt muỗi, bọ gậy cũng là cách phòng bệnh hữu hiệu./.

Theo HNM



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com