Ứng dụng công nghệ thông tin phát triển nhà ở thông minh

06:03, 19/03/2021

Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để tạo nên không gian nhà ở thông minh (Smarthome) đang được người tiêu dùng lựa chọn bởi những tính năng vượt trội mang lại tiện ích cho người sử dụng thông qua việc điều khiển các thiết bị tự động trên nền tảng kết nối internet. Thị trường cung ứng các thiết bị thông minh cho nhà ở trên địa bàn tỉnh ta đang trở nên sôi động.

Giới thiệu sản phẩm năng lượng xanh cho khách hàng tại Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại FUJISO (thành phố Nam Định).
Giới thiệu sản phẩm năng lượng xanh cho khách hàng tại Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại FUJISO (thành phố Nam Định).

Đón xuân Tân Sửu trong ngôi nhà ấm cúng, đầy đủ tiện nghi của mình, bà Lê Thị Mỹ, phường Trường Thi (thành phố Nam Định) phấn chấn vì các con vừa lắp tặng cha mẹ hệ thống thiết bị thông minh cho ngôi nhà của mình với các tính năng cơ bản như: tự động chiếu sáng; tự động làm nóng nước và ngắt nước khi không sử dụng; tự động ngắt khí gas theo thời gian cài đặt và cảnh báo an toàn khi có người xâm nhập nhà ở… Bà cho biết: Gia đình có 3 thế hệ cùng sinh sống nên nhu cầu sử dụng hợp lý, an toàn các thiết bị như đèn chiếu sáng, nước nóng, bếp gas và camera an ninh rất cao. Việc ứng dụng CNTT đã giải quyết được vấn đề này. Theo đó, khi cài đặt hệ thống Smarthome, hệ thống sẽ tự động kết nối với các thiết bị trong gia đình theo nhu cầu và tính năng sử dụng. Ví dụ cửa kính, chuông báo sẽ tự hoạt động khi có người bước vào nhà; thiết bị chiếu sáng ở tất cả các khu vực sẽ bật, tắt theo mặc định thời gian và cảm ứng khi có người sử dụng. Tương tự như thế, nước nóng tự bật, ngắt vào một khung giờ nhất định, vòi nước sinh hoạt chỉ hoạt động khi có cảm ứng tay người đưa vào và ngắt trong vài phút sử dụng. Hệ thống an ninh phát hiện sự cố khi có người bị ngã (đứng sai tư thế); rò rỉ khí gas, khói; tiếng động bất thường và camera thông minh kiểm soát mọi hoạt động bên trong và ngoài ngôi nhà để cảnh báo đến gia chủ. Với những tiện ích này, gia đình bà khắc phục được nhiều điểm hạn chế của ngôi nhà truyền thống trước kia, chất lượng cuộc sống được nâng lên với chi phí lắp đặt ban đầu chỉ hơn 30 triệu đồng. “Tôi có thể quan sát và quản lý toàn bộ ngôi nhà của mình một cách dễ dàng trên điện thoại dù đang ở bất cứ nơi đâu”. Cùng chung tâm trạng hồ hởi phấn chấn với bà Mỹ, nhiều hộ gia đình trong khu tập thể phường Trường Thi đã tìm hiểu và lắp đặt thiết bị thông minh cho ngôi nhà của mình. Anh Nguyễn Văn Nam, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Mắt thần Nam Định (thành phố Nam Định) cho biết: Các thiết bị công nghệ cho một ngôi nhà thông minh bao gồm các hệ thống an ninh, báo cháy, chiếu sáng, điều khiển nhiệt độ, âm thanh, hệ thống giải trí, bể bơi, spa, điều khiển rèm cửa, bơm tưới cây… Hệ thống này có khả năng tự động hóa cao như: bật đèn sân vườn khi mặt trời lặn và tự động tắt vào nửa đêm; bật đèn khi gia chủ vào nhà nếu trời tối và đèn chưa bật; bật đèn hành lang, cầu thang khi có người và trong điều kiện môi trường thiếu ánh sáng và tự động tắt sau 30 giây khi người ra khỏi khu vực cần chiếu sáng. Hiển thị các thông báo nhắc nhở các ngày quan trọng hoặc các sự kiện quan trọng của gia chủ. Đặc biệt khi tất cả các thành viên rời khỏi nhà, hệ thống sẽ tự động tắt toàn bộ thiết bị điện và bật tính năng cảnh báo xâm nhập... Toàn bộ hệ thống điều khiển ngôi nhà được kết nối thông qua một phần mềm cài đặt vào điện thoại thông minh vì vậy, các thành viên trong gia đình có thể thường xuyên kiểm tra được trạng thái của ngôi nhà, theo dõi được các sự kiện được ghi lại trong khi đang ở bất cứ nơi nào. Hiện tại trên thị trường có nhiều dòng sản phẩm thiết bị thông minh của các hãng công nghệ trong và ngoài nước sản xuất. Trung bình một công trình lắp đặt đầy đủ các thiết bị thông minh có giá từ 160-300 triệu đồng, mức thấp hơn từ 70-150 triệu đồng và vài triệu đồng nếu lắp đặt các thiết bị riêng lẻ như: camera an ninh, cửa tự động, thiết bị làm mát, bếp nấu ăn… Với mỗi thiết bị riêng lẻ này sẽ gắn thêm chip điện tử, bộ công tắc điều khiển từ xa, hoặc các thiết bị cảm ứng, tự động điều khiển theo thói quen mặc định. Việc ứng dụng thiết bị công nghệ để môi trường sống của mình tiện nghi hơn đang được nhiều người tiêu dùng hưởng ứng. Tuy nhiên, đây là sản phẩm công nghệ nên “kén” người sử dụng. Đa phần người dân còn tâm lý e ngại khi sử dụng các thiết bị công nghệ, sự an toàn thông tin và quan niệm thiết bị thông minh chỉ dùng cho giới nhà giàu nên việc sử dụng thiết bị công nghệ chưa lan tỏa sâu rộng. Hầu hết các gia đình đã sử dụng thiết bị công nghệ trên địa bàn đều do con, cháu đầu tư để phục vụ người già, trẻ nhỏ trong gia đình. Anh Đặng Thành Tân, phường Trường Thi cho biết: Nhận thức rõ ưu điểm của thiết bị công nghệ thông minh cho ngôi nhà, lại thường công tác xa nên tôi chủ động lắp đặt các thiết bị thông minh cho gia đình mình nhằm hỗ trợ sinh hoạt và cũng để tôi yên tâm khi hàng ngày quan sát được mọi hoạt động của bố mẹ, các con. Thiết bị đơn lẻ tôi lựa chọn kích hoạt tự động chủ yếu ở phân khúc hỗ trợ bật tắt thiết bị điện và camera an ninh. Ban đầu cha mẹ tôi phản đối do ngại làm quen với thiết bị công nghệ và có tâm lý bị “theo dõi” nhưng sau một vài sự việc có sự can thiệp kịp thời của công nghệ nên đã tránh được hậu quả đáng tiếc thì bố mẹ tôi mới tin dùng. 

Để ứng dụng ngôi nhà thông minh phát triển, thay đổi thói quen tiêu dùng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng thiết bị cần kiên trì nghiên cứu khắc phục những hạn chế như thiết bị hỏng đột ngột, khó kết nối với những sản phẩm đời mới hơn nếu không được cập nhật phần mềm, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn điện, internet; hạ giá thành sản phẩm… Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu về tính năng của các thiết bị thông minh và hướng dẫn, khích lệ họ sử dụng thiết bị phục vụ đời sống, sinh hoạt hàng ngày./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com