Ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện "mục tiêu kép"

06:03, 16/03/2021

Thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo phát triển kinh tế trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh ta đã nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động quản lý điều hành… Qua đó, không chỉ góp phần hạn chế sự lây lan dịch bệnh mà còn đảm bảo hiệu quả trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Đến nay trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm bệnh; tỉnh hoàn thành các kế hoạch nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm 2021, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn so với cùng kỳ.

Sử dụng dữ liệu số trong thanh toán hóa đơn bán lẻ tại Siêu thị BigC Nam Định.
Sử dụng dữ liệu số trong thanh toán hóa đơn bán lẻ tại Siêu thị BigC Nam Định.

Hiệu quả của việc ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ và giao dịch thương mại trên địa bàn tỉnh đã được khẳng định qua thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ vào tình hình thực tế, tỉnh đã phân loại các tình huống để áp dụng triển khai hội họp, làm việc trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã. Các cán bộ, công chức làm việc trực tuyến tại nhà, trừ các trường hợp công việc thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới phải đến làm việc tại công sở. Các trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo áp dụng hình thức dạy học trực tuyến qua internet và trên truyền hình; khuyến khích giáo viên sử dụng các ứng dụng mạng xã hội Zalo, Facebook để hướng dẫn, kiểm tra học sinh học tập tại nhà. Các doanh nghiệp viễn thông phối hợp với các trường học, doanh nghiệp triển khai nhiều hệ thống phần mềm hỗ trợ giáo dục trực tuyến, bán hàng, thanh toán trực tuyến như VNPT-Elearning; hệ thống mạng xã hội học tập Viettelstudy… Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, thì việc làm việc tại nhà thông qua nền tảng CNTT được đánh giá cao, mang lại hiệu quả tích cực vừa có thể đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, đồng thời vẫn đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả công việc của các cơ quan, đơn vị và phục vụ đời sống hàng ngày của mỗi người dân. Thời điểm đầu năm 2021 khi dịch bệnh COVID-19 tái xuất hiện trong cộng đồng, ngoài việc chỉ đạo kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch, UBND tỉnh yêu cầu tất cả các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong chỉ đạo điều hành, kinh doanh dịch vụ, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp. Ðể giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương dễ dàng triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, giải quyết công việc, Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai hệ thống quản lý điều hành điện tử thống nhất trong các cơ quan Nhà nước; hướng dẫn các ngành, địa phương xây dựng và triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT nền tảng trong phòng, chống dịch đảm bảo phù hợp với định hướng chung của tỉnh. Ðẩy mạnh ứng dụng CNTT trong truyền thông phòng, chống dịch như sử dụng tin nhắn, bảng thông tin, hệ thống thông tin điện tử (cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội) để người dân có thể chủ động tiếp cận thông tin về tình hình dịch bệnh, thực hiện các khuyến cáo phòng, chống dịch của Bộ Y tế và chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp. Ðồng thời, Sở TT và TT chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành bảo đảm các điều kiện về kỹ thuật, đường truyền để duy trì hệ thống thông tin truyền thông của tỉnh hoạt động liên tục, ổn định và an toàn phục vụ tốt nhu cầu của các tổ chức, cá nhân. Sở TT và TT đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính hợp lệ đủ điều kiện và chính thức triển khai thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt khi thực hiện nghĩa vụ tài chính trong giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Hoàn thành việc xây dựng 2 ứng dụng di động (nền tảng Android và IOS) là “IOC Nam Ðịnh” dành cho công chức, viên chức đảm bảo phục vụ tốt việc điều hành, chỉ đạo, giao việc, giải quyết công việc của cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh và “Smart Nam Ðịnh” dành cho người dân, doanh nghiệp. 2 ứng dụng này được cập nhật nhiều cơ sở dữ liệu đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của người dân và đáp ứng yêu cầu giao tiếp của người dân, doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước. Tiến thêm một bước nữa, để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Sở TT và TT chính thức ký hợp đồng với đại diện phần mềm Zalo để cung ứng “Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Nam Ðịnh” trên giao diện này. Theo đó, cán bộ, công chức, tổ chức và người dân có thể thông qua trang Zalo chính thức “Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Nam Ðịnh” để làm thủ tục, tra cứu thông tin hồ sơ, phản ánh hiện trường hoặc liên lạc với cơ quan chức năng thông qua 6 chức năng và dịch vụ tiện ích gồm: Tích hợp tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ dịch vụ công bằng mã số biên nhận; nộp thủ tục hành chính trực tuyến; nhận thông báo khẩn, chính sách mới, văn bản luật mới, sự kiện thường kỳ, các hoạt động diễn ra trên địa bàn tỉnh; đánh giá sự hài lòng của người dân về dịch vụ công; nhận và phản hồi các phản ánh hiện trường từ người dân; tích hợp thông tin chỉ đạo của các cấp chính quyền. Ðã có hàng nghìn tài khoản công dân kết nối với Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và nhận thông báo tình trạng giải quyết hồ sơ trên mạng xã hội Zalo… góp phần quan trọng vào việc phát huy hiệu quả chỉ đạo điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước và đẩy nhanh tiến độ thực hiện giao dịch công trực tuyến. Cùng với cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp viễn thông như VNPT, Viettel, FPT, Mobiphone tập trung hỗ trợ người dân triển khai ứng dụng phục vụ quản lý giáo dục, khai báo y tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tổ chức cung ứng các ứng dụng quản trị doanh nghiệp; quản lý nhân sự, quản lý bán hàng; thanh toán hóa đơn điện tử, chữ ký số và ứng dụng các nền tảng, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển hàng hóa qua các giao dịch thương mại điện tử; các ứng dụng làm việc tại nhà; khám, tư vấn sức khỏe từ xa; giao lưu kết nối trực tuyến; cập nhật tin tức; mua sắm, giải trí và dịch vụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, các giao dịch điện tử và bảo vệ trẻ em khi sử dụng mạng internet.

Việc phát huy tối đa các ứng dụng CNTT vào mọi lĩnh vực đời sống đã giúp cho công tác an sinh xã hội được bảo đảm; hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ, lưu thông hàng hóa và nhiều lĩnh vực khác trong tỉnh không chỉ giữ vững mà còn biến khó khăn thành động lực để bứt phá đi lên. 2 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đăng ký đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh đạt 1.777,8 tỷ đồng, cao hơn 6,3 lần so với cùng kỳ; tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2021 đã giao chi đến hết tháng 2 là 4.156,997 tỷ đồng, đạt 25,05% kế hoạch, cao nhất cả nước; giá trị hàng xuất khẩu ước đạt 345,8 triệu USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản ước đạt 24.568 tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Ðặc biệt, tốc độ chuyển đổi số trong các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp tăng đáng kể. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi ngoạn mục từ doanh nghiệp viễn thông sang cung ứng dịch vụ số. Ðó là những tín hiệu khả quan, thuyết phục khẳng định hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa tập trung phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com