Mỹ mong muốn mối quan hệ đối tác thực chất với châu Phi

07:08, 11/08/2022
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken (A.Blinh-ken) công du ba nước châu Phi gồm Nam Phi, CH Congo và Rwanda với "sứ mệnh" duy trì tầm ảnh hưởng của cường quốc số một thế giới đối với "lục địa đen". Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ tuyên bố Washington đang tìm kiếm mối quan hệ đối tác thực chất với châu Phi, thay vì cạnh tranh ảnh hưởng với những cường quốc khác tại châu lục này.
Bộ trưởng Ngoại giao A.Blinken công bố chính sách châu Phi mới của Mỹ. (Ảnh REUTERS)
Bộ trưởng Ngoại giao A.Blinken công bố chính sách châu Phi mới của Mỹ. (Ảnh REUTERS)

Đây là lần thứ hai Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Blinken công du châu Phi kể từ khi nhậm chức đầu năm 2021. Phát biểu tại họp báo chung với người đồng cấp Nam Phi, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du, ông Blinken nhấn mạnh, Mỹ mong muốn quan hệ đối tác mạnh mẽ và thực chất hơn với châu Phi, thay vì mối quan hệ mất cân bằng và mang tính trao đổi. Ông nêu rõ, Washington không coi châu Phi là "sân chơi mới nhất trong cuộc đua giữa các cường quốc". Bộ trưởng Blinken đã đưa ra tuyên bố này trước khi có bài phát biểu tại Ðại học Pretoria, nơi ông công bố chính sách châu Phi mới của Chính phủ Mỹ.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã khẳng định các quốc gia châu Phi là "những bên có vai trò địa chiến lược và là các đối tác quan trọng trong những vấn đề cấp thiết nhất của thời đại". Nhà Trắng cũng vừa công bố các mục tiêu chính sách mới đối với vùng hạ Sahara của châu Phi. Theo đó, chiến lược mới của Mỹ là sẽ chủ động gắn kết các nhà lãnh đạo trong khu vực trong loạt vấn đề từ biến đổi khí hậu, phục hồi sau đại dịch Covid-19 đến mất an ninh lương thực, đồng thời xem xét một cách tổng thể về việc tham gia hoạt động quân sự tại châu lục.

Trong chiến lược mới đối với châu Phi, việc hỗ trợ của Mỹ đối với ngành y tế và kinh tế phục hồi sau đại dịch là điều kiện tiên quyết để giành được lòng tin của châu Phi, bên cạnh việc tăng cường thương mại và tạo thêm việc làm. Ngoài ra, phía Mỹ cũng cam kết hỗ trợ châu Phi giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Chiến lược mới của Mỹ cũng hướng đến việc tăng cường nỗ lực chống khủng bố thông qua cách tiếp cận phi quân sự. Tuy nhiên, Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng năng lực quân sự chống các mục tiêu khủng bố một cách hợp pháp và tại những nơi tiềm ẩn mối đe dọa nghiêm trọng. Cả Rwanda và nước láng giềng CH Congo, hai điểm dừng chân trong chuyến thăm của Bộ trưởng Blinken, đều đang trong tình trạng căng thẳng leo thang vì cáo buộc lẫn nhau ủng hộ khủng bố. Ðến CH Congo, ông Blinken muốn thúc đẩy hỗ trợ quốc gia lớn nhất vùng phía nam sa mạc Sahara vốn đang chật vật tìm cách thoát khỏi tình trạng xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua.

Tới thăm Nam Phi, nền kinh tế hàng đầu châu lục và cũng là một nền kinh tế đang phát triển hàng đầu thế giới, ông Blinken công bố chính sách châu Phi mới của Chính phủ Mỹ. Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Blinken, Bộ trưởng Hợp tác và Quan hệ quốc tế Nam Phi (DIRCO) Naledi Pandor (N.Pan-đo) tuyên bố, Mỹ là một trong những đối tác quan trọng nhất của đất nước cực nam châu Phi. Phát biểu tại họp báo với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, bà Pandor đánh giá cao cam kết mà Mỹ đã thể hiện trong việc mở rộng quan hệ song phương. Theo bà, mối quan hệ này luôn bền chặt và tạo nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy hợp tác nhân dân giữa hai nước, bao gồm cả trong các lĩnh vực giao lưu giáo dục, văn hóa và du lịch. Bà Pandor cũng bày tỏ sự cảm kích của Chính phủ Nam Phi trước "sự hỗ trợ to lớn" của các công ty Mỹ đối với các chương trình kêu gọi đầu tư của Tổng thống Cyril Ramaphosa (X.Ra-ma-phô-xa). Bà cho biết, điều này thể hiện niềm tin rằng Mỹ vẫn coi trọng tương lai của Nam Phi như một điểm đến đầu tư và đối tác thương mại chính, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Nam Phi đã chứng kiến sự tăng trưởng tích cực trong thương mại hàng hóa hai chiều từ 13,9 tỷ USD năm 2010 lên 21 tỷ USD năm 2021. Năm 2021, Mỹ được xếp hạng là điểm đến lớn thứ hai cho hàng hóa xuất khẩu của Nam Phi trên toàn cầu. Ðầu tư từ Nam Phi vào Mỹ gia tăng, trong đó Mỹ chiếm 17,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nam Phi ra thế giới. Phía Nam Phi nhấn mạnh hai nước còn nhiều tiềm năng phát triển trong quan hệ thương mại song phương. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Nam Phi với hơn 600 công ty Mỹ hoạt động tại "đất nước Cầu vồng". Trong khi đó, đầu tư của Nam Phi vào Mỹ đạt trị giá 4,1 tỷ USD trong năm 2019, tăng 1,2% so với năm 2018. Trong bối cảnh hai bên nỗ lực nâng cao quan hệ kinh tế và thương mại, Mỹ cam kết tiếp tục duy trì mối quan hệ đối tác mạnh mẽ, năng động và cùng có lợi với Nam Phi.

Theo nhandan.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com