Nền móng gắn kết các tế bào xã hội

08:05, 17/05/2022

Trong hai thập niên qua, sự thay đổi về nhân khẩu học và kinh tế đã biến các thành phố và trung tâm đô thị thành nơi sinh sống chủ yếu của con người. 

Ước tính hơn nửa dân số thế giới, tương đương 4,2 tỷ người đang sinh sống tại các khu đô thị. Dự báo trong 20 năm tới, dân số đô thị tại các nước đang phát triển sẽ tăng lên 4 tỷ người, trong khi diện tích các vùng đô thị hóa sẽ tăng gấp 3. Xu hướng tăng trưởng nhanh sẽ tạo ra nhiều cơ hội lẫn thách thức to lớn về xã hội, kinh tế và môi trường, tác động trực tiếp đến chất lượng sống của mỗi cá nhân và gia đình. 

Các chuyên gia nhận định xu hướng đô thị hóa nhanh chóng trên toàn cầu là một hiện tượng mới trong lịch sử nhân loại và cách thức thế giới thích ứng với xu hướng này sẽ quyết định chất lượng sống của người dân trong thế kỷ XXI và xa hơn. Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), đến năm 2030, khoảng 60% dân số toàn cầu sẽ sống ở thành phố. Đô thị hóa cho phép tập trung hóa dịch vụ, tăng khả năng tiếp cận việc làm, giáo dục và các hoạt động giải trí - những nhân tố hấp dẫn thu hút nhiều cá nhân và gia đình tới các thành phố. Tại những nước thu nhập cao, các thành phố lớn thường có hạ tầng phát triển, khoảng một nửa các đô thị có các công trình xây dựng xuất hiện nhanh hơn tốc độ tăng lên của dân số. Ngược lại, tại những nước thu nhập thấp và trung bình, phần lớn các đô thị đều thiếu hạ tầng và dịch vụ xã hội, như giáo dục và y tế để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhấn mạnh, tình trạng đông đúc, chật chội do mật độ dân số cao đã làm trầm trọng các hệ quả của tình trạng đô thị hóa nhanh. Diện tích tối thiểu cho không gian công cộng tại các khu đông đúc là 150 người/ha, tương đương 45% diện tích đất. Tuy nhiên tại phần lớn các nước đang phát triển, sự phát triển ồ ạt của các công trình xây dựng và nhà ở tự phát không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, mà còn thu hẹp không gian sinh hoạt chung của người dân, giảm bớt hạ tầng thoát nước, đường phố và khu vực xanh. Theo thống kê của UNDP, mặc dù các thành phố trên thế giới chỉ chiếm 3% diện tích đất trên hành tinh, nhưng mức tiêu thụ năng lượng lại chiếm tới 60-80%, thải ra tới 75% lượng carbon. Điều này đẩy các cư dân thành phố vào cảnh sống chung với ô nhiễm và hứng chịu bệnh tật.

Theo OECD, đại dịch COVID-19 cho thấy so với các vùng nông thôn, virus có xu hướng lây lan nhanh hơn tại các thành phố. Bên cạnh đó, với tốc độ phát triển công nghệ nhanh và nhịp sống hối hả như hiện nay, tỷ lệ người dân béo phì tại các thành phố lớn đang ngày càng tăng. Do đó, quy hoạch đô thị theo hướng bền vững đóng vai trò rất lớn trong việc ngăn ngừa bệnh tật do lối sống thiếu lành mạnh và khơi dậy tinh thần lạc quan của cư dân thành thị. Đây sẽ là nền móng quan trọng để tạo ra mối liên kết tích cực giữa đô thị hóa với thể chất, sức khỏe tâm thần, sự gần gũi với thiên nhiên và không gian xanh của mỗi gia đình.

Một xu hướng quan trọng trong quá trình đô thị hóa chính là sự thay đổi về mô hình gia đình, khi các gia đình gồm nhiều thế hệ đang gia tăng, chủ yếu do khủng hoảng kinh tế khiến những người trẻ tuổi khó tìm việc hơn. Bởi vậy, việc đảm bảo hài hòa quyền lợi cho các thành viên cũng đóng vai trò rất lớn, đặc biệt là nhóm người dễ bị tổn thương như người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ và người lớn tuổi. Việc thiết kế hợp lý các không gian công cộng để mọi cư dân có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ và tận hưởng cuộc sống sẽ giúp các thành phố và cộng đồng hoạt động hiệu quả, đảm bảo công bằng và thúc đẩy gắn kết xã hội. Một trong số này phải kể đến truyền tải kiến thức qua tranh ảnh minh họa, gắn với những điểm sinh hoạt công cộng hằng ngày như trạm xe buýt, công viên, siêu thị mà một số thành phố như Philadelphia, Chicago (Mỹ), London (Anh), Mumbai (Ấn Độ) đang áp dụng để tạo thêm cơ hội học tập cho trẻ em và cộng đồng.

Không thể phủ nhận đô thị hóa là một xu hướng phát triển tất yếu trên toàn thế giới. Dù còn nhiều thách thức, song với quy hoạch bài bản, sự quan tâm sát sao, quản lý và phối hợp hiệu quả của các cấp địa phương, quốc gia và khu vực, các thành phố có thể giải được bài toán nghèo đói, bất bình đẳng và môi trường suy thoái, từ đó cải thiện cuộc sống của mỗi cá nhân và gia đình. Phát triển đô thị bền vững sẽ tạo ra nền móng chắc chắn để gắn kết các gia đình -  vốn là những tế bào của xã hội - qua đó đảm bảo tương lai phát triển bền vững của cả xã hội trong thời đại đô thị hóa./.

Theo TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com