Chính phủ Pháp cấm biểu tình bạo động

08:03, 19/03/2019

Chiều 18-3, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe công bố một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tái diễn bạo lực, cướp phá trong các cuộc biểu tình của phong trào "áo vàng." Đáng chú ý nhất là việc bổ nhiệm cảnh sát trưởng mới của Paris và cấm biểu tình trên đại lộ Champs-Elysées nếu có sự tham gia của các đối tượng quá khích.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe công bố các biện pháp an ninh mới. (Ảnh: BFMTV)
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe công bố các biện pháp an ninh mới. (Ảnh: BFMTV)

Quyết định trên được đưa ra sau hai ngày xảy ra tình trạng bạo lực nghiêm trọng cùng các hành động đốt phá và cướp của do hơn một nghìn đối tượng quá khích tiến hành. Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Emmanuel Macron trong ngày 18-3, Thủ tướng Pháp khẳng định, để bảo đảm an ninh trật tự công cộng, chính phủ kiên quyết ngăn chặn những đối tượng có nguy cơ gây bạo động.

Sau khi lên án những hành động của các đối tượng quá khích lợi dụng biểu tình để phá hoại là "không thể chấp nhận được", ông Edouard Phillipe nói, Chính phủ buộc phải đưa ra các biện pháp mạnh để không tái diễn tình trạng bạo lực như vừa qua. Đề cập các chỉ trích về việc không có kế hoạch an ninh hiệu quả, Thủ tướng Pháp cho biết, Chính phủ đã xây dựng một chiến lược mới để đối phó với các hành động bạo lực trong biểu tình và đã điều chỉnh từ tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, những diễn biến trong tuần qua cho thấy, chiến lược này không được thực hiện hiệu quả, không có phương án xử lý kịp thời những diễn biến bất ngờ tại một số khu vực có biểu tình.

Sau đợt biểu tình ngày 18-3, chỉ huy các lực lượng an ninh bị chỉ trích nặng nề vì không kiểm soát được tình hình, không phản ứng kịp thời ngăn chặn các đối tượng quá khích trà trộn vào những người biểu tình để đốt phá, hôi của. Thủ tướng Pháp cho rằng, chiến lược duy trì an ninh trật tự đã không được thực thi hiệu quả.

Vì vậy, để tránh tái diễn tình trạng bạo lực không kiểm soát được, Chính phủ quyết định điều ông Didier Lallement, Thủ hiến vùng Nouvelle-Aquitaine, lên thay ông Michel Delpuech làm Cảnh sát trưởng của Paris. Dự kiến trong cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng ngày 20-3, Tổng thống E. Macron sẽ chính thức bổ nhiệm ông Didier Lallement.

Biện pháp tiếp theo là cấm biểu tình ở khu vực trung tâm tại một số thành phố lớn như Paris, Bordeaux và Toulouse, những nơi thường diễn ra các vụ bạo động trong các cuộc biểu tình "áo vàng" vừa qua. Theo đó, nếu xuất hiện các đối tượng quá khích, cực đoan tại khu vực chung quanh đại lộ Champs-Elysées, cảnh sát phải giải tán ngay.

Thủ tướng Pháp nhấn mạnh, những biện pháp này nhằm đối phó và xử lý những đối tượng tham gia biểu tình chỉ vì mục đích gây bạo lực và cướp phá, chứ không phải để ngăn chặn những người tham gia biểu tình "áo vàng" một cách ôn hòa. Ông E. Phillipe cũng cho biết đã đề nghị Bộ Tư pháp tăng tiền phạt đối với những người tham gia cuộc biểu tình bị cấm. Theo đó, số tiền phạt sẽ tăng từ 35 lên 135 euro.

Các đơn vị cảnh sát cũng sẽ có thêm quyền xử lý tại hiện trường cùng việc thành lập các nhóm chống "đối tượng quá khích bịt mặt". Các thiết bị và phương tiện giám sát, trong đó có flycam/drone cũng sẽ được sử dụng để ghi lại hình ảnh của các đối tượng gây ra bạo lực và cướp phá, để sau đó có bằng chứng xét xử. Thủ tướng Pháp nói: "Chúng tôi quyết tâm sử dụng tất cả phương tiện để thực thi pháp luật".

Một khoản tiền 1,5 triệu euro cũng sẽ được giải ngân để hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại trong các cuộc biểu tình vừa qua, đặc biệt là ở khu vực đại lộ Champs-Elysées.

Cũng trong ngày 19-3, báo chí Pháp đăng nhiều bài viết về tình trạng bạo lực trong đợt biểu tình lần thứ 18 của phong trào "áo vàng". Cùng việc lên án các đối tượng quá khích, các tờ báo như Les Echos, Le Figaro, kênh truyền hình tin tức BFM TV cũng đánh giá về phản ứng và cách xử lý của lực lượng an ninh. Các nhóm quá khích lao vào đốt phá các cửa hiệu, nhà hàng nhưng cảnh sát không can thiệp mạnh tay ngay để ngăn chặn.

Trong khi đó, đại diện của lực lượng cảnh sát cho rằng, nhiệm vụ của họ là bảo đảm an ninh, phòng chống các hành động quá khích nhưng vẫn phải tránh gây thương tích. Hơn nữa, nếu mạnh tay trấn áp có thể dẫn tới các rủi ro khó lường khi các đối tượng quá khích bị kích động.

Chính phủ Pháp đã cố gắng giải quyết khủng hoảng bằng con đường đối thoại qua các cuộc thảo luận trên toàn quốc suốt hai tháng qua. Đợt biểu tình vừa qua cho thấy, các lực lượng an ninh Pháp còn lúng túng và bị động khi có những diễn biến bất ngờ. Còn những người theo phong trào "áo vàng" cũng bị chỉ trích là "tạo cơ hội cho những đối tượng quá khích đốt phá, cướp của". Vì vậy, dư luận Pháp cho rằng, Chính phủ phải làm hai việc cùng lúc. Đó là điều chỉnh chính sách để giải quyết cuộc khủng hoảng biểu tình "áo vàng" ; đồng thời, cần "đưa ra những biện pháp mạnh" ngăn chặn bạo lực, vô hiệu hóa các đối tượng quá khích.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com