Thách thức trong khai thông dòng chảy mới

08:02, 12/02/2019

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dự kiến hoàn thành trong năm nay, nhằm triển khai thêm đường ống vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu mà không cần trung chuyển qua U-crai-na. Tuy nhiên gần đây, dự án tiếp tục vấp phải sự phản đối của Mỹ và một số nước Liên hiệp châu Âu (EU), vốn lo ngại châu Âu gia tăng phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.

Triển khai dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Ðức. Ảnh: Reuters
Triển khai dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Ðức. Ảnh: Reuters

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa Tập đoàn Gazprom của Nga và năm công ty của châu Âu. Khi hoàn thành, các đường ống này hằng năm có thể vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên EU thông qua biển Ban-tích đến Ðức, mà không đi qua lãnh thổ U-crai-na.

Tuy nhiên, việc triển khai dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vấp phải sự phản đối của một số quốc gia, trong đó có Mỹ, nước đang thúc đẩy những dự án tham vọng về xuất khẩu khí đốt hóa lỏng sang “lục địa già”. Mới đây, Mỹ cảnh báo các công ty Ðức liên quan Dòng chảy phương Bắc 2 có thể đối mặt các biện pháp trừng phạt nếu tiếp tục dự án. Oa-sinh-tơn cho rằng, Dòng chảy phương Bắc 2 có thể được Nga sử dụng để tạo đòn bẩy kinh tế và chính trị. Tổng thống Mỹ Ð.Trăm kêu gọi các nước châu Âu ủng hộ dừng dự án để nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ.

Mới đây, Nghị viện châu Âu cũng thông qua nghị quyết phản đối Dòng chảy phương Bắc 2, cho rằng dự án này đe dọa an ninh năng lượng châu Âu, đồng thời nhấn mạnh vai trò then chốt của U-crai-na trong hệ thống cung cấp năng lượng cho châu Âu. Phía U-crai-na liên tục phản đối việc triển khai dự án. Các nhà phân tích cho rằng, nếu dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thành, vai trò truyền thống của U-crai-na, như một quốc gia trung chuyển chính cho hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu, sẽ bị suy yếu. Ngoài ra, đối với U-crai-na, việc triển khai dự án còn gây ảnh hưởng nền kinh tế, do mất nguồn thu từ lệ phí trung chuyển khí đốt của Nga.

Tuy nhiên, cả Nga và Ðức đều khẳng định, Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án kinh tế thuần túy, giúp bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định cho “lục địa già”. Bộ trưởng Ngoại giao Ðức H.Ma-át nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt nhằm vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ là hành động sai lầm để giải quyết tranh chấp về cung cấp năng lượng.

Các chuyên gia nhận định, Ðức kiên quyết bảo vệ Dòng chảy phương Bắc 2 là điều dễ hiểu. Ðối với nhiều nước EU, dự án hứa hẹn bảo đảm nguồn cung khí đốt từ Nga được thông suốt. Trong đó, Ðức được xem là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất, bởi khi dự án hoàn thành, Béc-lin có thể gia tăng vị thế tại châu Âu, với tư cách là quốc gia phân phối năng lượng của Nga tại EU. Vì vậy, mặc dù vấp phải sự phản đối của một số quốc gia và đảng phái trong nước, Chính phủ Ðức vẫn luôn “bật đèn xanh” cho dự án. Gần đây, giới chức Ðức phản đối mọi ý định rút khỏi Dòng chảy phương Bắc 2, sau khi một số nghị sĩ gợi ý sử dụng dự án để trừng phạt Nga liên quan vụ bắt giữ tàu U-crai-na cùng các thủy thủ tại biển A-dốp.

Ðối với Nga, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế, trong bối cảnh xuất khẩu năng lượng tiếp tục chiếm vị trí không nhỏ trong nguồn thu ngân sách. Việc củng cố thị trường tiêu thụ năng lượng rộng lớn tại châu Âu là một trong những mục tiêu quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế của Mát-xcơ-va. Theo hãng tin RIA Novosti, năm 2018, xuất khẩu khí đốt của Nga tới châu Âu vượt ngưỡng 200 tỷ m3, mức cao nhất từ trước đến nay.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dự kiến được hoàn tất và đưa vào hoạt động muộn nhất vào cuối năm 2019. Bất chấp những mâu thuẫn hiện nay, việc xây dựng thêm đường ống dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga được kỳ vọng sẽ giúp châu Âu có nguồn cung ổn định với mức giá hợp lý, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho khu vực.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com