Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác giáo dục với Triều Tiên

08:02, 12/02/2019

Ngày 11-2, Giám đốc Sở Giáo dục Thành phố Seoul của Hàn Quốc, Cho Hee-yeon cho biết sẽ đề nghị với các cơ quan giáo dục của Triều Tiên cùng thúc đẩy “Chương trình giao lưu giáo dục Seoul - Bình Nhưỡng” như tổ chức các cuộc giao lưu giáo viên và sinh viên.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Dự án giao lưu giáo dục Seoul - Bình Nhưỡng được cấu thành với 10 dự án cụ thể như cùng khám phá các di tích lịch sử, trải nghiệm văn hóa truyền thống, trải nghiệm môi trường sinh thái Bán đảo Triều Tiên, tổ chức hội thảo học thuật, trao đổi sinh viên, tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật của học sinh, sinh viên, giao lưu thể thao giữa các sinh viên, đào tạo nghề và “hòa nhập khoa học” học sinh...

Giám đốc Sở giáo dục thành phố Seoul của Hàn Quốc, Cho Hee-yeon. Ảnh: straitstimes.com
Giám đốc Sở giáo dục thành phố Seoul của Hàn Quốc, Cho Hee-yeon. Ảnh: straitstimes.com

Sở Giáo dục Seoul nêu rõ “sẽ xem xét một cách tổng thể tình hình Bán đảo Triều Tiên và sự tiến triển của quan hệ liên Triều, cũng như tính chất các dự án và tình hình đàm phán để triển khai các dự án một cách linh hoạt”. Giám đốc Sở Giáo dục Thành phố Seoul Cho Hee-yeon dự định sẽ chuyển đề nghị trên tới phía Triều Tiên khi tham dự “Cuộc họp đầu năm 2019 để thi hành Tuyên bố chung liên Triều” được tổ chức vào 12 và 13-2, tại khu du lịch nghỉ dưỡng núi Kumgang  trên lãnh thổ Triều Tiên.

Ngoài ra, Giám đốc Cho Hee-yeon nhấn mạnh Seoul là Thủ đô của Hàn Quốc, Bình Nhưỡng là Thủ đô của Triều Tiên, do đó, sự hợp tác giữa ngành Giáo dục của Seoul và Bình Nhưỡng sẽ trở thành cơ hội cho sự giao lưu và hòa hợp giữa học sinh, sinh viên, thế hệ chịu trách nhiệm cho tương lai của Bán đảo Triều Tiên.

Mỹ - Trung khởi động vòng đàm phán thương mại mới

Mỹ và Trung Quốc đang khởi động một vòng đàm phán khác trong nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột thương mại giữa hai nước.

Đứng trước thời hạn chót ngày 1-3 để Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận giúp chấm dứt chiến tranh thương mại, hiện mọi chú ý đều đổ dồn vào việc liệu Bắc Kinh có sẵn sàng nhượng bộ trong vấn đề quyền sở hữu trí tuệ cũng như một số vấn đề khác liên quan đến Washington. Các quan chức thương mại hàng đầu của cả hai nước sẽ bắt đầu các cuộc thảo luận tại Bắc Kinh ngày 11-2, tiếp nối cuộc họp cấp bộ diễn ra hồi cuối tháng 1-2019. Một vòng đàm phán cấp bộ khác cũng dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 14 và 15-2 tới.

Cho đến nay, Trung Quốc đã đưa đề xuất sẽ mua một lượng lớn nông sản từ Mỹ, như một cách để giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, phía Mỹ có vẻ như vẫn tỏ ra thất vọng trước những cáo buộc rằng Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc. Hiện các bên vẫn còn lập trường cách biệt trong vấn đề quan trọng này và chưa đi đến thống nhất được một giải pháp cuối cùng. Mỹ đã hoãn việc áp mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm của Trung Quốc trước hạn chót 1-3-2019. Với thời hạn sắp hết này, mọi con mắt đều đang tập trung vào những nhượng bộ mà Trung Quốc có khả năng sẽ thực hiện.

Thủ tướng Anh muốn Quốc hội bỏ phiếu thêm về Brexit

Thủ tướng Anh Theresa May cam kết sẽ cho Quốc hội cơ hội khác để nêu ra ý kiến về Brexit trước ngày 27-2.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo này đang cố gắng tranh thủ thời gian để đàm phán về một thỏa thuận mới với Liên minh châu Âu.

Đếm ngược tới thời hạn dự kiến Anh rời khỏi Liên minh châu Âu vào ngày 29-3 tới, Thủ tướng Anh Theresa May đang cố gắng thuyết phục Liên minh châu Âu thay đổi một thỏa thuận vốn đã được hai bên nhất trí hồi cuối năm ngoái song đã bị Quốc hội Anh bác bỏ hồi tháng 1-2019.

Bộ trưởng Nhà ở của Anh James Brokenshire khẳng định, Thủ tướng Theresa May cam kết trao cho Quốc hội một cuộc tranh luận khác về Brexit với cơ hội bỏ phiếu cho các lựa chọn thay thế, trong trường hợp một thỏa thuận vẫn chưa được nhất trí và thông qua cho tới khi đó.

Ngày 11-2, Bộ trưởng Brexit của Anh Stephen Barclay có cuộc gặp với nhà đàm phán của Liên minh châu Âu Michel Barnier nhằm thảo luận về những thay đổi đối với một phần của thỏa thuận rút lui liên quan đến điều khoản “rào chắn” - một chính sách nhằm đảm bảo không có một đường biên giới cứng được đặt ra chia cách Cộng hòa Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh trong trường hợp Anh và Liên minh châu Âu không thể đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit./.

Theo baotintuc.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com