Những tin tức bạn có thể bỏ lỡ trong năm 2018

08:02, 05/02/2019

Năm 2018 đã trôi qua với nhiều sự kiện nổi bật nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Tuy nhiên, cũng trong năm này, đã có nhiều sự kiện thú vị khác diễn ra mà không được nhiều người biết đến. Dưới đây là một số tin tức đáng chú ý mà độc giả có thể đã bỏ lỡ trong năm 2018.

Tuyết rơi trên sa mạc Sahara

Tháng 1-2018 chứng kiến hiện tượng thời tiết kỳ lạ xuất hiện trên sa mạc Sahara – tuyết rơi. Thành phố tự trị của người Algeria có tên Aïn Séfra, được biết đến rộng rãi như là “cửa ngõ của Sahara” xuất hiện tuyết rơi lần thứ ba trong 40 năm. Một số khu vực của sa mạc ghi nhận lớp tuyết bao phủ dày gần 38 cm.

Các bác sĩ “nuôi” tai trong cánh tay của binh sĩ

Tại El Paso, Texas (Mỹ), các bác sĩ phẫu thuật thuộc Trung tâm quân y William Beaumont đã khôi phục và “nuôi” một cái tai trong cánh tay phải của Shamika Burrage. Một binh nhì 21 tuổi của quân đội Mỹ, Burrage, đã mất đi tai trái của mình trong một vụ tai nạn xe ô-tô. Các bác sĩ đã sử dụng sụn từ các xương sườn của cô để tái tạo lại bộ phận này. (Ảnh: Getty Images)

Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS toàn cầu giảm mạnh

Kể từ năm 2010, tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS toàn cầu đã giảm tới 16% ở người trưởng thành và tới 35% ở trẻ em. Hầu hết các quốc gia hiện đang trên đà xóa sổ các ca lây nhiễm cho tới năm 2030. Trong khi đó, Nam Phi, quốc gia có số người sống với HIV cao nhất thế giới đã gây sốc cho các quan chức y tế bằng tiết lộ giảm 44% số ca nhiễm mới kể từ năm 2012. (Ảnh: Undark)

Tỷ lệ nghèo cùng cực giảm còn dưới 10%

Học sinh tại Trường tiểu học Guracha Jeldu, ở Ethiopia.
Học sinh tại Trường tiểu học Guracha Jeldu, ở Ethiopia.

Lần đầu tiên kể từ khi Ngân hàng Thế giới (WB) bắt đầu thu thập số liệu toàn cầu, tỷ lệ người dân sống ở mức nghèo cùng cực đã giảm xuống mức dưới 10%, thấp hơn nhiều so mức 36% trong năm 1990. Theo một báo cáo của WB công bố vào tháng 9-2018, cứ 10 người trên hành tinh thì có một người sống với mức chưa đến 1,9 USD một ngày, tức là có khoảng 736 triệu người nghèo như vậy trên thế giới. Trong vòng 25 năm qua, số người sống trong mức nghèo đói cùng cực đã giảm hơn một tỷ người. Các mục tiêu phát triển bền vững, được thông qua tại Liên hợp quốc năm 2015, đặt mục tiêu “tỷ lệ nghèo cùng cực bằng không” muộn nhất là vào năm 2030.

Lần đầu tiên số người chưa được dùng điện ở mức dưới 1 tỷ

Cơ quan năng lượng quốc tế cho biết, trong năm 2018, 120 triệu người đã được tiếp cận với nguồn điện. Điều đó đồng nghĩa với việc lần đầu tiên kể từ khi có dịch vụ điện lưới vào năm 1882, số người trên thế giới chưa được sử dụng điện ở mức dưới 1 tỷ người.

Cây hành nảy mầm trong vũ trụ

Nhà du hành vũ trụ Oleg Artemyev đã mang theo một củ hành khi ông lên trạm vũ trụ quốc tế (IS) hồi tháng 3-2018. Rất ít hy vọng củ hành sẽ sống sót nhưng thật ngạc nhiên, thay vì bị thối rữa, củ hành đã thích nghi với môi trường mới và thậm chí là nảy mầm. Hiện tượng này đã mở ra một vài hướng đi cho nghiên cứu về khả năng thích nghi của rau củ trong vũ trụ. (Ảnh: Getty Images)

Khởi động thảo luận “Hiệp ước Paris về Đại dương”

Trong năm 2018, sau hơn một thập kỷ thảo luận, 140 quốc gia đã nhất trí bắt đầu đàm phán về một hiệp ước lịch sử “Hiệp ước Paris về Đại dương”, hiệp ước quốc tế đầu tiên nhằm ngăn chặn đánh bắt hải sản quá mức và bảo vệ môi trường sống tại những vùng biển quốc tế. (Ảnh: National Geographic)

Ireland là quốc gia đầu tiên trên thế giới thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch

CH Ireland trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bán hết các khoản đầu tư của mình trong các công ty nhiên liệu hóa thạch, sau khi nước này thông qua một dự luật về thoái vốn đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch. Theo dự luật này, Quỹ đầu tư chiến lược của Ireland sẽ bán toàn bộ các khoản đầu tư trị giá khoảng 318 triệu euro (361 triệu USD) trong lĩnh vực sản xuất than đá, dầu, khí và than bùn trong vòng 5 năm.

Tổng thống Ireland Michael D. Higgins từng nói, Ireland là một quốc gia nhỏ, nhưng có ảnh hưởng lớn tới những công dân “dễ bị tổn thương nhất” bởi biến đổi khí hậu toàn cầu. Về mặt đạo đức, Ireland phải khẩn cấp đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu bởi vì chính những người “dễ bị tổn thương nhất” này không còn đủ khả năng để đợi chờ chúng ta hành động nữa.

Nhiều quốc gia cấm sử dụng túi nhựa

Tính đến cuối năm 2018, ít nhất 32 quốc gia trên thế giới thực thi lệnh cấm sử dụng túi nhựa và gần một nửa trong số đó là các quốc gia tại châu Phi. Trong khi đó, 250 nhãn hàng lớn trên thế giới, trong đó có Coca Cola, Kellogs và Nestle đã nhất trí cam đoan rằng 100% bao bì đóng gói bằng nhựa của họ sẽ được tái sử dụng, tái chế hoặc chế tạo thành phân trộn cho tới năm 2025.

Xu hướng chuyển sang năng lượng sạch tăng mạnh

Tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện gió và mặt trời của thế giới trong năm 2018 vượt mức 1.000 gigawatt (GW). 10 năm trước đây công suất điện mặt trời chỉ là 8 GW.

Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới đã điều chỉnh mục tiêu sử dụng năng lượng có thể phục hồi tăng lên chiếm 35% lượng năng lượng tiêu thụ vào năm 2030, tăng 15% so mục tiêu trước đó. Trong khi đó, Mỹ lập kỷ lục mới về việc đóng cửa nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá trong năm 2018, với 22 nhà máy tại 14 bang có tổng công suất 15,4GW.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com