Chính sách mới của Mỹ ở châu Phi

08:01, 09/01/2019

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ G.Bôn-tơn mới đây công bố những nét chính trong chính sách mới về châu Phi, trong đó nhấn mạnh cam kết của Oa-sinh-tơn tăng cường thương mại và hoạt động gìn giữ hòa bình tại các quốc gia ở khu vực này. Là khu vực tiềm năng mà các cường quốc nhắm tới, tuy nhiên, châu Phi vẫn có những kế hoạch phát triển của riêng mình.

I-ta-li-a và EU thu hẹp những bất đồng về kế hoạch ngân sách năm 2019 của Rô-ma. Ảnh: Reuters
I-ta-li-a và EU thu hẹp những bất đồng về kế hoạch ngân sách năm 2019 của Rô-ma. Ảnh: Reuters

Mỹ đang triển khai sáng kiến "Châu Phi thịnh vượng" nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào châu Phi và tầng lớp người có thu nhập trung bình đang tăng tại "lục địa đen". Ưu tiên số một mà Mỹ hướng tới châu Phi sẽ xoay quanh việc thúc đẩy quan hệ kinh tế nhằm tạo dựng cơ hội cho các doanh nghiệp Mỹ và bảo vệ sự độc lập của các quốc gia tại châu lục này song song với các lợi ích an ninh quốc gia Mỹ. Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ không cung cấp "viện trợ dàn trải", cũng như không hỗ trợ các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình không hiệu quả, không thành công của Liên hợp quốc. Mỹ sẽ hướng các khoản tài trợ tới các quốc gia quan trọng và các mục tiêu chiến lược cụ thể.

Những thay đổi trong chính sách mới của Mỹ đối với châu Phi phản ánh sự thực dụng hơn nhằm sử dụng nguồn tài chính hiệu quả cho những mục tiêu cụ thể. Ðiều này giúp Mỹ vừa duy trì được ảnh hưởng ở "lục địa đen" vừa tiết kiệm tài chính trong bối cảnh ngân sách ngày càng eo hẹp. Trong 20 năm qua, Mỹ đã cung cấp hơn 16 tỷ USD viện trợ cho châu Phi. "Xứ cờ hoa" đã đổ không ít tiền của để duy trì các căn cứ quân sự cũng như các hoạt động huấn luyện quân sự ở châu lục này. Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực chống lại các tổ chức khủng bố như tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), An Kê-đa. Quốc hội Mỹ đã thông qua Ðạo luật sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư phát triển (BUILD), vốn được coi là sáng kiến quan trọng nhất của Oa-sinh-tơn đối với châu Phi dưới thời của Tổng thống Mỹ Ð.Trăm. Theo quy định của Ðạo luật BUILD, Công ty Ðầu tư tư nhân nước ngoài (OPIC) sẽ được chuyển thành Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (USIDFC) với ngân sách 60 tỷ USD, gấp hai lần ngân sách hiện tại của OPIC. Ðáng chú ý, USIDFC sẽ là chủ sở hữu trong các khoản đầu tư – thẩm quyền mới trước đó chưa được giao cho OPIC.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Ð.Trăm siết chặt hơn sự kiểm soát đối với ngân sách dành cho châu Phi nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Mỹ đã phản đối mạnh mẽ kế hoạch tiếp tục chi ngân sách của Liên hợp quốc cho hoạt động gìn giữ hòa bình ở châu Phi, cho rằng việc này cần phải đi kèm một số điều kiện. Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mới đây, ba nước châu Phi thành viên Hội đồng Bảo an gồm Ê-ti-ô-pi-a, Ghi-nê xích đạo và Cốt Ði-voa đã trình dự thảo nghị quyết đề xuất Liên hợp quốc tiếp tục tài trợ cho hoạt động gìn giữ hòa bình ở châu Phi trên cơ sở xét từng trường hợp. Pháp và Trung Quốc ủng hộ nghị quyết này vì cho rằng ngân sách sẽ giúp Liên minh châu Phi (AU) có đủ nguồn tài chính để ứng phó các cuộc xung đột tại đây. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận dự thảo nghị quyết, phía Mỹ đã đưa ra yêu cầu sẽ chỉ cung cấp 75% số tiền và AU cần đóng góp 25% còn lại. Mỹ đã đưa ra 11 điều kiện khiến đại diện các nước châu Phi không giấu được thất vọng.

Trong bối cảnh các cường quốc, trong đó có Mỹ tiếp tục tranh giành ảnh hưởng ở châu Phi, các nhà lãnh đạo "lục địa đen" tiếp tục kêu gọi tăng cường đoàn kết nội khối. Chủ tịch AU M.Ma-ha-mát đã kêu gọi các nước thành viên AU xây dựng một lập trường chung của châu lục trong bối cảnh thế giới đang đối mặt sự suy giảm của chủ nghĩa đa phương. Ông Ma-ha-mát nhấn mạnh: "Thế giới đang thay đổi, chúng ta phải xây dựng một lập trường chung của châu Phi và có một tiếng nói chung". Theo Chủ tịch AU, sự cạnh tranh khốc liệt trên trường quốc tế buộc các nước châu Phi phải đoàn kết hơn bao giờ hết và có những biện pháp phối hợp cũng như tiếng nói chung bảo đảm cân nhắc lợi ích của các nước trong châu lục. Châu Phi đang gửi đi một thông điệp rằng, "lục địa đen" sẵn sàng và chào đón sự hợp tác về kinh tế và thương mại ở mọi cấp, song vẫn giữ vững sự độc lập, tự chủ./.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com