Niềm tin và sự kỳ vọng

08:12, 05/12/2018

Đông Nam Á sắp khép lại năm 2018 với gam màu sáng là chủ đạo trong tổng thể bức tranh chính trị khu vực. Đây cũng chính là chất xúc tác để Đông Nam Á tự tin bước vào năm 2019-thời khắc của nhiều chuyển động chính trị quan trọng trong khu vực.

Có lẽ không quá lời khi cho rằng điểm nhấn đầu tiên phải kể đến trong bức tranh chính trị Đông Nam Á năm 2018 là Campuchia và Malaysia. Đây là hai cái tên “chiếm” khá nhiều trên mặt báo trong và ngoài khu vực năm nay. Lá phiếu bầu của cử tri tại hai quốc gia này đem lại những chiến thắng nằm ngoài mong đợi của những người trong cuộc, thậm chí còn đảo ngược hoàn toàn dự đoán trước đó của giới phân tích chuyên môn.

Tại Campuchia, với những “trái ngọt” mang đậm dấu ấn lãnh đạo của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) mà đất nước Chùa tháp đạt được trong gần 40 năm qua, từ thúc đẩy hòa hợp dân tộc, bảo đảm an ninh xã hội, giảm đói nghèo cho đến kinh tế tăng trưởng 7% nhiều năm liên tục, CPP hoàn toàn có lợi thế khi bước vào cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI. Mặc dù vậy, chính CPP vẫn bày tỏ sự thận trọng khi nói rằng “sẽ thắng với tỷ lệ hơn 50%” và “không chắc sẽ giành được một chiến thắng với 2/3 số phiếu”. Thế nhưng, cuối cùng, đảng CPP của Thủ tướng Hun Sen thậm chí còn giành chiến thắng tuyệt đối trước 19 đảng phái lớn nhỏ khác tham gia tranh cử. Đây là thành tích cao nhất mà CPP giành được kể từ khi Campuchia tiến hành cuộc bầu cử đa đảng vào năm 1993 dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

Nếu như thắng lợi tuyệt đối trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI tại Campuchia còn hơn cả mong đợi của ngay chính CPP thì kết quả cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 tại Malaysia lại là một “cơn địa chấn chính trị” như cách gọi của truyền thông quốc tế. Trái ngược 180 độ so với các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, lần đầu tiên trong lịch sử hơn nửa thế kỷ, một liên minh đối lập đã trở thành liên minh cầm quyền tại Malaysia, đưa ông Mahathir Mohamad, 92 tuổi, trở thành thủ tướng đương nhiệm cao tuổi nhất thế giới từ trước đến nay.

Thoạt nhìn, hai cuộc bầu cử tại Campuchia và Malaysia tưởng chừng không mấy liên quan bởi khác nhau về bối cảnh chính trị và kết quả. Tuy nhiên, không khó để nhận ra một “mẫu số chung”-đó là niềm tin và kỳ vọng được cử tri Campuchia và Malaysia gửi gắm qua lá phiếu bầu của mình. Nếu như chiến thắng của đảng CPP một lần nữa khẳng định vai trò chính trị hàng đầu của CPP tại Campuchia, cho thấy người dân xứ Chùa tháp tiếp tục tin tưởng sự dẫn dắt của CPP để đưa đất nước vững bước trên con đường hòa bình, ổn định và phát triển, thì thắng lợi của gương mặt cũ Mahathir Mohamad lại thể hiện niềm hy vọng của cử tri Malaysia vào cam kết “Xây dựng lại đất nước”. Có lẽ cử tri Malaysia chưa bao giờ quên những chính sách kiên quyết và đúng đắn của ông Mahathir Mohamad trên cương vị thủ tướng trong giai đoạn 1981-2003 để hiện đại hóa nhanh chóng, đưa quốc gia này trở thành một trong những “đầu tàu” kinh tế của khu vực Đông Nam Á.

Các cuộc bầu cử không phải là điểm nhấn duy nhất của bức tranh chính trị Đông Nam Á trong năm nay. Năm 2018 cũng là năm đầu tiên ASEAN bước vào chặng đường mới sau 50 năm hình thành và phát triển. Những thành quả trong một năm qua kể từ khi bước sang tuổi 51 là minh chứng cho thấy ASEAN tiếp tục theo đuổi mục tiêu thúc đẩy một trật tự khu vực dựa trên luật lệ  quốc tế nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời tăng cường hội nhập kinh tế để biến ASEAN trở thành một khu vực thực sự năng động, nơi người dân thực sự gắn bó và đoàn kết.

Trong năm 2018, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận một “văn bản duy nhất” đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Nếu nhìn vào tiến trình đàm phán COC đã diễn ra trong hơn một thập niên qua với nhiều khó khăn về các điều khoản cũng như tốc độ đàm phán thì mới thấy được “văn bản duy nhất” là một bước tiến đáng khích lệ như thế nào trong việc thu hẹp khác biệt giữa các bên. Mặc dù khó đưa ra một lộ trình cụ thể cho đàm phán COC, “văn bản duy nhất” cũng đem lại hy vọng về một COC thực chất, hiệu quả, có hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế trong một tương lai không xa. Cùng với đó, tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng đạt được những bước tiến để hướng tới một hiệp định thương mại tự do hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích cho tất cả các bên trong năm 2019. Cơ hội thành lập khối thương mại lớn nhất thế giới mà ASEAN là trung tâm vì thế cũng đang ngày càng hiện rõ.

Trong khi bức tranh chính trị Đông Nam Á 2018 có nhiều gam màu sáng, có một thực tế không thể phủ nhận là khu vực đã trải qua một năm nhiều mất mát khi thảm họa động đất-sóng thần tại Indonesia hay sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người. Điều đáng nói là cũng chính trong thời khắc hoạn nạn ấy, sự kiên cường của người dân “xứ sở vạn đảo” và “đất nước Triệu Voi”, tinh thần đoàn kết của cộng đồng quốc tế nói chung và ASEAN nói riêng lại thêm tỏa sáng. Với sự chung tay của cộng đồng, người dân tại những khu vực bị ảnh hưởng đang dần bắt đầu gây dựng lại mọi thứ với niềm tin và hy vọng rằng sẽ sớm “hồi sinh” những “vùng đất chết”.

Niềm tin và sự kỳ vọng đã đồng hành cùng Đông Nam Á trong suốt một năm qua. Và năm 2019 chính là thời điểm để không chỉ Campuchia, Malaysia mà cả ASEAN nỗ lực hơn nữa nhằm đáp lại niềm tin và sự kỳ vọng ấy. Với những gì mà Đông Nam Á đã đạt được trong năm 2018, không có lý do gì mà khu vực lại không tiếp tục đoàn kết, phát triển và thịnh vượng trong những năm sắp tới, nhất là năm 2019-năm của những cuộc bầu cử đầy kịch tính từ Indonesia, Thái Lan cho đến Singapore.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com