Sự chia rẽ "phủ bóng" G20

08:12, 03/12/2018

Ngày 1-12, ngày họp cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) không được như kỳ vọng do phải đối mặt với những rạn nứt nghiêm trọng nhất kể từ hội nghị thượng đỉnh đầu tiên cách đây 10 năm.

Người biểu tình phản đối G20 trên đường phố Buenos Aires.  Ảnh: Internet
Người biểu tình phản đối G20 trên đường phố Buenos Aires. Ảnh: Internet

Cơ hội của Nga và Trung Quốc 

Mặc dù trước bữa ăn tối 30-11 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xuất hiện “các tín hiệu tốt”, tuy nhiên, trong cuộc họp ngày 1-12, nhiều nhà lãnh đạo G20 vẫn không thể không bày tỏ quan ngại tác động tiêu cực về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với nền kinh tế thế giới. 

Trong khi đó, tại cuộc gặp bên lề ngày 30-11, lãnh đạo Nga - Trung Quốc đã khẳng định nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định sự phát triển quan hệ Trung - Nga đang có động lực nội tại mạnh mẽ và triển vọng tươi sáng do diễn ra phù hợp với xu thế thời đại cũng như khát vọng của nhân dân 2 nước. Trung Quốc và Nga nên phối hợp với nhau nhằm tăng cường sự liên kết giữa Sáng kiến Vành đai và Con đường với Liên minh Kinh tế Á Âu, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, tài chính, năng lượng, công nghệ... 

Ông Tập Cận Bình kêu gọi 2 nước tăng cường hợp tác trong các cơ chế đa phương, đoàn kết tất cả các bên liên quan trong việc duy trì chủ nghĩa đa phương, bảo vệ các giá trị cốt lõi và các quy tắc cơ bản của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ủng hộ và tạo điều kiện cho tự do thương mại và phản đối chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông rất coi trọng việc duy trì các cuộc trao đổi cấp cao giữa 2 nước, đồng thời đánh giá cao sự hợp tác song phương hữu ích trong nhiều lĩnh vực. Nga quyết tâm thúc đẩy sâu rộng sự phối hợp và hợp tác thực chất với Trung Quốc, nhằm bảo vệ hòa bình và an ninh trên toàn cầu, xây dựng một nền kinh tế thế giới cởi mở.

Trật tự G20 bị phá vỡ 

Trước khi Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này diễn ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở thành tâm điểm của sự công kích. Theo đó, đa phần các ý kiến chỉ trích cho rằng ông chính là người phá đi tính thống nhất trước đây của G20 về thương mại và biến đổi khí hậu. 

Trong bài phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã cảnh báo các nhà lãnh đạo G20 về việc gia tăng các nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu, đồng thời tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh trong việc cải cách kinh tế, theo đó gia tăng nỗ lực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và nhập khẩu nhiều hơn. Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 “theo đuổi sự mở cửa” cũng như “chèo lái kinh tế thế giới một cách có trách nhiệm”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã chỉ trích việc áp đặt “sai trái” các biện pháp trừng phạt và chủ nghĩa bảo hộ thương mại, bỏ qua Hiến chương Liên hiệp quốc, nguyên tắc của WTO và các tiêu chuẩn pháp lý được quốc tế công nhận. Theo ông, điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần hợp tác quốc tế, cản trở hoạt động thương mại quốc tế.

Tổng thống Donald Trump cũng bị chỉ trích là đã phá hủy sự ổn định mà G20 đã thúc đẩy 1 thập niên trước khi Mỹ - cường quốc số 1 thế giới, đang đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào một loạt nước như Iran, Nga, Cuba, Venezuela... và cũng là nước “châm ngòi” cuộc chiến về thuế với các đối tác thương mại lớn với chính sách “Nước Mỹ trước tiên”./.

Theo SGGP



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com