Thông điệp chống chủ nghĩa bảo hộ

09:07, 19/07/2018

Hiệp định thương mại tự do Nhật Bản - Liên hiệp châu Âu (EU), gọi tắt là JEFTA, vừa được ký tại Tokyo là thỏa thuận thương mại song phương lớn nhất trong lịch sử EU. Khi cả EU lẫn Nhật Bản đều có tên trong biểu thuế gây tranh cãi của Mỹ, JEFTA càng được xem như đối trọng với chính sách “nước Mỹ trước tiên”, đồng thời gửi đi thông điệp mạnh mẽ chống chủ nghĩa bảo hộ.

Cho đến thời điểm này, JEFTA tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, với tổng số dân 639 triệu người, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu. Theo hiệp định, Nhật Bản sẽ xóa thuế đối với 94% số mặt hàng nhập khẩu từ EU, chủ yếu là các sản phẩm nông, ngư nghiệp. EU cũng bỏ thuế nhập khẩu đối với 99% danh mục hàng hóa Nhật Bản. Đáng chú ý, EU sẽ không áp thuế đối với các mặt hàng chủ lực của Nhật Bản là ô-tô và ti-vi, sau lần lượt tám và sáu năm kể từ khi JEFTA có hiệu lực. Hai bên nỗ lực thúc đẩy Quốc hội các nước phê chuẩn, để bản thỏa thuận lịch sử này có hiệu lực từ cuối tháng 3-2019, trùng thời điểm Anh dự kiến rời EU.

Khi JEFTA được ký hôm 17-7, tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản S.Abe mô tả JEFTA như một minh chứng khẳng định sự vượt trội của thương mại tự do so với chủ nghĩa bảo hộ. Chủ tịch Hội đồng châu Âu D.Tusk cũng tuyên bố JEFTA là một hành động rõ ràng chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại, trong khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu J.Juncker nhấn mạnh, bản thỏa thuận phát đi thông điệp mạnh mẽ về thương mại tự do và công bằng, khẳng định rằng, các bên trở nên mạnh mẽ và giàu có hơn khi cùng nhau hợp tác.

Khởi động từ năm 2013, tuy nhiên trong một thời gian dài đàm phán, JEFTA không thu hút được sự chú ý của dư luận châu Âu. Một phần lý do là, trùng thời điểm đó cũng diễn ra cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa EU với Mỹ và Hiệp định thương mại tự do giữa EU với Canada (CETA). Tuy nhiên, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiến trình mà Nhật Bản đặt nhiều kỳ vọng, Tokyo đã chuyển hướng tìm kiếm đối tác, đẩy nhanh đàm phán với EU. Sau khi hai bên kiên trì đàm phán suốt bốn năm, EU và Nhật Bản đã nhất trí về nội dung cuối cùng của JEFTA, đáng chú ý là chỉ một ngày trước khi Hội nghị cấp cao G20 khai mạc tại Đức ngày 7-7-2017, nơi mà Tổng thống Mỹ D.Trump tận dụng diễn đàn để bảo vệ chính sách “nước Mỹ trước tiên”.

Lợi ích từ JEFTA là không thể phủ nhận, với cả EU và Nhật Bản. Giới chuyên gia ước tính, sau khi các rào cản thương mại được gỡ bỏ giữa hai bên, giá trị xuất khẩu của các nước EU sang Nhật Bản sẽ tăng 32,7%; xuất khẩu của Nhật Bản vào thị trường EU cũng tăng 23,5%. Châu Âu sẽ nhận được những lợi ích cụ thể trong lĩnh vực kinh doanh nông sản và sản phẩm dinh dưỡng; đổi lại, Nhật Bản cũng có thêm những lợi thế tại EU, nhất là được tự do tiếp cận thị trường ô-tô của EU. Các công ty châu Âu cũng được tự do cung cấp hàng hóa, gồm cả những sản phẩm trong lĩnh vực giao thông đường sắt, vốn nhiều tiềm năng và lợi thế tại thị trường nội địa Nhật Bản...

Việc EU và Nhật Bản chính thức ký JEFTA vào thời điểm hiện tại càng có ý nghĩa quan trọng, khi xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng tại Mỹ, xuất phát từ chính sách “nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống D.Trump. Cả EU, Nhật Bản cùng nhiều đồng minh, đối tác lâu đời của Mỹ đều nằm trong danh sách các nước và khu vực bị Washington áp biểu thuế nhập khẩu mới, với mức cao và gây tranh cãi, khiến cuộc chiến thương mại chực chờ bùng phát. Ra đời trong bối cảnh ấy, JEFTA được các bên tham gia ca ngợi như một lời phản đối đanh thép, một đòn giáng mạnh vào chính sách bảo hộ của Mỹ.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com